"Chú Hỏa" (1845-1901) - theo cách gọi phổ biến – là một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa).
Tuy xếp thứ tư nhưng chú Hỏa là người có nhiều huyền thoại và để lại nhiều dấu ấn nhất, trong đó phải kể đến tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng của ông, theo sách ghi chép lại: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”.
Thành đại gia nhờ bán ve chai
Rất nhiều người kể rằng có xuất thân nghèo khổ, Chú Hỏa từng kiếm sống bằng nghề buôn bán phế liệu, trong một lần thu mua ve chai, Chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ. Người khác nói rằng Chú Hỏa đã mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng.
|
Một bức ảnh tư liệu hiếm hoi về chú Hỏa. |
Người ta còn truyền miệng cho nhau rằng cuộc đời Chú Hỏa thay đổi khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa đã mua lại số hàng này, và nhờ vào kinh nghiệm nhiều năm buôn phế liệu, ông đã phân loại thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị.
Còn theo một số người khác, khi lê la hầu như khắp Sài Gòn - Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, Chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ, nhờ thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán. Do đó, từ nghề mua ve chai này, ông tạo lập được gia sản đầu tiên khi mua rẻ, bán đắt những món đồ cổ từ thời xa xưa.
Tuy còn mơ hồ nhưng hầu như giai thoại nào cũng đề cập đến sự cần mẫn làm ăn, chịu khó, biết sử dụng lợi thế của bản thân mình trong quá trình kinh doanh, biết tích lũy vốn và khuếch trương công việc làm ăn ngày càng to lớn.
Trong suốt quá trình kinh doanh, Chú Hỏa còn luôn biết chia sẻ với cộng đồng cũng như giới cầm quyền đương thời qua việc hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà chức năng vẫn tồn tại đến tận ngày nay, như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)…
Ông trùm bất động sản
“Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” là câu truyền khẩu nổi tiếng của người Sài Gòn xưa.
Nếu như chú Hỷ là ông “vua tàu bè” có tàu Thông Hiệp chạy khắp Nam kỳ - Lục tỉnh lúc bấy giờ thì chú Hỏa là ông “vua nhà đất” với gia sản vào khoảng 20.000 căn nhà phố khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
|
Một dãy nhà thuộc dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng ở góc đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM) hiện vẫn còn nhiều nhà khá nguyên vẹn. Ảnh: HỒ TƯỜNG. |
Theo thông tin được lưu truyền rộng rãi nhất thì sau khi phất lên nhờ số vàng kiếm được, chú Hỏa chuyển sang kinh doanh nhà đất, chiếm lĩnh thị trường bất động sản mà Sài Gòn thời đó hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.
Và với con mắt tinh đời, chú Hỏa nhìn ra ngay tiềm năng của một vùng đất hoang phế, còn nhiều ao hồ quanh con rạch ngay trung tâm Sài Gòn đang có kế hoạch san lấp để xây chợ Bến Thành.
Nghĩ là làm, chú Hỏa mua toàn bộ vùng đất mới san lấp quanh vị trí xây chợ. Khi chợ Bến Thành xây xong, Hứa Bổn Hỏa nghiễm nhiên có trong tay 20.000 cái nền nhà thuộc khu đất vàng. Từ 20.000 cái nền nhà ấy ông lập tức biến nó thành 20.000 căn nhà phố cho thuê.
|
Dãy nhà phố một trệt một lầu đối diện Công viên Quách Thị Trang (trái ảnh) thời thuộc Pháp, phía sau ga xe buýt hiện nay do dòng họ Hui Bon hoa xây dựng (hiện đã bị giải tỏa, phá dỡ). |
Đã giàu lại thê giàu, chú Hỏa đầu tư vào lĩnh vực xây dựng. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 “Công ty của Hứa Bổn Hỏa và các con” của gia đình ông phất lên như diều gặp gió, vô cùng thịnh vượng.
Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “Hui Bon Hoa có nhiều con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc.
Hiện nay phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ. Nhưng công ty này được tiếng là “rất biết điều và không yêu sách, làm khó người mướn phố”.
Không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt các công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền, khách sạn…
Trong số các công trình tiêu biểu vẫn được sử dụng cho đến ngày nay có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách Chính phủ, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace - Long Hải…
|
Khách sạn Majestic do dòng họ Hui Bon Hoa xây dựng và tặng TP Sài Gòn thời thuộc Pháp. |
Majestic là khách sạn đồ sộ bậc nhất thời ấy, được thiết kế theo đồ án của một kiến trúc sư người Pháp. Khách sạn được xây dựng theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ, mang đậm kiến trúc cổ châu Âu thời phục hưng, cổ kính và sang trọng bậc nhất Sài Gòn ngay khi xây xong vào năm 1925.
|
Biệt thự “khủng” có 99 cửa nay trở thành Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. |
Những ngày cuối đời, ông ước nguyện có một căn nhà chung cho toàn bộ con cháu chung sống nhưng chưa thực hiện. Sau này, con cháu Chú Hỏa quyết định làm dinh thự này. Tòa nhà được xây năm 1929 và hoàn thành 5 năm sau đó do kiến trúc sư người Pháp tên Rivera thiết kế. Xây kiên cố hình chữ U, dinh thự có 4 tầng, mái lợp ngói âm dương, tường nhà được đúc kiên cố, dày 40-60 cm, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á – Âu.
Dinh thự của chú Hỏa nằm ở khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn là Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, điều cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Là sản phẩm của châu Âu nhưng thang máy lại được làm bằng gỗ, bên trong được bài trí, chạm trổ như một chiếc kiệu của quan.
Tương truyền khi thiết kế, dinh thự này có 100 cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng, Toàn quyền Đông Dương khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng Dinh toàn quyền, vậy nên hiện nay dinh thự chỉ có 99 cửa.
Sau năm 1975, gia đình ông Hứa Bổn Hòa chuyển sang nước ngoài định cư, căn nhà được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Năm 1992, bảo tàng đi vào hoạt động và là nơi trưng bày của hơn 20.000 cổ vật của các thời kỳ.
Cấu trúc bên trong tòa nhà hiện bao gồm: tầng hầm dành cho khối văn phòng làm việc; tầng trệt dành cho các gallery hoạt động triển lãm và kinh doanh tranh như Không Gian Xanh, Lạc Hồng, Nhật Lệ, Spring…; lầu 1 là nơi trưng bày tranh tượng mỹ thuật; lầu 2 trưng bày các đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Bảo tàng cũng là địa điểm tổ chức các triển lãm lớn về mỹ thuật trong và ngoài nước. Hiện, nơi này mở cửa tất cả các ngày trong tuần cho khách du lịch tham quan. Trong bảo tàng còn lưu giữ nhiều hiện vật vốn là đồ dùng của gia đình Chú Hỏa.
Theo Lê Lan/Người Đưa Tin