Chuyện về chiếc “ghế nóng” bỏ trống của BIDV

Google News

Đã hơn một năm rưỡi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, đến nay BIDV vẫn chưa tìm thấy chủ nhân của chiếc “ghế nóng”. Dù lãnh đạo luôn khẳng định ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, nhưng bỏ trống “ghế nóng” quá lâu là một việc không bình thường. 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo về việc ông có công bố thông tin liên quan đến nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Bùi Quang Tiên được bầu làm ủy viên phụ trách điều hành hoạt động của BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022 kể từ ngày 01.5, sau khi ông Trần Anh Tuấn, thành viên HĐQT đảm nhiệm việc điều hành hoạt động của Hội đồng quản trị BIDV, thôi nhiệm.
Bỏ trống “ghế nóng” quá lâu
Việc để trống quá lâu chức chủ tịch HĐQT tại BIDV khiến không chỉ cổ đông ngân hàng này mà cả thị trường đều cảm thấy sốt ruột. Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 của BIDV diễn ra vào ngày 21.4 vừa qua đã có cổ đông hỏi về việc vấn đề nhân sự này.
Trả lời cổ đông, ông Phan Đức Tú, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BIDV, cho biết Ngoài việc là một thành viên HĐQT, ông Trần Anh Tuấn còn được bầu vào vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hữu hồi tháng 9.2016. Trong hơn một năm rưỡi vừa qua, BIDV không có chức danh Chủ tịch HĐQT chính thức. Nhưng ông Tuấn được bầu vào vị trí cao nhất điều hành HĐQT.
Chuyen ve chiec “ghe nong” bo trong cua BIDV
 Cuộc chạy đua vào "ghế nóng" BIDV của các ứng viên
“Khi khuyết vị trí Chủ tịch/người điều hành, các thành viên HĐQT sẽ bầu một người giữ vị trí đảm nhận trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT. Các cổ đông hoàn toàn yên tâm bởi khi nào NHNN quyết định Ủy viên phụ trách nghỉ hưu, BIDV sẽ có người thay thế vị trí”, ông Tú cho biết.
Nói là vậy, nhưng việc một ngân hàng lớn như BIDV mà hơn một năm rưỡi qua không có chủ tịch HĐQT là một việc không bình thường, thậm chí rất bất ổn trong hoạt động doanh nghiệp.
Đặc biệt, từ sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, tin đồn về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt nhiều lần được dấy lên và đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán. Chắc giới đầu tư vẫn còn nhớ ngày 10.8.2017, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt đã khiến VNIndex có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng gần 2 năm qua với hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh. Cổ phiếu BID giảm sàn, mặc dù sau đó có tin bác bỏ thì mã cổ phiếu này vẫn “trắng bên mua”. Chỉ số VN-Index giảm 17,91 điểm, xuống 773,66 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm, xuống 101,07 điểm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng xác nhận tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt đã khiến thị trường chứng khoán ngày 10.8.2017 “bốc hơi” 2 tỷ USD.
Những diễn biến đó cho thấy quyết định nhân sự quan trọng này tại BIDV không đơn giản như những ngân hàng khác. Dù vậy, cũng có những đồn đoán về nhân sự quan trọng này.
Đầu tiên là ông Bùi Quang Tiên. Ông Tiên sinh năm 1959, được bầu vào HĐQT BIDV năm 2017 và là người đại diện cho 30% vốn của nhà nước tại ngân hàng này. Trước đó, ông công tác tại Ngân hàng Nhà nước từ năm 1982 và làm Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN từ năm 2008 đến hết tháng 4.2016. Sau khi ông Tuấn nghỉ hưu, ông Tiên được bầu làm ủy viên phụ trách điều hành hoạt động của BIDV.
Mới đây nhất là ông Phạm Quang Tùng (sinh năm 1971) sẽ là chủ nhân “ghế nóng” của ngân hàng lớn nhất Việt Nam sau khi được điều động trở về từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hồi cuối năm ngoái. Trước khi sang làm chủ tịch HĐTV VDB vào tháng 6.2016, ông Tùng là Phó tổng giám đốc BIDV. Tuy nhiên mãi đến kỳ đại hội này ông Tùng mới được bầu vào HĐQT làm thành viên.
Ai đủ điều kiện ngồi “ghế nóng” BIDV
Trong bối cảnh NHNN đang siết lại điều kiện để trở thành lãnh đạo cấp cao ngân hàng như chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và nhân sự cấp cao trong hệ thống ngân hàng đang biến động mạnh thì người ngồi “ghế nóng” BIDV sẽ được quyết định một cách thận trọng. Quan trọng hơn, người ngồi “ghế nóng” BIDV sẽ phải giải quyết được những bất ổn nội tại và tạo được động lực tăng trưởng mới cho ngân hàng này.
Thực tế cho thấy, BIDV dường như có vẻ đuối hơn so với Vietinbank và Vietcombank trong bộ “tam trụ” ngành ngân hàng khi con số nợ xấu tuyệt đối đang cao nhất và lợi nhuận trước thuế lại thấp nhất.
Báo cáo tài chính quý I.2018 của BIDV cho thấy mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ là 1,61%, nhưng con số nợ xấu tuyệt đối lên tới 14.208 tỷ đồng và đã phải trích tới 6.013 tỷ đồng (tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ) cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chưa kể còn 19.347 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC tính đến cuối năm 2017 của BIDV. Nếu tính cả khoản này, tỷ lệ nợ xấu sẽ cao hơn con số 1,61%. Đây là lý do khiến cho lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ đạt 2.485 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyen ve chiec “ghe nong” bo trong cua BIDV-Hinh-2
 
Trong khi đó, quý I.2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 4.359 tỷ đồng, dù chi phí hoạt động tăng 29,2% lên 4.067 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên gần 1.500 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31.3.2018, Vietcombank đang có 7.896 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 27,18% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên mức 1,37%/tổng dư nợ, so với mức 1,14% hồi đầu năm. Tuy nhiên, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên mua lại hết nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017.
Còn Vietinbank, quý I.2018 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.027 tỷ đồng, tăng 19% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Tại ngày 31.3, VietinBank đang có 10.295 tỷ đồng nợ xấu, tăng 1.284 tỷ đồng, tương đương tăng 14,26% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đến cuối tháng 3 ở mức 1,25%/tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng so với mức đầu năm là 1,14%. Tuy nhiên, VietinBank cũng là ngân hàng thứ hai mua lại hết nợ xấu bán cho VAMC.
Người ngồi ghế nóng BIDV còn phải giải quyết được vấn đề là tìm cổ đông chiến lược nước ngoài. Vietcombank và Vietinbank đã tìm được ngay cổ đông chiến lược nước ngoài sau một thời gian cổ phần hoá và điều này đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động, tăng trưởng và lợi thế cho hai ngân hàng này. Còn BIDV tuy đã tìm kiếm bao nhiêu năm nhưng đến nay vẫn mới dừng ở tin đồn. Điều này khiến cho BIDV có vẻ “yếu thế” hơn so với Vietcombank và Vietinbank.
Ngoài ra, những vấn đề nội tại, những bất ổn trong cơ cấu tín dụng, xác định chiến lược kinh doanh trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động, nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng cùng với sự lớn mạnh của nhiều ngân hàng cổ phần và sự co hẹp thị phần tín dụng của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, trong đó có BIDV. Đây cũng sẽ là việc mà người ngồi “ghế nóng” BIDV phải rốt ráo giải quyết nếu vẫn muốn tiếp tục cuộc đua ngân hàng số một tại Việt Nam và định vị lại vị thế trong bộ “tam trụ” ngân hàng.
Theo Trần Giang/Dân Việt