Gia đình ông Đào Tiến Tình (56 tuổi) nhiều đời gây dựng cơ nghiệp từ cây hồ tiêu trên mảnh đất tại huyện Chư Sê, Gia Lai. Có lúc, ông Tình sở hữu đến hơn 20ha hồ tiêu.
Tuy nhiên, hồ tiêu liên tục xuống giá, cùng với việc sâu bệnh hoành hành khiến nền kinh tế ngày càng đi xuống. Sau khi tìm hiểu, ông Tình mạnh dạn phá bỏ 3ha hồ tiêu cằn cỗi, chuyển sang trồng hoa hòe.
|
Vườn hoa hòe của gia đình ông Tình (Ảnh: Thái Nam). |
Được biết, hoa hòe là một loại cây dược liệu được trồng để lấy nụ. Người ta thường sử dụng nụ hoa sấy khô để chế biến thành trà. Ngoài ra, trong nụ hoa có chứa khoảng 6-30% hàm lượng rutin. Đây là một loại dược liệu dùng trong y học, có tác dụng giúp ổn định huyết áp, hỗ trợ lưu thông tuần hoàn.
"Điều kiện khí hậu và đất đai ở Gia Lai rất thuận lợi cho sự phát triển của hoa hòe. Sau khi tìm hiểu, tôi đã mạnh dạn lấy giống hoa hòe ở Thái Bình vào trồng thử nghiệm. Ban đầu, cây hoa hòe phát triển rất tốt, ít công chăm bón. Đặc biệt, cây bung hoa, cho thu hái quanh năm", ông Tình bộc bạch.
|
Đây là loại cây cho thu hoạch quanh năm, lợi nhuận mang về gấp nhiều lần so với các cây trồng bản địa (Ảnh: Thái Nam). |
Theo ông Tình, kỹ thuật chăm sóc cây hòe khá đơn giản. Người trồng không tốn công chăm sóc, cây ít sâu bệnh, nhanh thu hoạch, cho thu nhập cao. Để chăm vườn cây bền vững, ông Tình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh; lắp đặt hệ thống tự động tưới nước 2 lần/ngày cho cây vào mùa nóng.
Việc trồng và thu hoạch cây hoa hòe gần như quanh năm. Từ tháng 3 đến tháng 12 là thời điểm hoa nở rộ nhất. Cây sinh trưởng và phát triển ổn định, cho thu hoạch khoảng 10 năm mới phải trồng lại.
Trồng loại cây thân gỗ cho hoa chỉ để thu nụ, kiếm hàng trăm triệu mỗi năm (Video: Thái Nam)
Theo ông Tình, khi cây hoa hòe cao 1-1,5m, ông bắt đầu thuê công nhân bấm ngọn để cây đẻ nhánh, trên một cây hòe, chỉ giữ lại 4-5 cành chính để tán lá phân bố đều.
Từ hiệu quả ban đầu, ông Tình tiếp tục phá 7ha cây hồ tiêu để mở rộng diện tích trồng hoa hòe lên 10ha tại thôn U Diếp (xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Đồng thời, ông Tình cũng liên kết trồng thêm 10ha hoa hòe tại xã Đê Ar (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
|
Cây hoa hòe đã mang về hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Tình (Ảnh: Thái Nam). |
"Mỗi năm, 1ha hoa hòe cho sản lượng khoảng 10 tấn hạt tươi. Giá nụ hoa hiện nay khoảng 100.000-120.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình thu về khoảng 250 triệu đồng/ha. Với 3ha cây hoa hòe trưởng thành, gia đình thu về hơn 700 triệu đồng. Tôi thấy cây hoa hòe đem lại lợi ích kinh tế gấp 4-5 lần so với cà phê", ông Tính cho hay.
Ông Tình cho biết, gia đình ông đang có kế hoạch liên kết với người dân để trồng thêm 30ha hoa hòe, sau đó mở rộng quy mô tại huyện Chư Sê và Mang Yang lên 50ha vào năm 2024. Đồng thời, xây dựng nhà máy chiết xuất rutin và chế biến các sản phẩm từ loại dược liệu này như trà túi lọc, trà đóng hộp...
Việc trồng và thu hoạch nụ cây hoa hòe góp phần tạo thêm thu nhập cho các hộ dân ở huyện Chư Sê. Một số hộ đã bắt đầu trồng hoa hòe, qua đó có thu nhập ổn định.
|
Cây hoa hòe phù hợp với thổ nhưỡng nên chính quyền đánh giá tốt để nhân rộng mô hình (Ảnh: Thái Nam). |
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, cho biết, các hộ dân trên địa bàn đã trồng loại cây hoa hòe này được hơn 4 năm. Đến nay, toàn huyện có khoảng 20ha hoa hòe.
Đặc tính cây hoa hòe phù hợp với điều kiện thời tiết, điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, ít chăm sóc, ít sử dụng phân bón, chống chịu tốt sâu bệnh, cho sản lượng thu hoạch quanh năm, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân địa phương, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số.
"Đây cũng là một mô hình khá mới, nên địa phương sẽ tích cực theo dõi, nếu phù hợp thì sẽ mời các cơ quan chuyên môn đến đánh giá, tham mưu, nghiên cứu để nhân rộng giống cây này. Đối với hộ gia đình ông Đào Tiến Tình, địa phương sẽ phối hợp để cùng nghiên cứu và nhân rộng mô hình.", ông Hợp cho biết.