Mới đây, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã đến tham quan trại nuôi tôm của ông Trần Bá Cương John ở thôn Phước An, xã Bình Hải, huyện Thăng Bình và đánh giá rất cao. Theo ông Thanh, tỉnh khuyến khích người dân và doanh nghiệp áp dụng mô hình này để nuôi tôm.
Không thích việc dễ dàng
Nhiều người hẳn đã nghe đến tỷ phú đô la Trần Bá Dương nhưng có lẽ ít ai biết Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) này có một anh trai rất đa tài. Đó chính là ông Trần Bá Cương John.
|
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (phải), đánh giá cao mô hình nuôi tôm của ông Cương. |
Sinh năm 1959 ở Thừa Thiên - Huế, từ nhỏ, ông Cương đã theo cha mẹ vào Lâm Đồng sinh sống rồi rời quê hương sang Canada học tập và làm việc. Mãi đến năm 2003, ông mới trở về Quảng Nam với cương vị tổng giám đốc THACO theo lời thuyết phục của người em trai. Sau hơn 5 năm làm việc và tạo dấu ấn ở đây, ông Cương nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Với nguồn lực tài chính và kiến thức có được, ít ai ngờ rằng ông lại trở thành một nông dân gắn với con tôm.
Nước da rám nắng, áo quần lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi là hình ảnh thường thấy khi ông Cương tất tả giữa vùng quê cát trắng nắng vàng để theo đuổi niềm đam mê. Ông cho hay bản thân vốn không biết gì về con tôm, cũng chẳng rõ xưa nay người ta nuôi nó ra sao. Một lần tình cờ, ông thấy người nuôi tôm sử dụng máy quạt nước trong hồ và cho rằng nó vô giá trị bởi chỉ tạo dòng chảy chứ ôxy tạo ra không đáng kể.
Với vốn kiến thức học được tại Canada cùng kinh nghiệm trong quá trình làm việc ở phòng cơ học của một trung tâm thí nghiệm tại nước này và chặng đường ở THACO, ông Cương muốn thực nghiệm phương pháp nuôi tôm mới, đơn giản, dễ áp dụng và có thể từng bước cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho ngành thủy sản.
"Tôi thích làm những việc mang tính sáng tạo, không thích việc dễ dàng. Khi nói đến công nghệ, rất nhiều người nghĩ đến việc chuyển giao từ nước ngoài. Điều đó sẽ làm hạn chế sự suy nghĩ sáng tạo. Việc gì nếu mình có thể làm được thì nên tự tin, nỗ lực, cố gắng thực hiện" - ông Cương nhìn nhận.
Qua tìm hiểu, ông Cương biết năm 2004, người Nhật đã chế tạo loại máy tạo bọt khí nano có thể nâng mức ôxy hòa tan trong nước. Sau hơn 1 năm tìm tòi, dày công nghiên cứu, cuối cùng ông đã chế tạo thành công chiếc máy tạo bọt khí micro-nano ôxy. Thiết bị này có thể nâng cao mức ôxy hòa tan trong nước, giữ môi trường nước ao nuôi trong suốt vụ với mức ôxy hòa tan cao hơn 6 ppm.
"Trong quá trình chế tạo, tôi đã trải qua nhiều lần thất bại. Thế nhưng, sự quyết tâm và niềm đam mê khoa học đã thôi thúc tôi không ngừng cố gắng và đã thành công bước đầu" - ông Cương chia sẻ.
Được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế, ông Cương háo hức muốn đưa thiết bị của mình giúp người nuôi tôm nhưng khá bất ngờ khi chẳng ai ngó ngàng đến công trình của mình. "Khi tiếp xúc người nuôi tôm, tôi mới nhận thấy rằng rất khó để có thể bắt người ta thay đổi suy nghĩ. Tôi đã dành 2 tuần đọc các loại sách về tôm, trang bị cho mình một số kiến thức nền tảng để có thể nói chuyện với họ. Nhưng rồi, một lần nữa người ta lại từ chối bởi cách thức nuôi tôm theo kiểu truyền thống đã ăn sâu vào thói quen của người dân, giờ họ không dám thay đổi" - ông Cương nhớ lại.
Từ thực tế đó, ông Cương nghĩ bản thân phải là người đầu tiên áp dụng thiết bị của mình để nuôi tôm và đem lại hiệu quả thì người dân mới có thể làm theo. Ông quyết định cùng một người bạn đầu tư hơn 35 tỷ đồng thành lập công ty, thuê đất mở trang trại nuôi tôm ở thôn Phước An. Đầu tháng 11/2018, công ty của ông bắt đầu thả nuôi 20 triệu con giống đầu tiên.
Người Nhật ngạc nhiên
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, vừa qua, công ty của ông Cương đã xuất bán gần 30 tấn tôm cho các thị trường tôm sạch trong và ngoài nước. Tôm được bán theo dạng "cắt tỉa" những con to để đưa mật độ trong hồ từ 500 xuống còn 350 con/m2. Theo tính toán, nếu bán toàn bộ lứa tôm đầu tiên, công ty ông thu về khoảng 70 tỷ đồng. Trừ các chi phí, công ty lãi vài tỉ đồng chỉ qua vụ nuôi đầu tiên.
Nếu như ở mô hình truyền thống, mật độ nuôi tôm trong hồ chỉ khoảng 50-70 con/m2 thì với mô hình công nghệ cao này, mật độ nuôi lên đến 500 con/m2. Như vậy, năng suất cao hơn rất nhiều, lợi nhuận thu về cũng tăng. Quá trình nuôi tôm chỉ sử dụng các men vi sinh có sẵn trong môi trường, không dùng men vi sinh bổ sung để phân hủy hữu cơ. Hơn nữa, đây là mô hình nuôi tôm theo quy trình khép kín, môi trường sẽ không bị ô nhiễm như cách nuôi tôm thẻ chân trắng của nhiều hộ dân hiện nay.
|
Ông Cương giới thiệu mô hình nuôi tôm công nghệ cao với thiết bị tạo bọt khí micro-nano ôxy do mình chế tạo. Ảnh: Trần Thường. |
"Thiết bị tạo bọt khí micro-nano ôxy giúp tăng lượng ôxy trong nước cung cấp cho tôm, đồng thời giải quyết các vấn đề về cải tạo nước. Mức ôxy hòa tan cao có thể giúp chuyển hóa các chất hữu cơ trở nên không độc hại. Tôm khi ở mức ôxy cao sẽ hoạt động mạnh, sức đề kháng tăng lên, ăn nhiều hơn, mau lớn. Nếu tôm bị bệnh sẽ rất dễ vượt qua, nhờ đó chi phí chữa trị thấp hơn rất nhiều. Quan trọng nhất là tôm được nuôi lớn hoàn toàn là tôm sạch, không có chất độc hại" - ông Cương giải thích.
Cho chúng tôi xem nội dung thư của đại diện Công ty Marubeni Vietnam (Nhật Bản, chi nhánh tại TP.HCM) gửi qua email, ông Cương cho biết cách đây hơn 10 ngày, một số người Nhật đã đến khảo sát mô hình nuôi tôm của ông và nói rằng họ hết sức ngạc nhiên về công nghệ được áp dụng tại đây. Đại diện Marubeni đã lấy một số mẫu tôm đưa đi kiểm nghiệm và đánh giá cao về chất lượng. Trong thư gửi ông Cương, đại diện Marubeni cho rằng các mẫu tôm này đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới và bày tỏ mong muốn được hợp tác, quảng bá để đưa tôm của công ty ông sang Nhật, Mỹ, EU...
Đến tham quan trại nuôi tôm của ông Cương mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng thời gian qua, việc nuôi tôm trên địa bàn tỉnh còn quá sơ sài, theo hướng quảng canh là chính, kỹ thuật hạn chế, được chăng hay chớ. Khâu lấy nước và xả thải còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo ông Thanh, mô hình nuôi tôm của công ty ông Cương là hướng phát triển bền vững vì vừa có hiệu quả kinh tế cao vừa không ảnh hưởng xấu đến môi trường. "Phải có một đơn vị làm thành công như vậy thì mới có thể thay đổi được tư duy của người dân" - ông Thanh nhấn mạnh.
Sẵn sàng giúp người
Ông Cương cho biết vì mong muốn giúp người nuôi tôm nâng cao năng suất, cải thiện môi trường nên ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp trang thiết bị cho ai có nhu cầu. Sắp tới, công ty của ông sẽ mở rộng diện tích nuôi tôm lên 50 ha và xây dựng nhà máy chế biến tôm sạch. Điều này không chỉ góp phần tạo ra nguồn tôm sạch mang thương hiệu Việt mà còn giúp người nuôi tôm yên tâm về thị trường tiêu thụ.
Ngoài nuôi tôm, ông Cương còn xây dựng website giáo dục và các trang thông tin cung cấp kỹ năng học tập, giao tiếp. Thời gian rảnh, ông thường tìm tòi, nghiên cứu về tâm lý học sinh và phụ huynh để đưa ra những phương pháp dạy và học tốt nhất.
Theo Lê Trâm - Ly Ly - Trần Thường/Người Lao Động