Chuyên gia nói gì về đề xuất tiền lương đóng BHXH bằng 70% thu nhập?

Google News

Đề xuất mức tính đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng 70% mức lương và các khoản thu nhập khác đang gây nhiều ý kiến trái chiều từ góc độ cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Theo dự thảo luật BHXH sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đóng BHXH theo khu vực doanh nghiệp đang trả lương tối thiểu vùng.

Phương án 1: tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2: tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.

Góp ý vào dự thảo Luật, BHXH TP.Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Với đề xuất này, Sở LĐ-TB-XH một số tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên tán thành và cho rằng phù hợp với xu hướng phát triển chung hiện nay, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tuy nhiên, đa phần các ý kiến cho rằng tiền lương căn cứ đóng BHXH bằng 70% thu nhập là rất khó thực thi, thậm chí bất khả thi. Trả lời báo chí, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Duy Cường cho biết, một số doanh nghiệp vẫn tồn tại tình trạng tách lương thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung khác để không đóng BHXH, ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già. Mặc dù tiền lương ở khu vực doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, song mức tiền lương căn cứ đóng BHXH bắt buộc vẫn còn khoảng cách nhất định so với thu nhập thực tế của người lao động.
Luật sư Nguyễn Tuấn Long (Giám đốc nhân sự Công ty Thái Bình Dương, TP HCM) cho rằng, phương án tiền lương căn cứ đóng BHXH bằng 70% thu nhập rất khó thực hiện. Ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, bao gồm: Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; Thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán; Thu nhập thực tế chi trả cho người lao động. Thu nhập thực tế của người lao động luôn biến động theo đơn đặt hàng sản xuất của các doanh nghiệp, mùa vụ... do đó, khoản thu nhập làm căn cứ đóng BHXH sẽ biến động hàng tháng. Ngoài ra, có một bộ phận người lao động không kê khai thu nhập thực cũng là lý do khó triển khai nộp BHXH theo thu nhập.
Chuyen gia noi gi ve de xuat tien luong dong BHXH bang 70% thu nhap?
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mức đóng BHXH sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa 
Nhiều doanh nghiệp than khó

Theo Luật sư Phạm Hồng Hải – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, quy định của pháp luật hiện hành, mức đóng BHXH là 32% mức tiền lương của người lao động. Trong đó, người lao động phải đóng 8%, còn người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất.

Đơn cử như, nếu mỗi tháng người lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%). Người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu đồng vào Quỹ Hưu trí tử, tuất. Về mặt thực tế người lao động sẽ có lợi bởi nâng mức lương hưu cao hơn nhưng cũng sẽ thêm phần gánh nặng cho doanh nghiệp.

Bà Hoàng Thị Loan, Giám đốc Công ty CP Đ.T chia sẻ: “Như doanh nghiệp của tôi, lương công nhân chủ yếu theo sản phẩm, lên xuống. không ổn định, lúc cao, lúc thấp, mà nhân sự ra vào liên tục. Nếu cách tính bảo hiểm như vậy rất phức tạp, mất thời gian cho doanh nghiệp. Mà mức đóng BHXH còn tăng hơn nữa trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì không chịu nổi, chúng tôi lo đóng BHXH thì làm gì có vốn để kinh doanh, phát triển. Trước mắt chúng tôi chỉ lo trụ vững hoạt động, qua đó cũng là tạo điều kiện cho lao động có công ăn việc làm”.

Theo bà Loan, khi xây dựng quy định cần phải nhìn vào thực tế chung và từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, tiền lương tháng lo trả đúng ngày cho hàng trăm người lao động còn khó, còn đóng tăng thêm chi phí đóng BHXH thì càng khó khăn. Nếu ở giai đoạn kinh tế ổn định, phát triển chung thì điều này tốt cho người lao động.

Theo một số doanh nghiệp, việc quy định cứng các khoản phụ cấp chỉ khả thi khi áp dụng cho khu vực nhà nước đã ban hành thang lương, bảng lương nên quy định cứng được các khoản phụ cấp làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Khối doanh nghiệp tư nhân luôn mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận, giảm chi phí sẽ rất khó tăng mức chi BHXH cho người lao động. Đề xuất đóng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bằng 70% thu nhập rất là lý tưởng, có lợi cho người lao động song thực tế không hề dễ thực thi.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

 
Cả nước hiện có hơn 17,2 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng 15,8 triệu người thuộc khu vực bắt buộc và 1,4 triệu người đóng BHXH tự nguyện, bao phủ 38% lực lượng lao động trong độ tuổi.

 

Minh Quang