|
Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức” |
Xu thế tất yếu của thế giới
Hội thảo "Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức” vừa diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các địa phương, doanh nghiệp trên thế giới vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp cho Chính phủ các quốc gia hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn.
Bên cạnh hiệu lực của Chính phủ số thì kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Có thể khẳng định: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là 3 trụ cột của chuyển đổi số.
Phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh đã mang đến cơ hội phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp đã thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế của cả nước.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông), thống kê cho thấy có 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm hay thậm chí đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của mình. 98% doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ chuyển đổi số như giúp giảm chi phí (67%), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)…
Năm 2022, tổng doanh thu công nghiệp CNTT của Việt Nam đạt 148 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2021, gấp 24 lần so với năm 2009 (6,2 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 10,5%/năm, cao hơn 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong đại dịch covid-19, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.
Năm 2022, Việt Nam đã hình thành đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số với hơn 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Công nghiệp ICT bao gồm các lĩnh vực: phần cứng-điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.
Đến nay nhiều doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường dịch vụ phần mềm thế giới. Việt Nam thường xuyên được các tổ chức có uy tín đánh giá và xếp hạng cao trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ ủy thác phần mềm xuất khẩu. Năm 2022, Việt Nam được xếp thứ 6/60 về gia công dịch vụ phần mềm theo đánh giá của AT. Kearney.
Theo khảo sát của Tập đoàn tư vấn NeoIT có trụ sở tại Hoa Kỳ, TP.HCM và Hà Nội được xếp vào nhóm các thành phố dịch vụ ủy thác hấp dẫn nhất thế giới. Một số các sản phẩm phần mềm đóng gói thương hiệu Việt bắt đầu chiếm lĩnh thị phần trong nước. Hiện tại có hơn 38.000 doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT và phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt Nam dẫn đầu các nước Đông Nam Á về tỷ lệ doanh nghiệp cấp chứng chỉ sản xuất phần mềm theo tiêu chuẩn CMMi, trong đó có 6 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi mức độ 5 (mức độ cao nhất)”.
|
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) |
Một cuộc cách mạng tư duy
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, các doanh nghiệp công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá và sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp này trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhờ vào việc tích hợp dữ liệu và phân tích thông minh, doanh nghiệp công nghệ số có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích lượng lớn dữ liệu từ các nguồn khác nhau. Khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo và học máy, họ có thể rút ra những thông tin quan trọng từ dữ liệu này, giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và đưa ra các quyết định thông minh hơn. Nhờ vậy, chuyển đổi số mang lại những giá trị lớn cho doanh nghiệp.
Mặt khác, chuyển đổi số cũng giúp tạo ra giá trị cho khách hàng. Các doanh nghiệp công nghệ số thường cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, hiệu quả hơn, giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Do vậy, chuyển đổi số trở nên hấp dẫn và cần thiết.
Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá và sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp này trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp này cũng có khả năng thu thập, lưu trữ và phân tích lượng lớn dữ liệu từ các nguồn khác nhau. Khi kết hợp với trí tuệ nhân tạo và học máy, họ có thể rút ra những thông tin quan trọng từ dữ liệu này, giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và đưa ra các quyết định thông minh hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tuyên cũng cho rằng, hiện nay việc chuyển đổi số vẫn gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu tư chuyển đổi số lớn, "vấn đề đầu tiên là tiền đâu", bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đã có thói quen kinh doanh, khó thay đổi; thiếu sự cam kết từ lãnh đạo; hay thậm chí có tình trạng "trên chỉ đạo, dưới không nghe, thiếu sự cam kết từ người lao động", thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… Tất cả những yếu tố này đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) - Hội truyền thông số Việt Nam cũng cho rằng, tiến trình chuyển đổi số gặp phải nhiều trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành,… Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới – trở thành một doanh nghiệp số.
“Chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức; mang tính phương tiện để giúp doanh nghiệp/tổ chức chuyển đổi hình thái tổ chức của mình, thích ứng với một bối cảnh mới – kỷ nguyên số.
Do vậy, không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp, tổ chức của mình”, ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Tuyết Vân