Chứng khoán về đâu sau khi chạm mốc lịch sử 1.200 điểm?

Google News

Nhiều chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán chưa thể bước vào một cơn sóng tăng mạnh mẽ mới sau khi VN-Index chinh phục mốc 1.200 điểm.
 

Thị trường chứng khoán trong nước phiên 18/3 chính thức chinh phục thành công mốc 1.200 điểm. Lúc này, VN-Index đã rất gần đỉnh lịch sử 1.204 điểm được thiết lập vào tháng 4/2018.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiêng về kịch bản chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đi ngang và giằng co trước khi có thể thật sự bứt phá, hướng đến những đỉnh cao mới.
Khó có cơn sóng lớn ngay
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho biết phiên 18/3 là thời điểm đáo hạn hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh nên vào những phút cuối phiên, một lượng cầu tương đối lớn đẩy lệnh mua vào các mã bluechip thuộc danh mục VN30. Điều này giúp chỉ số vừa đủ chạm mốc 1.200 điểm.
Tuy nhiên, ông Điệp chỉ ra sự lan tỏa của dòng tiền trên thị trường phiên 18/3 chưa tương xứng với điểm số 1.200. Một số cổ phiếu ngân hàng như TCB (Techcombank), VPB (VPBank) đã lập đỉnh lịch sử mới so với lần thị trường chạm ngưỡng 1.200 điểm trước đây. Nhưng một số cổ phiếu đang nằm trong danh mục của nhiều nhà đầu tư như HPG (Hòa Phát) chưa làm được điều tương tự.
Theo ông Điệp, chưa hoàn toàn có sự đồng thuận về giá của các cổ phiếu trụ cột với điểm số chung của thị trường. Kịch bản thị trường vượt lên hẳn ngưỡng 1.200 điểm trong ngắn hạn thì 2-3 ngày tới là khó. Chuyên gia này dự báo thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh nhưng khả năng giảm sâu, rớt qua khỏi 1.180 điểm là thấp.
Chung khoan ve dau sau khi cham moc lich su 1.200 diem?
VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm sau 3 năm. Ảnh: Tradingview. 
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán VIS cũng dự báo thị trường có thể vượt nhẹ lên mốc 1.200 điểm nhưng khả năng có đà tăng dài là khó. Theo ông Khanh, dòng tiền hiện nay chưa vẫn ở mức trung bình, chưa thật sự dồi dào.
Ông Khanh phân tích dòng tiền phiên 18/3 chảy vào cổ phiếu ngân hàng, nhóm trụ của thị trường và tạo tác động tốt lên VN-Index.
Chuyên gia này nhìn nhận nhóm ngân hàng hôm nay hưởng lợi từ thông tin tốt khi Moody’s nâng bậc triển vọng tín nhiệm với Việt Nam lên mức tích cực. Ngoài ra, nhà đầu tư đang chờ đợi đại hội cổ đông của các ngân hàng với thông tin chia cổ tức. Tuy nhiên, sóng với cổ phiếu ngân hàng sẽ chỉ trong vài phiên và khó kéo dài.
“Thị trường còn dùng dằng một thời gian nữa, chưa thể có sóng tăng mạnh. VN-Index có thể vượt qua 1.200 lên 1.210 hoặc cao hơn là 1.220 điểm. Nhưng trong vùng 1.200 điểm, đã có nhiều nhà đầu tư chốt lời và đến 1.220 điểm sẽ còn bán bán mạnh hơn nữa”, ông Khanh nói với Zing.
Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam Phan Dũng Khánh nhận định nếu thị trường đứng vững được cho trên mốc 1.200 điểm cho đến tuần sau, VN-Index sẽ hướng đến mục tiêu là 1.250-1.300 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số sụt giảm, thị trường sẽ xấu hơn.
Nghẽn lệnh và khối ngoại bán ròng
Ông Điệp nhấn mạnh thị trường chứng khoán đang có 2 yếu tố không thuận lợi để bứt phá gồm hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn HoSE và lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Điệp, việc nghẽn lệnh diễn ra gần như hàng ngày trên HoSE. Dẫn câu nói “lượng đi trước giá” trong chứng khoán, chuyên gia này khẳng định phải có thanh khoản lớn hơn thì thị trường mới tiếp tục đi lên bền vững. Nhưng vì hiện tượng nghẽn lệnh, việc VN-Index tăng lên 1.250-1.280 điểm không thể diễn ra ngay mà cần thời gian khi hệ thống giao dịch trơn tru.
Song song đó, khối ngoại vẫn liên tục bán ròng dù VN-Index đi lên, chậm ngưỡng 1.200 điểm. Theo ông, cần tìm ra câu trả lời rõ ràng về lý do khối ngoại vẫn bán ròng mạnh trong khi chính họ nhận định các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn tốt. Liệu điều này đến từ hệ thống giao dịch, niềm tin của khối ngoại vào định giá thị trường hay nền kinh tế.
Chung khoan ve dau sau khi cham moc lich su 1.200 diem?-Hinh-2
Nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng từ phiên 19/2. Ảnh: VNDS. 
“Còn hơi sớm để nói thị trường đã tạo ra một cơn sóng mới. Lúc này, đừng quá lạc quan. Con số 1.200 điểm tạo cho chúng ta sự hưng phấn giả tạo. Viễn cảnh thị trường mở ra một chân trời mới, một cơn sóng lớn chưa phù hợp”, ông Điệp chia sẻ.
Chuyên gia này nhấn mạnh vẫn giữ góc nhìn lạc quan về chứng khoán Việt Nam và VN-Index có thể đi xa hơn đến các kỷ lục mới 1.250-1.280 điểm. Tuy nhiên, thị trường trước hết phải giải quyết được hai vấn đề nghẽn lệnh và lý do khối ngoại liên tục bán ròng mạnh.
Thực tế, đà bán ròng mạnh của khối ngoại diễn ra xuyên suốt trong năm 2020 nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh cũng cho rằng khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng, kịch bản tương tự sẽ khó hơn.
Lý do là VN-Index hiện tại đã cao gần gấp đôi so với mức đáy vào cuối tháng 3/2020. Mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu lúc này cũng đã cao hơn nhiều lần so với thời điểm đó. Do vậy, khi khối ngoại vẫn bán ròng mạnh, lượng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước phải lớn hơn nhiều để cân bằng lại mới có thể kéo thị trường tiếp tục đi lên.
Ngược lại, ông Khanh cho rằng dòng vốn của nhà đầu tư trong nước hiện nay vẫn cân bằng được lực bán của khối ngoại. Ông đánh giá việc khối ngoại rút vốn chưa ảnh hưởng quá nhiều lên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Việt Đức/ Zing News