Khuyến nghị khả quan DPM với giá 40.100 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Vào tháng 1/2023, Tổng CT Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đã đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 17,4 nghìn tỷ đồng (-7% YoY) và LNST là 2,3 nghìn tỷ đồng (-59% YoY) dựa trên giả định giá bán urê trung bình là 600 USD/tấn trong năm 2023.
Tuy nhiên, DPM hiện nhận thấy thị trường urê sẽ gặp nhiều thách thức hơn trong năm 2023 và cập nhật giả định mới về giá bán urê trung bình là 400 USD/tấn (-43% YoY) thấp hơn 33% so với giả định cũ. DPM cho rằng nguyên nhân chính của giá urê thấp hơn là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng nguồn cung urê.
VCSC hiện dự báo LNST năm 2023 của DPM là 2,3 nghìn tỷ đồng dựa trên giả định giá bán urê trung bình là 450 USD/tấn, giá khí đầu vào là 8,1 USD/MMBTU và tổng sản lượng bán urê là 800.000 tấn (phù hợp với kế hoạch của DPM).
DPM kỳ vọng nhu cầu urê trong nước sẽ phục hồi 18%-20% YoY trong năm 2023 do giá urê hiện ở mức hợp lý có thể kích thích nhu cầu của nông dân. DPM đặt kế hoạch tổng sản lượng bán urê là 800.000 tấn trong năm 2023 bao gồm tổng sản lượng xuất khẩu là 200.000 tấn.
DPM cho biết nguồn cung khí đầu vào năm 2023 đã được đảm bảo. PVN cho phép DPM lấy 30%-50% tổng sản lượng khí từ các mỏ khí giá rẻ ở bể Cửu Long và lượng khí còn lại từ các mỏ khí giá cao ở bể Cửu Long. DPM kỳ vọng giá dầu nhiên liệu (FO) sẽ giảm trong năm 2023.
Tuy nhiên, giá khí đầu vào năm 2023 sẽ cao hơn so với năm 2022 do tỷ lệ sản lượng khí từ các mỏ khí giá cao tại bể Cửu Long cao hơn. Tuy vậy, chi phí khí đầu vào của DPM vẫn giúp DPM có chi phí sản xuất cạnh tranh so với các nhà máy urê chạy bằng khí khác cũng như các nhà máy urê chạy bằng than tại Việt Nam.
|
Cổ phiếu nào cần được quan tâm trong phiên 8/3? |
DPM đã bán lần lượt 15.000 và 100.000 tấn urê trong tháng 01 và tháng 02/2023. Trong đó, 20.000 tấn urê đã được xuất khẩu sang Ấn Độ trong tháng 02/2023. DPM sẽ tham gia đấu thầu trong đợt gọi thầu 2 triệu tấn urê sắp tới của Ấn Độ.
DPM đặt kế hoạch tổng sản lượng bán urê trong quý 1/2023 là 180.000 tấn – phù hợp với kế hoạch của DPM. Tuy nhiên, DPM dự kiến doanh thu và lợi nhuận quý 1/2023 sẽ thấp hơn kế hoạch do giá bán urê trung bình thấp hơn dự kiến.
VCSC hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN cho DPM với giá mục tiêu là 40.100 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị mua POW
CTCK KBSV: Tổng CT Điện lực Dầu khí (POW) đã thông báo rằng Tổ máy phát điện 1 (đã dừng hoạt động từ tháng 9/2021 do sự cố kỹ thuật) đang chạy thử nghiệm trước khi đi vào hoạt động từ đầu tháng 3, sớm hơn so với dự báo hiện tại (đầu tháng 4).
Đối với nguồn than đầu vào, ban lãnh đạo POW nhận thấy nhà máy đang đối mặt với thách thức trpng việc đảm bảo nguồn than ổn định trong dài hạn trong khi trong ngắn hạn, nguồn cung than gần như được đảm bảo.
Cụ thể, nhà máy Vũng Áng dự kiến tiêu thụ 3 triệu tấn than vào năm 2023, trong đó Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam đảm bảo cung cấp 2 triệu tấn, còn 450.000 tấn/300.000 tấn sẽ do Công ty CP Khoáng sản Danka và Công ty Than Đông Bắc đảm nhận. VCSC kỳ vọng nhà máy Vũng Áng sẽ tìm kiếm thêm 250.000 tấn than đầu vào vào năm 2023. Điều này phù hợp dự báo rằng POW sẽ đối mặt với tình trạng thiếu than không đáng kể năm nay.
Bãi chứa tro xỉ than của nhà Vũng Áng hiện chỉ có thể sử dụng trong 2 năm nữa. Yêu cầu tìm thêm bãi chứa cho xỉ than cũng là một thách thức khác đối với nhà máy trong những năm tới.
Đối với các hoạt động của POW vào tháng 1/2023, sản lượng điện thương phẩm đạt 1,1 tỷ kWh và doanh thu là 1,7 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 6% và 5% dự báo cả năm tương ứng.
Liên quan đến tiến độ của nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4, tiến độ có thể chậm hơn so với dự báo hiện tại khoảng 6 tháng. VCSC hiện kỳ vọng nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ đi vào hoạt động thương mại vào cuối năm 2024 và nửa đầu năm 2025.
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam, từ quý 4/2022 dự kiến sẽ đầu tư 2 đường dây đấu nối Nhơn Trạch 3 & 4 gồm đường dây 220 kV Nhơn Trạch 3 đi Long Thành và đường dây 500 kV Nhơn Trạch 3 đến Phú Mỹ, Nhà Bè.
Tuy nhiên, hiện 2 tuyến này đang bị chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Mặt khác, POW vẫn đang đàm phán về sản lượng hợp đồng, PPA với Tổng Công ty Mua bán Điện EVN (EPTC) và sản lượng bán khí (GSA) với GAS nhìn chung phù hợp với kỳ vọng.
Khuyến nghị theo dõi các cổ phiếu năng lượng POW, NT2, PPC
CTCK Bản Việt (VCSC): Theo EVNGenco3 (PGV), trong tháng đầu tiên của năm 2023, giá thị trường điện (CGM) bình quân đạt 1.456 đồng/kWh (+18% YoY và -17% so với tháng trước), do giá than thế giới tăng mạnh so với tháng 1/2022 (trước thời điểm xung đột Nga-Ukraine), trong khi giá khí gần như không đổi YoY.
VCSC cho rằng giá CGM thấp hơn trong tháng 1/2023 so với tháng 12/2012 do mức tiêu thụ điện toàn quốc thấp hơn, chịu ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. VCSC hiện dự báo giá CGM trung bình năm 2023 đạt 1.641 đồng/kWh (+7% YoY) và điện năng tiêu thụ là 262 tỷ kWh (+8% YoY).
Liên quan đến sản lượng sản xuất, trong tháng 1/2023, Việt Nam ước tính đã sản xuất được 18,4 tỷ kWh điện (-12,5% YoY), chủ yếu do đóng góp từ các nhà máy nhiệt điện than (41%) và thủy điện (30%), tiếp đến là các nhà máy điện tái tạo với 16%. Nhiệt điện khí chỉ chiếm 10%, còn lại là nguồn từ nhập khẩu.
VCSC kỳ vọng tình hình thị trường thắt chặt hơn trong năm nay sẽ có lợi cho các cổ phiếu năng lượng truyền thống (POW, NT2 và PPC) so với các cổ phiếu năng lượng tái tạo (HDG, REE, PC1 & GEG).
Anh Nhi