STB (Khuyến nghị Khả quan): Bình minh ló rạng
Chứng khoán SSI: Với kỳ vọng STB sẽ hoàn tất việc trích lập dự phòng trái phiếu VAMC trong năm 2023, chúng tôi cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 và 2025 sẽ khả quan và ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu nhanh hơn dự kiến.
Mặc dù STB duy trì tỷ lệ cho vay hợp lý vào ngành bất động sản và không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi vẫn khá thận trọng về chất lượng tín dụng của ngân hàng trong thời gian gần đây, bao gồm khoản cho vay Bamboo Airways.
Theo đó, chúng tôi hạ khuyến nghị từ MUA xuống KHẢ QUAN, với giá mục tiêu cho năm 2024 là 37.500 đồng/cổ phiếu tương đương với tiềm năng tăng giá là 14,7%.
Chúng tôi duy trì ước tính LNTT cho năm 2023 là 9,5 nghìn tỷ đồng (tăng 50% svck), mặc dù NIM được điều chỉnh giảm xuống 4,13% (giảm 27 bps so với ước tính trước đây của chúng tôi) do lãi suất cho vay và chất lượng tài sản giảm (tỷ lệ nợ xấu ở mức 2%).
Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng STB sẽ bán thành công KCN Phong Phú, tạo điều kiện giúp Ngân hàng trích lập hết dự phòng trái phiếu VAMC cũng như thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi trong năm 2024.
Theo đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 15,2 nghìn tỷ đồng (tăng 60% svck), chủ yếu được hỗ trợ nhờ khoản tiền thu được từ KCN Phong Phú, trong khi NIM vẫn ổn định ở mức 4,12% và tỷ lệ nợ xấu được cải thiện, ước đạt 1,8%.
Quan điểm ngắn hạn: Tiềm năng tăng trưởng của STB là rất khả quan nhưng giá cổ phiếu đã tăng 37,3% so với đầu năm. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị tích lũy cổ phiếu trong các nhịp điều chỉnh.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn dự kiến; Kế hoạch tái cơ cấu kéo dài hơn dự kiến; Lãi suất cho vay giảm thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến NIM.
Yếu tố hỗ trợ tăng đối với khuyến nghị: Tín dụng phục hồi; Chất lượng tài sản được cải thiện.
VHC (Khuyến nghị Tăng tỷ trọng): Tìm kiếm sự ổn định từ thị trường trong nước, kỳ vọng thị trường xuất khẩu hồi phục vào cuối năm
Chứng khoán Mirae Asset: Vị thế dẫn đầu về xuất khẩu cá tra, cá basa. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, mảng kinh Doanh có nhiều biến động. Từ 2006 đến nay, khi Việt Nam gia nhập WTO, VHC đã tận dụng tốt thời cơ và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra, cá basa với khoảng 17%, đặc biệt là thị trường Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Sản phẩm của Công ty đã có mặt tại các chuỗi bán lẻ danh tiếng như Walmart, Target,...
Kết quả nửa đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng khả quan hơn kỳ vọng. Vĩnh Hoàn công bố kết quả kinh Doanh 6T/2023 với 4.970 tỷ đồng doanh thu và 655,5 tỷ đồng lãi sau thuế (LNST), lần lượt giảm 35% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên so với mức kế hoạch kinh doanh 2023 với 11.500 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng LNST, công ty đã thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và hơn 65% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Thị trường trong nước hồi phục sớm: Tình hình xuất khẩu của VHC đã liên tục giảm nhiều tháng liền. Trong thông báo mới nhất cho tháng 6/2023, Vĩnh Hoàn cho biết doanh thu thị trường xuất khẩu lớn nhất là: (1) Thị trường Mỹ (chiếm 30 – 35% doanh thu) giảm 25%; và (2) Châu Âu (chiếm 20% Doanh thu) giảm 32%. Trong bối cảnh đó, VHC đã tìm được sự hỗ trợ từ thị trường tiêu thụ trong nước. Nhờ sự hồi phục tăng trưởng trở lại từ tháng 6/2023, thị trường nội địa giảm khoảng 12,3% trong nửa đầu năm, so với mức giảm trung bình khoảng 40% của thị trường XK. Trong tháng 7, thị trường nội địa đã đóng góp hơn 31% tổng doanh thu của VHC từ mức trung bình 28,8% trong 6T/2023.
Tín hiệu khởi sắc trong Quý 2 tạo kỳ vọng khả quan trong nửa cuối năm. Kết quả 6T/2023 kém khả quan so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên tính riêng quý 2 chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu tích cực đã xuất hiện, cụ thể như: (1) Doanh thu XK sang Mỹ và Trung Quốc cải thiện lần lượt 31,1% và 43,4%; (2) Tỷ suất lãi gộp Q2/2023 đạt 20,7%, cao hơn mức 17,3% của Q1/2023. Với kỳ vọng thị trường Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục khả quan trong 2 quý cuối năm, chúng tôi dự báo Doanh thu nửa cuối năm của VHC sẽ đạt khoảng 6.055 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với nửa đầu năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Dự báo hoàn thành chỉ tiêu Doanh thu và vượt 60% kế hoạch LNST. Cho năm 2023, chúng tôi kỳ vọng VHC sẽ đạt 11.000 tỷ đồng doanh thu (95,6% kế hoạch) tuy nhiên LNST sẽ tang mạnh lên mức 1.608 tỷ đồng, vượt 60,8% kế hoạch đề ra, EPS tương ứng đạt 8.772 đ/cp.
Khuyến nghị: Kỳ vọng mức P/E cuối năm 2023 là 10 lần, chúng tôi xác định giá mục tiêu của VHC là 87.700 đ/cp.
BID (Khuyến nghị Khả quan): Kế hoạch huy động vốn dự kiến thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai
Chứng khoán VietCap: Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 7,4% lên 54.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID).
Chúng tôi nâng giá mục tiêu chủ yếu do (1) chúng tôi điều chỉnh tăng 5,6% dự phóng tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 (tương ứng tăng 7,5%/9,9%/6,5%/0,7%/6,3% trong các năm 2023/24/25/26/27), (2) chúng tôi nâng giả định P/B mục tiêu của BID từ 2,1 lần lên 2,3 lần và (3) chúng tôi điều chỉnh giảm giả định chi phí vốn chủ sở hữu cho BID do chúng tôi cập nhật hệ số beta.
Mức tăng trong dự báo lợi nhuận giai đoạn 2023-2027 của chúng tôi đến từ mức tăng 3,7% trong dự báo tổng thu nhập từ lãi (NII) do điều chỉnh tăng giả định tăng trưởng tín dụng trung bình, bị giảm một phần bởi mức tăng trong chi phí từ HĐKD và chi phí dự phòng lần lượt là 1,1% và 1,8%.
Chúng tôi duy trì quan điểm về việc BID sẽ giảm chi phí tín dụng từ 1,58% trong năm 2022 xuống khoảng 1,1% trong năm 2027, điều này sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong 5 năm tới.
Chúng tôi nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 thêm 7,5% lên 22,6 nghìn tỷ đồng (+24,3% YoY) do (1) dự báo NII tăng 1,4% đến từ việc chúng tôi điều chỉnh tăng giả định NIM và tăng trưởng tín dụng, và (2) dự báo chi phí dự phòng giảm 4,6%. Chúng tôi dự báo LNTT năm 2023 là 28,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 25,8% YoY so với mục tiêu tăng trưởng của ngân hàng là 10%-15% YoY.
Rủi ro đối với quan điểm tích cực của chúng tôi: (1) Quy mô các gói hỗ trợ cho khách hàng cao hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đến NIM; (2) tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn; (3) tăng trưởng/hạn mức tín dụng thấp hơn dự kiến.
Chúng tôi giả định kế hoạch huy động vốn của BID sẽ hoàn tất vào cuối năm 2024. Trong quý 4/2022, BID có hệ số an toàn vốn (CAR) ở mức 8,9% - thấp nhất trong số các ngân hàng trong danh mục theo dõi của chúng tôi.
Kế hoạch phát hành 455 triệu cổ phiếu của ngân hàng (tương đương 9,0% số lượng cổ phiếu lưu hành và 7,4% cổ phần sau phát hành riêng lẻ) đã được các cổ đông thông qua tại các đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của BID trong vài năm qua, nhưng kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Tại buổi họp gặp gỡ NĐT gần nhất của BID, ban lãnh đạo cho biết ngân hàng hiện đang trong quá trình lựa chọn tổ chức tư vấn tài chính cho kế hoạch huy động vốn này.
Trong Báo cáo Cập nhật này, chúng tôi giả định đợt phát hành riêng lẻ của BID sẽ hoàn tất vào cuối năm 2024 với mức giá 55.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng số tiền thu được là 25 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi kỳ vọng BID sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhờ nguồn vốn được cải thiện sau đợt phát hành riêng lẻ. Do đó, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng tín dụng trung bình giai đoạn 2024-2027 từ 11,5% lên 12,5%.
Minh An