Khuyến nghị mua BSR với giá mục tiêu 32.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Bộ Công Thương (MoIT) yêu cầu CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) làm rõ kế hoạch thu xếp vốn cho dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Bộ Công Thương lưu ý về năng lực thu xếp vốn của BSR do lợi nhuận lũy kế 3 năm thấp chỉ đạt 346 tỷ đồng sau khi công ty cổ phần hóa vào năm 2018. Lợi nhuận lũy kế chỉ đạt 2,7% vốn chủ sở hữu yêu cầu cho dự án.
Theo kế hoạch ban đầu, BSR có kế hoạch vốn XDCB là 1,8 tỷ USD được sử dụng cho nâng cấp sản phẩm đầu ra đạt tiêu chuẩn EURO 5 và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như mở rộng công suất thêm 30% và sản xuất các sản phẩm mới như nhựa đường. Tuy nhiên, kế hoạch có thể được điều chỉnh giảm xuống còn 1,2 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, BSR ghi nhận doanh thu đạt 98 nghìn tỷ đồng và LNTT đạt 13,3 nghìn tỷ đồng. LNTT 7 tháng đầu năm 2022 của BSR hoàn thành 89,4% dự báo cả năm. VCSC dự phóng LNST năm 2022 sẽ đạt 15 nghìn tỷ đồng, đủ đáp ứng yêu cầu vốn chủ sở hữu khoảng 30% vốn XDCB của dự án. Do đó, BSR sẽ có đủ năng lực tài chính để thu xếp vốn cho dự án này.
Khi BSR hoàn thành điều chỉnh kế hoạch, điều này sẽ có tác động tích cực nhờ kế hoạch sử dụng vốn XDCB cập nhật và hiệu quả hơn, vốn sẽ hỗ trợ cho BSR trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm cao hơn và sản xuất thêm các sản phẩm hóa dầu mới.
VCSC hiện đưa kế hoạch vốn XDCB trị giá 1,8 tỷ USD cho dự án này trong giai đoạn 2023-2025 vào mô hình định giá của chúng tôi. Dự án này có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận cho BSR từ năm 2026.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho BSR với giá mục tiêu là 32.500 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 71,5% (bao gồm lợi suất cổ tức là 5,2%). Dựa theo giá đóng cửa ngày 05/10, BSR hiện đang giao dịch với P/E và EV/EBITDA 2022 dự phóng lần lượt là 4,9 lần và 2,2 lần.
|
Cổ phiếu nào được khuyến nghị phiên 7/10? |
Khuyến nghị mua VCB với giá mục tiêu 86.000 đồng/cp
CTCK Agribanmk (Agriseco): VCB là ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất hệ thống hiện nay. Với thế mạnh của mình, ngân hàng duy trì được vị thế dẫn đầu trong các hoạt động ngoại thương, kinh doanh ngoại hối. Bên cạnh đó, VCB cũng đã tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng (ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – dịch vụ tài chính) đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2022 của VCB tăng trưởng ấn tượng 50% so với cùng kỳ, đạt 5.942 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng tốt 14,4% so với đầu năm và chi phí dự phòng giảm 15%yoy.
Lũy kế 6T đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt 13.909 tỷ đồng (tăng 27,9% so với cùng kỳ) và hoàn thành 51% kế hoạch đặt ra.
Agriseco cho biết Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã nới room tăng trưởng tín dụng cho VCB thêm 2,7% đã đưa tổng hạn mức của ngân hàng lên top đầu ngành 17,7%. Agriseco kỳ vọng, ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm nay và thậm chí có thể vượt mục tiêu đề ra.
Agriseco cho rằng VCB có thể mở rộng quy mô tăng trưởng tín dụng trong các năm sau khi đã nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng.
Là ngân hàng duy nhất trong nhóm NHTM cổ phần quốc doanh có mức CASA cao top đầu ngành (35,4% trong quý 2). Điều này sẽ giúp ngân hàng tối thiểu hóa được chi phí vốn, mở rộng biên lãi thuần NIM, gia tăng thu nhập lãi thuần.
Theo Agriseco, chất lượng tài sản của VCB vẫn duy trì vị thế đầu ngành: Nợ tái cơ cấu của ngân hàng đã giảm mạnh gần 50% so với quý trước và chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VCB hết quý 2/2022 đã giảm còn 0,61% từ mức 0,81% của quý I và thuộc top thấp nhất ngành. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao kỷ lục toàn ngành 504% từ mức 373% của quý 2 sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản và cơ hội hoàn nhập trong tương lai cho ngân hàng khi các khoản nợ xấu được xử lý.
Agriseco khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 86.000 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị mua DGC với giá mục tiêu 118.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Vào ngày 26/09, tỉnh Vân Nam, nơi chiếm 40% công suất phốt pho vàng (P4) của Trung Quốc, đã ban hành "Kế hoạch quản lý hiệu quả năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023".
Kế hoạch này được thiết lập trong bối cảnh thiếu nguồn cung từ thủy điện trong tỉnh, do đợt nắng nóng lịch sử gần đây và tháng 9 kết thúc đánh dấu mùa khô sắp tới.
Kế hoạch này áp dụng cho mảng sản xuất P4, vốn tiêu thụ nhiều điện. Theo đó, các nhà sản xuất phải điều chỉnh giảm hoặc ngừng sản xuất linh hoạt theo quyết định của chính quyền. Mặc dù kế hoạch không quy định số lượng chi tiết nhưng sản lượng P4 hàng ngày của tỉnh Vân Nam đã giảm 40% trong 2 tuần qua.
Tình hình trên, cùng việc các kế hoạch mở rộng công suất sản xuất P4 lớn giai đoạn 2023-2024 ở Trung Quốc đang bị trì hoãn, là những tình hình có lợi cho CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) hơn kỳ vọng.
Điều này có thể giúp duy trì mức chênh lệch giá (giá bán - giá nguyên vật liệu chính) cao trong thời gian dài hơn kỳ vọng. Mức chênh lệch giá mà VCSC hiện dự phóng cho 2023 của P4 Việt Nam chỉ bằng một nửa mức chênh lệch giá thị trường hiện tại.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA đối với DGC với giá mục tiêu là 118.000 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 65,2%, bao gồm lợi suất cổ tức là 2,6%.
Anh Nhi