BID (Khuyến nghị nắm giữ): Tiềm năng tăng giá
Chứng khoán MBS: Trong Q1/23, thu nhập lãi thuần của BID tăng 8.7% svck nhờ tăng trưởng tín dụng 12.4% svck (4.9% YTD) trong khi NIM giảm 0.25 điểm % do chi phí huy động tăng mạnh. Thu nhập ngoài lãi giảm 1.7% chủ yếu do thu nhập từ hoạt động khác giảm 33% svck. Lợi nhuận trước dự phòng tăng 4.6% svck nhưng chi phí dự phòng giảm mạnh (-25.2% svck) giúp lợi nhuận trước thuế Q1/23 tăng 53.3% svck (6,920 tỷ đồng), hoàn thành 23.5% dự báo của chúng tôi.
Chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện bù đắp cho tăng trưởng tín dụng
Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của BID đạt mức 12%, đi ngang so với các năm trước (2022: 12.14%, 2021: 11.23%). Với xu hướng giảm lãi suất thời gian gần đây, chúng tôi dự báo NIM những quý cuối năm có thể cải thiện so với Q1/23 (2.67%), cả năm đạt mức 2.94%. Chất lượng tài sản vẫn là bệ đỡ cho BID với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp so với trung bình ngành. Chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ bao nợ xấu cuối năm 2023 lần lượt là 1.41%/184%.
Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định giai đoạn 2023/24
Chúng tôi dự phóng LNTT 2023-2024 tăng trưởng tích cực ở mức 28%/31% nhờ chủ yếu vào trích lập dự phòng hạ nhiệt sau giai đoạn trích lập cao 2021- 2022. Chúng tôi dự báo tổng lợi nhuận hoạt động tăng trưởng lần lượt 12.9%/9.8% cho năm 2023/2024 trong khi đó chi phí dự phòng tăng nhẹ trong 2023 (+4%) và giảm 9% năm 2024. Ở mức này, tỷ lệ bao nợ xấu của BID vẫn ở mức 183% vào cuối năm 2024, ngưỡng an toàn theo quan điểm của chúng tôi.
Dù kết quả kinh doanh Q1 tăng trưởng tích cực, tuy nhiên chúng tôi cho rằng định giá hiện tại đã ở mức hợp lý sau giai đoạn tăng giá vừa qua. Khuyến nghị NẮM GIỮ với giá mục tiêu 49,150 đồng/cp. Rủi ro giảm giá: 1) Tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến, 2) NIM giảm nhanh hơn kỳ vọng. Động lực tăng giá: 1) Khả năng thu hồi nợ xấu tốt hơn kỳ vọng.
QNS (Khuyến nghị Phù hợp thị trường): Giá đường tăng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận; tăng trưởng sữa đậu nành vẫn yếu
Chứng khoán VietCap (VCSC): Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ KHẢ QUAN xuống PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG sau khi giá cổ phiếu của CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) tăng 14% trong 2 tháng qua. P/E dự phóng năm 2023 của QNS ở mức 8,0 lần giá mục tiêu phù hợp với (1) triển vọng dài hạn đối với mảng kinh doanh sữa đậu nành và (2) đóng góp lớn từ lợi nhuận của mảng kinh doanh đường (42% trong năm 2023) vốn nhiều biến động và cần nhiều vốn .
Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 3% chủ yếu do mức tăng lần lượt 12%/5% trong dự báo giá trị vốn chủ sở hữu đối với mảng đường/sữa đậu nành. Mảng đường/sữa đậu nành lần lượt chiếm 23% và 48% tổng giá trị vốn chủ sở hữu trong định giá tổng hợp của chúng tôi.
Chúng tôi nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2025 thêm 30% (tương ứng 36%/30%/26% cho năm các 2023/2024/2025) sau khi sản lượng và giá đường tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong 5 tháng đầu năm 2023. Trong năm 2023, chúng tôi dự báo mức tăng của doanh thu từ đường sẽ bù đắp cho sự sụt giảm ở mức hai chữ số của doanh thu từ sữa đậu nành do nhu cầu yếu. Trong giai đoạn 2024-2025, chúng tôi kỳ vọng xu hướng của năm 2023 sẽ đảo ngược do chúng tôi tin rằng lợi nhuận từ sữa đậu nành sẽ phục hồi từ mức cơ sở thấp trong khi giá đường giảm do nguồn cung dự kiến tăng.
Yếu tố hỗ trợ: Các dòng sản phẩm mới sẽ hỗ trợ mở rộng danh mục sản phẩm sữa đậu nành; tăng trưởng giá đường toàn cầu mạnh hơn dự kiến. Rủi ro: Giá đường biến động; cạnh tranh trong mảng sữa đậu nành tăng.
ACB (Khuyến nghị Mua): Lợi nhuận bền vững với rủi ro thấp
Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Tổng quan ngân hàng: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) được thành lập năm 1993. Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực huy động, kinh doanh vốn và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan, tập trung vào mảng bán lẻ. Đến cuối năm 2022, ACB có 384 chi nhánh và phòng giao dịch. Thị phần cho vay và thị phần tiền gửi khách hàng đạt lần lượt là 3.4% và 3.5% với 5.2 triệu khách hàng.
Điểm nhấn đầu tư:
Top 2 ngân hàng có Tỷ suất Lợi nhuận trên vốn (ROE) cao nhất toàn ngành. Lũy kế 12 tháng gần nhất (LTM), ROE của ACB đạt 26.3%, giảm nhẹ 20 bps so với cuối năm 2022, thuộc top 2 ngân hàng có ROE cao nhất ngành nhờ NIM vượt trội đến từ việc Chi phí huy động vốn ở mức thấp xuất phát điểm từ chiến lược kinh doanh ít rủi ro của ngân hàng.
ACB là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất xuất phát từ chính sách cho vay bảo thủ. Kết thúc Q1 2023, Tỷ lệ Nợ xấu của ACB đạt 0.97%, thuộc top 25% ngân hàng có tỷ lệ Nợ xấu thấp nhất ngành. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn nhiều thử thách, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao sẽ tạo bộ đệm dày giúp ACB chống chịu trước rủi ro đang gia tăng của nền kinh tế.
Chúng tôi kỳ vọng tình hình kinh tế trong nước sẽ khả quan vào nửa cuối năm 2023 nhờ các lĩnh vực sản xuất, thương mại, logistic, v.v. có nhu cầu vốn cao hơn vào 6 tháng cuối năm khi nhu cầu thế giới bắt đầu phục hồi. Qua đó, chúng tôi ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2023 của ACB đạt 11.1%YoY.
Chúng tôi ước tính NIM của ACB đạt 4.23% vào năm 2023, giảm 12 bps so với cuối năm 2021 do (1) chính sách giảm lãi suất của NHNN và độ trễ lãi suất cao vào cuối năm 2022; (2) CASA tăng trưởng khó khăn trước áp lực của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà Nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Qua đó, chúng tôi ước tính Tỷ lệ Nợ xấu năm 2023 đạt 0.86%.
Chúng tôi ước tính chi phí trích lập dự phòng năm 2023 của ACB đạt 1,664 tỷ đồng (+2244%YoY) do mức nền thấp năm 2022.
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu ACB là 25,400VNĐ/CP. Khuyến nghị: Mua đối với cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Rủi ro lãi suất; (2) Rủi ro nợ xấu; (3) Rủi ro cạnh tranh; (4) Rủi ro lạm phát; (5) Rủi ro suy thoái kinh tế.
Minh An