Mở vị thế mua CII quanh ngưỡng 18.000 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BSC): Trong phiên giảm mạnh thị trường, CII đã có một dòng tiền bắt đáy khá mạnh khi thủng vùng giá 17.000 đồng/cp.
Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với xu hướng đảo chiều của cổ phiếu. Chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng hồi phục trong khi và chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng tích lũy này.
Đường giá cổ phiếu nằm dưới dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá chưa hình thành. Như vậy, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 18.000 đồng/cp và chốt lãi tại ngưỡng giá 22.000 đồng/cp, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 17.000 đồng/cp.
Khuyến nghị mua REE với giá 45.400 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Ông Hải sẽ chính thức ngồi vào ghế Tổng giám đốc ngày 1/8. Ông Hải bắt đầu làm việc tại REE từ năm 1994 với vị trí là kỹ sư công trình và từng bước được thăng chức lên làm Giám đốc khối M&E vào năm 2008 và Phó Tổng giám đốc tập đoàn vào năm 2013.
VCSC cho rằng quyết định của REE khi bổ nhiệm 1 Tổng giám đốc từ 1 nhân viên nội bộ của công ty sẽ cho phép quá trình chuyển giao quyền lực thuận lợi khi Tổng giám đốc mới không chỉ có kinh nghiệm với các mảng kinh doanh cụ thể của REE mà còn thấu hiểu văn hóa của công ty.
VCSC cho rằng việc bổ nhiệm Tổng giám đốc mới từ nhân sự nội bộ sẽ giảm thiểu các rủi ro tiềm năng liên quan đến quản lý trong bối cảnh việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh có thể khá phức tạp.
VCSC hiện có khuyến nghị mua cho cổ phiếu REE với giá mục tiêu là 45.400 đồng/cp, tương đương với tổng mức sinh lời là 44,6%, đã bao gồm 4,9% lợi suất cổ tức.
|
Chú ý cổ phiếu nào phiên giao dịch 27/7. |
Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 14.100 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Bắt đầu theo dõi mã cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với khuyến nghị mua và giá mục tiêu 14.100 đồng/cp, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 33,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,5%.
GVR là 1 trong những công ty lớn nhất trong ngành cao su tự nhiên, đầu tư khu công nghiệp (KCN) và chế biến gỗ tại Việt Nam. 3 mảng kinh doanh này đóng góp khoảng 98% tổng lợi nhuận từ HĐKD của GVR trong năm 2019. GVR đã thực hiện cổ phần hóa vào quý 2/2018, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tiếp tục sở hữu 96,8% cổ phần kiểm soát.
VCSC dự báo doanh thu đạt 19 nghìn tỷ đồng (-5,2% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (+3,0% YoY) trong năm 2020. Dịch COVID-19 có tác động tiêu cực trong ngắn hạn đối với 3 mảng kinh doanh của GVR, tuy nhiên, tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS dự phóng năm 2020 sẽ được hỗ trợ bởi các khoản thu nhập khác trị giá 2,3 nghìn tỷ đồng (+30% YoY) – chủ yếu đến từ thanh lý gỗ cây cao su và bồi thường chuyển đổi đất.
Trong giai đoạn 2019-2025, VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS lần lượt đạt 8% và 12%, chủ yếu đến từ mảng KCN và mảng gỗ đang tăng trưởng cũng như cải thiện vị thế tài chính. Mức tăng trưởng này phần nào bị ảnh hưởng bởi mức giảm trong lợi nhuận từ mảng cao su tự nhiên.
VCSC cho rằng định giá của GVR là hấp dẫn. Theo giá mục tiêu, GVR sẽ giao dịch tại P/E trượt là 16,9 lần – chiết khấu 56% so với trung vị P/E trượt của một số công ty cùng ngành.
Dự báo khoảng 12.800 ha đất trồng cao su được chuyển đổi sang đất KCN trong giai đoạn 2020-2035, con số này là khá thận trọng so với kế hoạch của ban lãnh đạo là chuyển đổi tối thiểu khoảng 15.000 ha đất trong giai đoạn 2020-2025.
Rủi ro: trì hoãn phê duyệt các dự án KCN trong tương lai; tỷ lệ hấp thụ thấp hơn dự kiến của đất KCN; lỗ từ việc thoái vốn khỏi mảng kinh doanh ngoài cốt lõi và giá cao su tự nhiên thấp hơn dự kiến.
Anh Nhi