Chứng khoán ngày 22/3: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Google News

(Kiến Thức) - Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 22/3.

Khuyến nghị mua PC1 với giá mục tiêu 30.700 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Trong bản tin NĐT hàng quý cho quý 4/2020, CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1) đã công bố kế hoạch kinh doanh sơ bộ năm 2021 với kế hoạch doanh thu và LNST trước lợi ích CĐTS đạt lần lượt 8 nghìn tỷ đồng (+20% YoY) và 516 tỷ đồng (-4% YoY).

Theo PC1, kế hoạch tăng trưởng doanh thu cao trong năm 2021 chủ yếu được dẫn dắt bởi (1) mức tăng 48% trong doanh thu mảng xây lắp điện nhờ lượng backlog lớn từ một vài dự án điện gió quy mô lớn và (2) doanh thu phát điện tăng 46%, được chúng tôi cho rằng có thể do sản lượng điện thương phẩm cao hơn từ các nhà máy thủy điện và đóng góp của 3 dự án điện gió trong tháng 11 – tháng 12/2021.

Các diễn biến tích cực này phần nào bị ảnh hưởng bởi mức giảm của mảng sản xuất trụ điện và không có doanh thu từ bàn giao BĐS.

Kế hoạch doanh thu và LNST trước lợi ích CĐTS của PC1 cao hơn lần lượt 17% và 8% dự báo của VCSC, chủ yếu do doanh thu cao hơn dự kiến từ mảng xây lắp điện và phát điện.

VCSC hiện có giá mục tiêu 30.700 đồng/cp dành cho PC1, tương ứng với tổng mức sinh lời 7%.

Chung khoan ngay 22/3: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 Chọn cổ phiếu nào phiên 22/3?

Ngưỡng hỗ trợ của BVH nằm tại mức 58.500-59.000 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): BVH hiện đang có trạng thái tích lũy ngắn hạn tại khu vực 58.5-62.5 trong vài tuần gần đây. Thanh khoản cổ phiếu trong phiên hôm nay tăng mạnh so với quãng thời gian trước đó.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái trung lập. Đường EMA12 chuẩn bị cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có tiềm năng thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của BVH nằm tại khu vực 58.5-59. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 67.1, cắt lỗ nếu ngưỡng 55.8 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị khả quan ACV với giá mục tiêu 86.800 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị khả quan đối với Tổng CT Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và nâng giá mục tiêu thêm 6,5% lên 86.800 đồng/cổ phiếu.

Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu do chúng tôi tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS cho ACV giai đoạn 2023-2026 thêm tổng cộng 7,1% và bị ảnh hưởng một phần bằng mức giảm 7,2% và 5,1% lần lượt trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS của VCSC cho năm 2021 và 2022.

Các điều chỉnh phản ánh quan điểm cho rằng sự phục hồi lượng hành khách quốc tế sẽ cần nhiều thời gian hơn; tuy nhiên, sự phục hồi sẽ tăng tốc từ năm 2023 trở đi khi VCSC kỳ vọng các nước có khách du lịch lớn đến Việt Nam sẽ thành công tiêm chủng đối với COVID-19 trong giai đoạn 2022-2023.

VCSC kỳ vọng doanh thu sẽ phục hồi 9,3 nghìn tỷ đồng (+19% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (+71% YoY) trong năm 2021. Tăng trưởng lợi nhuận của ACV dự kiến chủ yếu đến từ sự phục hồi của lượng hành khách quốc tế và đòn bẩy hoạt động cao của công ty.

VCSC giả định 8,8 triệu hành khách quốc tế trong năm 2021 (+20% YoY) - tương đương với khoảng 21% con số của năm 2019 - vì dự báo lượng hành khách quốc tế sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm 2021 và phục hồi từ nửa cuối năm 2021.

 VCSC cho rằng ACV có vị thế tốt để duy trì năng lực tài chính của công ty – dù dịch COVID19 kéo dài hơn dự kiến của chúng tôi. ACV có số dư tiền mặt ròng là 18 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020 trong khi chi phí không dùng tiền mặt chiếm khoảng 40% tổng chi phí vào năm 2020.

Rủi ro: Vốn XDCB cao hơn dự kiến; sự trì hoãn trong việc mở rộng công suất sân bay có thể hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách; những trở ngại trong quá trình tiêm chủng tại các thị trường nguồn cung khách du lịch của Việt Nam.

Anh Nhi