Khuyến nghị mua PVD với giá mục tiêu 2 5.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) công bố kế hoạch doanh thu năm 2023 là 5,4 nghìn tỷ đồng (-0,6% YoY) và LNST trước lợi ích CĐTS là 100 tỷ đồng so với khoản lỗ ròng 103 tỷ đồng trong năm 2022.
VCSC lưu ý rằng kế hoạch LNST trước lợi ích CĐTS năm 2023 của PVD cho thấy quan điểm tích cực của ban lãnh đạo về bước ngoặt có lãi trong năm 2023 sau khi ghi nhận lỗ năm 2022.
Kế hoạch doanh thu và LNST trước lợi ích CĐTS năm 2023 của PVD tương đương 91% và 44% dự báo cả năm tương ứng. VCSC cho rằng điều này là do sự thận trọng của công ty. VCSC lưu ý rằng trong 5 năm qua, lợi nhuận ròng thực tế của PVD dao động từ 20- 198 tỷ đồng ngoại trừ năm 2022 ghi nhận lỗ so với kế hoạch không lỗ/có lợi nhuận thấp.
Ban lãnh đạo kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới của PVD sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Ban lãnh đạo cho rằng giá dầu thô sẽ duy trì ở mức cao trong giai đoạn 2023-2025, điều này hỗ trợ hoạt động thăm dò & khai thác trên toàn cầu.
Ngoài ra, giá dầu thô cao sẽ hỗ trợ thực hiện các chiến dịch khoan dài hạn cho các mỏ dầu thô và mỏ khí tại Việt Nam như Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2B và Lô B.
Bên cạnh nhu cầu khoan phục hồi, ban lãnh đạo kỳ vọng thị trường khoan toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt do số lượng giàn hạn chế. Cụ thể, PVD kỳ vọng giá cho thuê giàn khoan tại Đông Nam Á sẽ đạt 120.000-140.000 USD vào cuối năm 2023.
PVD đã ký các hợp đồng cho đội giàn khoan của công ty trong năm 2023, ngoại trừ giàn PVD I và PVD VI đang đàm phán để làm việc tại Malaysia từ quý 4/2023. Ngoài ra, hầu hết các hợp đồng của PVD đều ở thị trường quốc tế (Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Brunei).
Đối với các mảng khác, PVD cho rằng mảng dịch vụ kỹ thuật giếng khoan và các dịch vụ khác sẽ có cơ hội việc làm hạn chế do yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao và chính sách bảo hộ nghiêm ngặt của các nước sở tại. Tuy nhiên, PVD đang từng bước đáp ứng các yêu cầu của nước sở tại để đủ điều kiện cung cấp các gói dịch vụ cho khách hàng.
PVD đề xuất không chia cổ tức cho năm 2022 do ghi nhận lỗ trong năm 2022. Trong khi đó, công ty chưa đặt kế hoạch chia cổ tức cho năm 2023. VCSC hiện giả định PVD sẽ bắt đầu trả cổ tức tiền mặt 500 đồng/cổ phiếu từ năm 2024.
VCSC hiện khuyến nghị MUA đối với PVD với giá mục tiêu là 25.000 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời dự phóng là 21%).
|
CTCK khuyến nghị gì phiên 21/4? |
Khuyến nghị mua AST với giá mục tiêu 64.700 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA và nâng giá mục tiêu thêm 12% cho CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) do nâng dự báo lợi nhuận và cập nhật mô hình định giá mục tiêu từ cuối năm 2023 sang giữa năm 2024.
VCSC nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2027 thêm 12% do giảm dự phóng chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A). Dự báo chi phí SG&A các năm 2023/2024 tương đương 130% và 160% so với mức năm 2019.
VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS các năm 2023 và 2024 lần lượt phục hồi 58% và 110% so với lợi nhuận của AST trong năm 2019 nhờ lượng hành khách hàng không quốc tế phục hồi và lượng cửa hàng bán lẻ tăng.
Lượt khách quốc tế và khách Trung Quốc trong quý 1/2023 lần lượt đạt 70% và 15% so với mức trước dịch COVID-19. VCSC kỳ vọng kỳ nghỉ dài ngày của Việt Nam và Trung Quốc vào đầu tháng 5 sẽ tiếp tục hỗ trợ đà phục hồi.
So với mức năm 2019, chúng tôi ước tính doanh thu bán lẻ/cửa hàng năm 2023 sẽ đạt 80% so với mức 50% trong năm 2022. Ngoài ra, số lượng cửa hàng của AST tăng 40% trong giai đoạn 2019-2022.
AST có định giá hấp dẫn với P/E dự phóng các năm 2023/2024 lần lượt là 15,1 lần/9,7 lần so với P/E trượt trung bình 2018-2019 là 15,0 lần. Rủi ro: Lượng khách quốc tế từ Trung Quốc thấp hơn dự kiến; nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn.
Khuyến nghị mua STK với giá mục tiêu 33.300 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) công bố KQKD quý 1/2023 phù hợp với KQKD sơ bộ được công bố tại ĐHCĐ 2023 với doanh thu giảm 55% YoY và LNST sau lợi ích CĐTS giảm 98% YoY, lần lượt hoàn thành 13% và 1% dự báo cả năm.
Do KQKD kém khả quan này phù hợp với kỳ vọng, VCSC nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Nỗ lực giảm hàng tồn kho tích lũy từ khách hàng trong chuỗi giá trị tiếp tục làm trầm trọng thêm tác động của nhu cầu dệt may và doanh số bán hàng may mặc kém tích cực. Hiệu ứng này đặc biệt rõ nét trong trường hợp của STK - nhà sản xuất vật liệu thượng nguồn.
Đơn hàng thu & đông 2023 của khách hàng kém tích cực khiến quý 1/2023 ghi nhận KQKD thấp, theo STK. Tuy nhiên, những kết quả này sẽ được cải thiện trong quý 2/2023 do STK kỳ vọng các đơn hàng mùa xuân & hè 2024 sẽ giúp doanh thu nửa cuối năm 2023 phục hồi so với nửa đầu năm 2023 và mùa thu & đông 2024 sẽ là động lực lớn hơn cho việc nối lại các đơn hàng.
STK vừa đưa nhà máy Củ Chi (chiếm 1/3 công suất sản xuất của STK) vào hoạt động trở lại vào tháng 3. STK ghi nhận lãi tỷ giá thấp trong quý 1/2023 do khoản lãi cao hơn bù đắp cho khoản lỗ lớn hơn so với cùng kỳ trong bối cảnh tỷ giá USD/VND có nhiều biến động.
Anh Nhi