FMC (Khuyến nghị Tăng tỷ trọng): Bứt tốc giai đoạn cuối năm
Chứng khoán Mirae Asset: Là doanh nghiệp top đầu ngành thủy sản, sản phẩm đã xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính. FMC là một trong những doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp hiện tại là Mỹ, Châu âu và Nhật, cũng là những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn và quan trọng nhất của ngành. Tính đến cuối năm 2022, FMC sở hữu trên 500 ha diện tích vùng nuôi trồng thủy sản và công suất chế biến hiện tại đạt 45.000 tấn/ năm.
Dấu hiệu khởi sắc từ tháng 7/2023. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận tổng doanh thu thuần 2.041 tỷ đồng và lãi ròng 128 tỷ đồng, lần lượt giảm 25,5% và giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả trên phản ánh tình hình chung của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn giảm sút. Đến T7/2023 những dấu hiệu khởi sắc đã xuất hiện, cụ thể sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1.953 tấn, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ (CK) giúp doanh số đạt 21,3 triệu USD tương đương CK. Xu hướng này tiếp tục cải thiện trong tháng 8 khi ghi nhận 22,4 triệu USD doanh thu và trở thành tháng có doanh thu cao thứ 3 trong lịch sử và là mức cao nhất trong 19 tháng qua.
Cơ cấu tài chính khỏe mạnh, công ty đã chuẩn bị tồn kho lớn. Tình hình tài chính của FMC duy trì trạng thái an toàn với tỷ lệ nợ vay/ VCSH dưới 50%. Đến cuối Q2/2023, công ty dự trữ hơn 1.285 tỷ đồng tồn kho tăng 38,3% so với đầu năm và cao hơn 37,2% so với giá vốn trung bình 2 quý đầu năm (FMC thường có lượng tồn kho ít hơn giá vốn mỗi quý). Với triển vọng nhu cầu hồi phục, trong điều kiện giá tôm nguyên liệu ở mức thấp, có thể FMC đã tăng dự trữ tồn kho để chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm.
Nhu cầu tại Mỹ hồi phục, tạo điều kiện cho công hoàn thành kế hoạch 2023. Lần đầu tiên sau 13 tháng, sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ đã hồi phục (theo NOAA), VASEP cũng đưa ra dự báo khả quan cho lượng đơn đặt hàng thủy sản từ Mỹ giai đoạn cuối năm (tháng 11 và 12). Trước đà hồi phục chung của ngành, FMC cũng kỳ vọng sản lượng tiêu thụ và doanh thu sẽ có sự bứt phá trong những tháng cuối năm, tạo điều kiện để hoàn thành mục tiêu 5.900 tỷ đồng doanh thu và 400 tỷ đồng LNTT.
Định giá: Kỳ vọng FMC hoàn thành kế hoạch LNTT năm 2023, chúng tôi đánh giá công ty là một trong số ít doanh nghiệp xuất khẩu vẫn giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 5 năm từ 2019 đến nay. Tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024, chúng tôi đưa ra mức P/E mục tiêu cho FMC vào cuối năm 2023 là 12 lần. Với mức EPS dự phóng đạt 4.894 đ/cp, giá mục tiêu sẽ ở mức 58.700 đ/cp.
LPB (Khuyến nghị Trung lập): Kỳ vọng lợi nhuận phục hồi tích cực trong nửa cuối năm
Chứng khoán Vietcombank: (1) Danh mục cho vay bán lẻ tăng trưởng nhanh: Với CAGR 5 năm đạt 25%/năm, danh mục cho vay cá nhân của LPB hiện chiếm khoảng 50% dư nợ. Trong H2.2023, lãi suất huy động giảm kỳ dự kiến sẽ kéo theo nhu cầu vay của nhóm bán lẻ tăng nhanh giúp LPB tăng tỷ suất sinh lời, cải thiện NIM và phân tán rủi ro danh mục.
(2) Ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm trong 15 năm với Dai-ichi Life: Kỳ vọng ghi nhận một phần khoản phí trả trước trong năm nay và doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức trên 15%/năm trong các năm tới.
(3) Kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 15,5% từ mức 5%: Chúng tôi kỳ vọng mức giá phát hành ở mức cao hơn so với giá thị trường của LPB ở thời điểm hiện tại, giúp BVPS tăng thêm tạo đà tăng cho giá cổ phiếu.
Khuyến nghị: Chúng tôi dự phóng LNTT năm 2023 của LPB đạt 6.392 tỷ đồng (+12,3% yoy) và ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu LPB là 15.451 đồng/cổ phiếu dựa trên 2 phương pháp định giá So sánh P/B và Thu nhập thặng dư (RI). Do giá cổ phiếu LPB đã tăng tích cực và vượt mức định giá của chúng tôi, chúng tôi hạ khuyến nghị xuống TRUNG LẬP đối với cổ phiếu của ngân hàng Bưu điện Liên Việt.
PVT (Khuyến nghị Trung lập): Định giá đã vào vùng hợp lý
Chứng khoán VNDirect: LN 6T23 tăng tốc nhờ mảng vận tải xăng dầu tăng trưởng mạnh
Doanh thu (DT) 6T23 giảm nhẹ 2,8% xuống 4.158 tỷ đồng do tác động trái chiều của DT vận tải tăng (+9,3% svck) nhưng DT thương mại & dịch vụ giảm mạnh (-42,4% svck). Tuy nhiên, LN gộp 6T23 tăng 11,7% svck lên 816,7 tỷ đồng nhờ biên LN gộp mảng vận tải xăng dầu tăng 2,7 điểm % nhờ đà tăng giá cước thuê tàu và đóng góp của các tàu mua mới. Ngoài ra, PVT ghi nhận LN ròng khác 103 tỷ đồng (+5,8 lần svck) từ thanh lý tàu chở dầu và thu nhập từ bồi thường trong 6T23. Kết quả, LN ròng 6T23 tăng 36,5% svck lên 491 tỷ đồng, hoàn thành 56,5% dự phóng cả năm của chúng tôi.
Triển vọng TT vận tải dầu khí dường như sẽ vững chắc trong một vài năm tới
Chúng tôi nhận thấy xu hướng vững chắc đối với cả phân khúc vận tải dầu thô và nhiên liệu với triển vọng tích cực trong một vài năm tới nhờ: (1) sự dịch chuyển dòng chảy thương mại sang các tuyến hải trình dài hơn sau lệnh cấm nhập khẩu của EU đối với dầu Nga và nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sau khi mở cửa trở lại, và (2) tốc độ tăng trưởng đội tàu bị giới hạn do số lượng đơn đặt hàng ở mức thấp trong những năm gần đây, đặc biệt là đối với đội tàu chở nhiên liệu. Hơn nữa, các quy định mới về tiêu chuẩn khí thải dự kiến sẽ có tác động điều chỉnh hơn nữa đối với nguồn cung tàu chở dầu đang hoạt động.
Triển vọng năm 2023-24: Tận hưởng môi trường giá cước cao
Sự thay đổi không thể đảo ngược trong dòng chảy thương mại năng lượng toàn cầu sẽ giữ mặt bằng giá cước thuê tàu ở mức cao, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN vận tải dầu khí như PVT. Và với chiến lược tích cực trẻ hóa đội tàu (với tổng vốn đầu tư ~8.000 tỷ đồng trong 5 năm qua) đã mang lại trái ngọt cho PVT tại thời điểm này. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng LN cốt lõi của PVT (loại trừ LN khác từ việc thanh lý tàu cũ) sẽ tăng trưởng kép 13,5% trong năm 2023-24, được hỗ trợ bởi: (1) môi trường giá cước thuê tàu cao và (2) công suất đội tàu lớn hơn (tăng trưởng kép 12,5% trong năm 2023-24). Đối với KQKD báo cáo, chúng tôi dự báo LN ròng của PVT sẽ tăng trưởng kép với tốc độ thấp hơn là 6,6% trong năm 2023-24 chủ yếu do khoản LN bất thường từ việc thanh lý tàu cũ thấp hơn.
Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu cao hơn là 28.500 đồng
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 8,4% lên 28.500 đồng nhờ: (1) tăng dự phóng EPS năm 2023-25 lên 8,1%/1,8%/1,4% và (2) giảm giả định WACC do điều chỉnh giảm lãi suất phi rủi ro và phần bù rủi ro thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi hạ khuyến nghị xuống Trung lập vì chúng tôi cho rằng đợt tăng giá cổ phiếu gần đây đã phần nào phản ánh các yếu tố tích cực có thể thúc đẩy giá cổ phiếu. Rủi ro tăng giá là giá cước thuê tàu chở dầu cao hơn kỳ vọng và thu nhập bất thường từ việc thanh lý tàu cũ. Rủi ro giảm giá đến từ giá cước thuê tàu thấp hơn kỳ vọng và lãi suất cao hơn kỳ vọng.
Minh An