ACB (Khuyến nghị Mua): Chờ đợi một cú hích
Chứng khoán SSI: Sự kiên định trong chiến lược kinh doanh đã giúp hoạt động kinh doanh của ACB phát triển ổn định trong những năm gần đây với chỉ số ROE ấn tượng trong số các ngân hàng mà chúng tôi nghiên cứu. Hơn nữa, việc xây dựng và củng cố tệp khách hàng chất lượng cao cùng với chi phí vốn tương đối thấp sẽ là lợi thế cạnh tranh chính để ACB duy trì quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận trong trung hạn. Theo đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu ACB với giá mục tiêu năm 2024 là 30.100 đồng/cp – tiềm năng tăng giá là 32,9%.
Với tình hình kinh tế nhiều thách thức, chúng tôi cho rằng ACB sẽ phải tiếp tục nỗ lực để đạt tỷ lệ nợ xấu mục tiêu là 1% trong năm 2023. Do đó, chúng tôi nâng giả định chi phí tín dụng lên 0,35%, tương đương chi phí dự phòng là 1,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, do ACB đã ghi nhận 1 nghìn tỷ đồng cho quỹ khoa học và công nghệ trong năm 2022, chúng tôi dự báo chi phí hoạt động sẽ tương đương so với cùng kỳ, điều này sẽ bù đắp cho chi phí tín dụng tăng lên. Do đó, chúng tôi duy trì ước tính LNTT là 20 nghìn tỷ đồng (tăng 17% svck), cũng như kỳ vọng tăng trưởng tín dụng là 12% svck trong năm 2023.
Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận trước thuế là 23,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18% svck) nhờ sự phục hồi của cả tăng trưởng tín dụng (tăng 13% so với đầu năm) và NIM (tăng 3 điểm cơ bản lên 4,18%). Mặc dù chúng tôi cho rằng chất lượng tài sản sẽ dần được cải thiện giúp tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,9%, chúng tôi cho rằng chi phí tín dụng sẽ duy trì ở mức cao 0,27%, với kỳ vọng 1,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu sẽ được xử lý trong năm 2024.
Quan điểm ngắn hạn: Chúng tôi kỳ vọng ACB sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng là 6% so với đầu năm trong tháng 8, cao hơn so với mức tăng 5,33% so với đầu năm của toàn ngành. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu ACB chưa phản ánh hết giá trị của ngân hàng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể bổ sung vào danh mục đầu tư và nắm giữ cổ phiếu ACB trong trung hạn.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Tăng trưởng tín dụng thấp hơn kỳ vọng; Tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn kỳ vọng, ảnh hưởng đến chi phí dụ phòng rủi ro tín dụng.
Yếu tố hỗ trợ khuyến nghị: Kiểm soát tốt chi phí; Tăng trưởng tín dụng phục hồi.
TCB (Khuyến nghị Nắm giữ): Chính sách mới tác động NIM trong ngắn hạn
Chứng khoán KB Việt Nam: Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong quý 2 ghi nhận sự sụt giảm 14.7% YoY, đạt 9,325 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, TOI của TCB là 18,635 tỷ đồng (-11% YoY). Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tính đến thời điểm cuối quý 2 đạt 9.7% YTD so với hạn mức tín dụng cả năm 2023 là 14.1%. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, giảm 10.2% YoY. Dù vậy, LNTT luỹ kế 1H2023 sụt giảm hơn 20% YoY, đạt 11,272 tỷ đồng – tương ứng với hoàn thành 51% kế hoạch cả năm.
Tỷ lệ CASA của TCB đã có dấu hiệu hồi phục trong quý 2, tăng 8% QoQ lên mức 34.9%. NIM trong ngắn hạn vẫn chịu áp lực bởi chính sách Flexible Pricing, được TCB áp dụng chương trình lãi suất ưu đãi để khách hàng có thể lựa chọn thanh toán phù hợp với tình hình tài chính của họ.
TCB tiếp tục tăng trích lập trong kỳ trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng, tuy nhiên bộ đệm dự phòng của ngân hàng giảm so với giai đoạn trước, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 116%. Chúng tôi cho rằng NPL của TCB chưa tạo đỉnh, có thể tăng nhẹ từ nay đến cuối năm nhưng vẫn được kiểm soát tốt.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2023 của cổ phiếu TCB là 39,000 VND/cp, cao hơn 12% so với giá tại ngày 15/09/2023. Khuyến nghị NẮM GIỮ với cổ phiếu TCB.
PLX (Khuyến nghị Khả quan): Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm
Chứng khoán SSI: Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu PLX từ TRUNG LẬP lên KHẢ QUAN, với giá mục tiêu 1 năm là 45.000 đồng/cp. Chúng tôi ước tính lợi nhuận bất thường từ PGB cùng với tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong ngắn hạn. Trong dài hạn, việc phát triển các dịch vụ gia tăng và thoái vốn khỏi mảng hoạt động kinh doanh không cốt lõi sẽ là những yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu.
Trong Q2/2023, PLX đạt 1,03 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt xa mức lỗ 270 tỷ đồng trong Q2/2022. Mảng dầu khí tiếp tục là động lực phục hồi, với LNTT tăng lên 450 tỷ đồng từ mức lỗ 667 tỷ đồng trong Q2/2022 và 402 tỷ đồng trong Q1/2023. Sản lượng tiêu thụ xăng dầu duy trì ở mức 2,63 triệu tấn, tăng 1,8% svck và 2,3% so với quý trước - nhờ kênh bán lẻ với 1,78 triệu tấn (tăng 12% svck). PLX đã đưa vào hoạt động 40 trạm mới từ đầu năm đến nay, công ty đặt mục tiêu đạt 80 trạm mới trong năm 2023 (tương đương khoảng 3% số lượng trạm COCO tại thời điểm đầu năm nay). Biên lợi nhuận kênh COCO cao hơn nhiều so với kênh DODO. Lợi nhuận từ nhiên liệu bay tăng 61% đạt 94 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, LNTT đạt 132 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ do sự phục hồi của ngành hàng không.
Chúng tôi giữ nguyên dự báo doanh thu năm 2023 của PLX là 282 nghìn tỷ đồng (giảm 7% svck) và điều chỉnh tăng dự báo LNTT năm 2023 từ 4,47 nghìn tỷ (tăng 98% svck) lên 4,84 nghìn tỷ đồng (tăng 114% svck). Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh cốt lõi của PLX sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nhờ kiểm soát tốt hàng tồn kho và chi phí. Trong năm 2024, chúng tôi dự báo LNTT tổng thể có thể giảm 6,9% svck so với mức cao nhất năm 2023 do lợi nhuận từ việc thoái vốn PGB giảm, nhưng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng tự nhiên là 4% svck.
Minh An