Khuyến nghị mua DGW với giá mục tiêu 42.200 đồng/cp
CTCK Phú Hưng (PHS): PHS kỳ vọng doanh thu của công ty trong năm quý 4/2022 và 2023 sẽ đạt lần lượt 4.293 tỷ đồng (giảm 45,9% so với cùng kỳ) và 22.571 tỷ đồng (tăng trưởng 0,4%) thông qua việc mở rộng các ngành hàng nhưng sẽ gặp các hạn chế về sức mua suy giảm do tình trạng lạm phát và lãi suất cao.
Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 61,94 tỷ đồng (giảm 81% so với cùng kỳ) và 538 tỷ đồng (giảm 8,8% so với năm trước) lần lượt cho quý 4/2022 và 2023 một phần do hiệu ứng nền cao trong quý 4/2021. Biên lợi nhuận ròng cho cả năm 2023 có thể đạt mức 2,4% của tổng doanh thu.
Điểm nhấn đầu tư: (1) Mô hình kinh doanh của công ty độc đáo, mang tính linh hoạt giúp tận dụng cơ hội mở rộng ngành, tránh rơi vào tình trạng bão hòa.
Khác với các bán sỉ thông thường chỉ nhập hàng về rồi phân phối lại cho các đơn vị bán lẻ, dịch vụ phát triển thị trường (MES) của Digiworld bao gồm cả các khâu Phân tích & chiến lược, Marketing, Dịch vụ hậu mãi – những thứ sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho cả khách hàng và chính bản thân DGW.
(2) Công ty hiện đang có hiệu suất hoạt động rất ấn tượng so với các đối thủ cùng ngành. Các tỷ số sinh lời như ROE, ROA, biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận ròng đều tích cực qua các năm và vượt trội so với các công ty trong ngành. Cùng với đó là một cơ cấu nguồn vốn ngày càng ổn định, tạo tiền đề cho việc tăng trưởng, cạnh tranh trong tương lai.
(3) Định giá của công ty hiện tại đang tỏ ra rất hấp dẫn: tính đến ngày báo cáo cổ phiếu DGW đang được giao dịch tại mức P/E = 7,58, gần bằng với mức đáy P/E trong giai đoạn 2017-2021 là 4,46. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty bình quân mỗi năm trong giai đoạn này đạt lần lượt là 42,7%/năm và 63%/năm.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 42.200 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị giữ với mức tăng giá tiềm năng là 6%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và chưa tính đến kết quả hợp nhất kinh doanh của Achison do chưa đủ cơ sở.
Rủi ro: (1) Rủi ro mất các hợp đồng đối tác, hợp đồng độc quyền; (2) Rủi ro liên quan đến chuyển dịch ngành hàng; (3) Rủi ro liên quan đến xung đột các nhãn hàng (Cannibalization); (4) Rủi ro suy yếu sức mua.
|
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 16/1? |
Khuyến nghị mua VEA với giá mục tiêu 42.400 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Dựa trên dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, VCSC ước tính rằng doanh số bán lẻ xe du lịch (PC) của Việt Nam giảm 28% so với cùng kỳ năm trước (YoY) và 10% so với tháng trước (MoM) trong tháng 12/2022. Trong năm 2022, doanh số PC của Việt Nam đã tăng 39% YoY.
Nhìn chung, đà giảm nhu cầu thể hiện rõ nét hơn trong tháng 12/2022 khi doanh số bán hàng PC theo tháng lần đầu tiên giảm kể từ khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung giảm vào tháng 7/2022. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô lớn cũng ghi nhận doanh số bán hàng trong tháng 12 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, VCSC nhận thấy sự phục hồi đáng kể so với tháng trước của một số thương hiệu lớn (Toyota, Honda, Hyundai và Ford), mà VCSC cho rằng chủ yếu nhờ các đợt ra mắt sản phẩm mới/cập nhật (ví dụ: Hyundai Stargazer, Ford Territory) cùng với các chương trình giảm giá và khuyến mãi mạnh dịp Tết Nguyên Đán.
Trong số các nhà sản xuất ô tô lớn, Thaco, Honda và Mitsubishi công bố KQKD tích cực nhất trong năm 2022 nhờ vào các mẫu xe chủ lực như Kia Seltos (xe lắp ráp trong nước/CKD, SUV), Honda City (CKD, sedan B) và Mitsubishi Xpander (CBU, Crossover). Trong khi đó, Hyundai có diễn biến kém tích cực.
Trong khi doanh số PC thấp hơn kỳ vọng, doanh số của Toyota và Ford nhỉnh hơn so với dự kiến. VCSC cho rằng không có điều chỉnh trọng yếu nào đối với các dự báo hiện tại, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho VEA với giá mục tiêu là 42.400 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 20,1%, bao gồm lợi suất cổ tức là 11,3%, dựa trên giá đóng cửa gần nhất.
Khuyến nghị mua PC1 với giá mục tiêu 30.800 đồng/cp
CTCK VNDirect (VND): Kết quả kinh doanh quý 3/2022, PC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.008 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh còn 4 tỷ đồng (giảm 97,2% so với cùng kỳ).
Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần đạt 5.997 tỷ đồng (giảm 21,8% so với cùng kỳ), hoàn thành 61% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng (giảm 56,5% so với cùng kỳ), hoàn thành 33% kế hoạch năm. Ảnh hưởng từ chi phí lãi vay và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay có gốc ngoại tệ đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận sau thuế.
Theo VNDirect, giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp được ban hành sẽ giúp PC1 được hưởng lợi sớm nhất khi doanh nghiệp là một trong những nhà xây lắp điện và thầu EPC điện gió hàng đầu. VNDirect nhận thấy khi Quy hoạch điện 8 và chính sách giá năng lượng tái tạo mới khi ban hành sẽ càng tiếp thêm động lực cho mảng kinh doanh này của doanh nghiệp bùng nổ.
VNDirect cho biết PC1 sẽ tiếp tục mở rộng danh mục điện tái tạo, bao gồm 81MW thủy điện nhỏ trong giai đoạn 2023- 2025. Ngoài ra, doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát hơn 1.000MW điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, thực hiện hóa tham vọng phát triển thêm 350MW năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025.
Các dự án điện gió của PC1 là một trong những dự án nổi bật của Đông Nam Á, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quản trị, môi trường (ESG) và đang được hưởng chính sách lãi vay rất ưu đãi (5-6%/năm) thấp hơn nhiều so với các dự án vay nội tệ (khoảng 10 - 11%).
VNDirect nhận thấy đây là một lợi thế rất lớn không chỉ cho tính hiệu quả của dự án mà đồng thời tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục được tài trợ các khoản vay chi phí vốn thấp trong tương lai.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PC1, giá mục tiêu là 30.800 đồng/cổ phiếu.
Anh Nhi