IDC (Khuyến nghị Khả quan): Hoàn thành kế hoạch hợp đồng ký mới và ký MOU trong năm
Chứng khoán SSI: Luận điểm đầu tư: IDC là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam, với 727 ha đất cho thuê tại các tỉnh Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và Thái Bình. Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp sẽ giúp IDC duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp khu công nghiệp ở mức trên 50% từ năm 2022 đến năm 2026.
Cổ phiếu IDC đang giao dịch với P/E & P/B 2023 lần lượt là 10,2x và 2,5x và P/E & P/B 2024 lần lượt là 8,9x và 2,4x - thấp hơn trung bình ngành lần lượt là 14,8x và 3x.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu IDC, và nâng giá mục tiêu 1 năm lên 53.200 đồng/cp (từ mức 51.400 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tiềm năng tăng giá là 8,8% so với giá thị trường hiện tại. Diện tích ký mới và ký MOUs đạt 101,76 ha, lịch thanh toán sẽ được đẩy nhanh từ một năm lên sáu tháng, như chúng tôi quan sát thấy ở các khách hàng lớn, dòng tiền của IDC sẽ tiếp tục được cải thiện.
Chúng tôi cho rằng IDC có thể duy trì cổ tức tiền mặt ở mức 40%/mệnh giá trong năm 2023 và 2024, theo đó, tỷ suất cổ tức là 8,3%.
Hoàn thành kế hoạch ký mới và ký MOU trong năm. MOU trong 7 tháng đầu năm ghi nhận 101,76 ha đất có thể cho thuê (hoàn thành 101% kế hoạch thận trọng của công ty trong năm 2023). Các khách thuê lớn là Pepsico (20 ha tại KCN Hựu Thạnh với giá thuê 130 USD/m2/chu kỳ thuê), Hyosung (25 ha tại KCN Phú Mỹ II với giá thuê 125 USD/m2/chu kỳ thuê). Chúng tôi khá lạc quan về khả năng cho thuê KCN của IDC với doanh thu dự kiến trong năm 2023 ước đạt 3,65 nghìn tỷ đồng (+26% svck) khi chúng tôi loại trừ doanh thu bất thường từ KCN Nhơn Trạch V được ghi nhận vào năm 2022.
Lợi nhuận ròng trong Q2/2023 giảm svck do không còn khoản lợi nhuận bất thường từ KCN Nhơn Trạch V. Trong Q2/2023, doanh thu thuần đạt 2.407 tỷ đồng (-27,2% svck) phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, trong đó doanh thu cho thuê KCN giảm 62,8% svck do IDC ghi nhận doanh thu bất thường từ KCN Nhơn Trạch V vào Q2/2022. Lợi nhuận ròng đạt 662 tỷ đồng (-54,7% svck) do được ghi nhận hồi tố khoản lợi nhuận bất thường từ KCN Quế Võ II (chiếm 24% tổng LNTT). Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của IDC trong Q2/2023 đạt 2,2 nghìn tỷ đồng phần lớn nhờ dòng tiền dương từ các khách thuê KCN.
Chuyển nhượng cho Aeon dự án khu đô thị. Dự án Khu đô thị phường 6, Tân An (Idico Linco – IDC sở hữu 51%) dự kiến sẽ được chuyển nhượng cho Aeon để phát triển trung tâm thương mại. Giá trị giao dịch dự kiến đạt hơn 470 tỷ đồng, với tỷ suất lợi nhuận gộp 80%. Thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất trong Q4/2023.
TPB (Khuyến nghị Khả quan): Nợ xấu hình thành nhanh ảnh hưởng bộ đệm dự phòng
Chứng khoán VietCap: Chúng tôi giảm giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) thêm 4,4% xuống 21.500 đồng/cổ phiếu và điều chỉnh khuyến nghị từ MUA xuống KHẢ QUAN do giá cổ phiếu của ngân hàng đã tăng 37,6% so với đầu năm. Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do chúng tôi giảm dự báo LNST giai đoạn 2023-2027 thêm 8,7%(-6,2%/-8,1%/-10,4%/-9,6%/-8,2% cho các năm 2023/24/25/26/27).
Chúng tôi dự báo thu nhập ròng năm 2023 đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (+3,1% YoY), thấp hơn 6,2% so với dự báo trước đây của chúng tôi do (1) NII giảm 4,7% sau khi NIM giảm 13 điểm cơ bản và (2) NOII giảm 17,2% do hoạt động kém hiệu quả của bancassurance và chứng khoán đầu tư kinh doanh, được bù đắp một phần bởi (1) chi phí từ HĐKD (OPEX) giảm 2,7% và (2) chi phí dự phòng giảm 32,5%.
Chúng tôi duy trì mục tiêu P/B là 1,10 lần để phản ánh những lo ngại của chúng tôi về (1) dư nợ cho vay của TPB đối với các công ty đầu tư bất động sản và công ty xây dựng tăng từ 12,8% trong quý 2/2022 lên 14,5% trong quý 2/2023 và (2) bộ đệm dự phòng và bộ đệm vốn của ngân hàng bị ảnh hưởng khi tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) và CAR quý 2/2023 của TPB lần lượt đạt 60,9% và 11,1%, so với mức 135% và 12,5% trong quý 4/2022.
Rủi ro: NIM phục hồi yếu hơn dự kiến; (2) các khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TTNHNN cao hơn dự kiến; (3) khả năng thu hồi các khoản vay tái cơ cấu chậm hơn dự kiến.
Chúng tôi điều chỉnh giảm NIM dự báo năm 2023 và 2024 lần lượt 13 điểm cơ bản và 2 điểm cơ bản do NIM nửa đầu năm 2023 của TPB giảm mạnh hơn dự kiến. Chúng tôi ước tính NIM của quý 1 và quý 2/2023 của TPB lần lượt là 3,54% và 3,45% - là mức thấp nhất kể từ năm 2018. Chúng tôi kỳ vọng NIM của TPB sẽ tăng nhẹ trong các quý tới do lãi suất hiện tại thấp hơn sẽ hỗ trợ (1) cho sự phục hồi của CASA và (2) giảm tốc độ hình thành nợ Nhóm 2. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tiền gửi khách hàng tăng trong quý 4/2022 khi lãi suất ở mức cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên COF.
Dự báo NIM giai đoạn 2023/2024 lần lượt là 3,74%/4,05% phản ánh mối lo ngại của chúng tôi về tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với NIM từ mức cho vay cao hơn đối với các công ty xây dựng và đầu tư BĐS.
Chúng tôi điều chỉnh giảm NOII năm 2023 sau KQKD thấp trong nửa đầu năm 2023. Chúng tôi kỳ vọng thu nhập từ phí bảo hiểm và môi giới sẽ tiếp tục thấp do (1) thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm và (2) các trường hợp bán bancassurance sai mục đích gần đây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu bảo hiểm. Theo một cuộc điều tra gần đây của Bộ Tài chính, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm qua TPB là 73% sau thời gian xem xét vào năm 2021. Do đó, TPB đang điều chỉnh đối tượng khách hàng và phương thức bán để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bancassurance.
Chúng tôi giảm tỷ lệ bao phủ nợ năm 2023 từ 92,3% xuống 63,7%. Với kế hoạch năm 2023 cho TPB khá cao (+14,0% YoY) trong khi thu nhập từ HĐKD yếu và tỷ lệ hình thành nợ xấu cao trong nửa đầu năm 2023, TPB đã sử dụng bộ đệm dự phòng để giảm áp lực lên thu nhập, với tỷ lệ bao phủ nợ giảm từ 135% trong quý 4/2022 xuống 60,9% trong quý 2/2023. Do đó, chúng tôi giảm dự báo chi phí dự phòng năm 2023 xuống 32,3% so với dự báo trước đó và giảm tỷ lệ bao phủ nợ năm 2023 xuống 63,7%.
DGW (Khuyến nghị Giữ): Cơn bão đi qua
Kết quả kinh doanh: Kết thúc Quý 2 năm 2023, DGW đã có mức tăng trưởng QoQ, cho thấy dấu hiệu tạo đáy kết quả kinh doanh. Doanh thu, lợi nhuận gộp, EBIT và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4,596 tỷ VND (+16.1% QoQ), 393 tỷ VND (+50.7% QoQ), 111 tỷ VND (+15.0% QoQ) và 87 tỷ VND (+6.4% QoQ). Trong đó:
Ngành hàng Laptop & Máy tính bảng đạt mức doanh thu 1,342 tỷ VND, tương ứng với mức tăng 23% QoQ. Ngành hàng Điện thoại di động ghi nhận mức tăng 15% QoQ, đạt 2,190 tỷ VND. Thiết bị văn phòng và Thiết bị gia dụng lần lượt ghi nhận mức tăng 7% QoQ và 1% QoQ. Ngành Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ghi nhận mức tăng trưởng 42% QoQ nhờ vào việc giới thiệu nhãn hàng mới và mức nền thấp, chiếm 4% trong cơ cấu doanh thu.
Dự phóng: Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2023 sẽ lần lượt đạt 19,376 tỷ VND (-12.2% YoY) và 440 tỷ VND (-35.6% YoY) bởi sức cầu suy yếu mạnh đối với các sản phẩm ICT do thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung.
Định giá & khuyến nghị: Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 50,800 VND/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị GIỮ với mức tăng giá tiềm năng là -7%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Rủi ro: (1) Rủi ro mất các hợp đồng đối tác (2) Rủi ro liên quan đến mở rộng ngành hàng (3) Rủi ro suy yếu sức mua mạnh hơn dự báo
Điểm nhấn đầu tư: Điều tồi tệ nhất đã nằm lại phía sau
Như chúng tôi đã nhận định trong báo cáo phân tích cập nhật trước đó, Quý 1 năm 2023 nhiều khả năng sẽ là đáy kết quả kinh doanh của DGW do doanh nghiệp sẽ chủ động xử lý lượng hàng tồn kho lớn do lô hàng Iphone 14 Pro Max về ồ ạt cuối năm. Không khó để thấy doanh nghiệp đã có sự hồi phục QoQ rõ ràng thông qua các chỉ số về doanh thu và lợi nhuận, chúng tôi cũng cho rằng sự hồi phục này sẽ tiếp tục duy trì trong các quý còn lại của năm nhờ vào yếu tố mùa vụ (quý 3 sẽ là mùa mua sắm tựu trường và quý 4 sẽ là cao điểm mua sắm cuối năm) cộng với việc Iphone 15 chuẩn bị ra mắt trong quý 3 sẽ kích thích nhu cầu mua sắm. Tuy vậy, nếu loại trừ yếu tố mùa vụ, chúng tôi vẫn chưa thấy sự hồi phục rõ ràng trong sức mua nói chung.
Minh An