Ngưỡng hỗ trợ của STK nằm tại mốc 15.500 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): STK vẫn đang ở trong trạng thái đi ngang tích lũy tại khu vực xung quanh 15.500 đồng/cp trong 1 tháng trở lại đây. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang duy trì giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang nghiêng về chiều hướng tích cực. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên đây có thể là tín hiệu khởi đầu cho một giai đoạn tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của STK nằm tại xung quanh giá 15.500 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 17.500 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 15.000 đồng/cp bị xuyên thủng.
Khuyến nghị phù hợp thị trường cho HSG với giá 12.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã công bố KQKD sơ bộ cho quý 4 năm tài chính 2020 (quý 4/2020) (năm tài chính của HSG kết thúc ngày 30/09).
Theo đó, doanh thu đạt 8,3 nghìn tỷ đồng (+31% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 400 tỷ đồng (+376% YoY). VCSC lưu ý rằng quý 4/2019 là mức cơ sở thấp khi mảng kinh doanh cốt lõi của HSG gặp khó khăn để phục hồi biên LN.
Trong cả năm tài chính 2020, HSG ghi nhận doanh thu 27,5 nghìn tỷ đồng (-2% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (+204% YoY). Các KQKD sơ bộ năm tài chính 2020 vượt kỳ vọng khi hoàn thành lần lượt 107% và 130% dự báo tương ứng 2020 và tương ứng với 98% và 275% kế hoạch cả năm của HSG.
|
Chọn cổ phiếu nào phiên 14/10. |
VCSC cho rằng KQKD quý 4 và cả năm 2020 của HSG đến từ mảng kinh doanh cốt lõi – và không có thu nhập lãi bất thường. Do đó, kết quả lợi nhuận tích cực chủ yếu đến từ tăng trưởng biên LN gộp nhờ đà tăng mạnh trong giá thép cuộn cán nóng (HRC) (cụ thể, giá HRC đã tăng 28% từ mức đáy 4 năm trong tháng 5).
VCSC cũng lưu ý rằng nỗ lực đơn giản hóa sản xuất và giảm đòn bẩy của HSG tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng biên LN ổn định trong khi doanh số trong nước tích cực sẽ giúp bù đắp cho sự phục hồi chậm trong doanh số xuất khẩu.
VCSC hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho HSG với giá mục tiêu 12.500 đồng/cp.
Khuyến nghị khả quan cho PHR với giá 64.700 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) công bố BCTC quý 3/2020 của công ty mẹ với doanh thu giảm 10% YoY đạt 229 tỷ đồng và thu nhập ròng giảm 56% YoY đạt 140 tỷ đồng.
Kết quả thu nhập ròng quý 3/2020 chủ yếu được đóng góp bởi khoản tiền 100 tỷ đồng từ chuyển đổi đất cao su cho dự án KCN Nam Tân Uyên 2 Mở rộng (NTU3). Mức giảm YoY cao hơn trong lợi nhuận trong quý 3/2020 so với doanh thu chủ yếu đến từ mức thu nhập ròng khác thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ.
Thu nhập ròng khác trong quý 3/2019 là mức cơ sở cao khi PHR ghi nhận 300 tỷ đồng tiền đền bù từ chuyển đổi đất trồng cao su sang đất KCN của NTU3 và VSIP III. Tuy nhiên, PHR đã hoàn nhập khoản thu nhập khác này trong quý 4/2019 khi công ty chưa nhận được phê duyệt cần thiết từ Chính quyền địa phương cho kế hoạch chuyển đổi này.
PHR do đó ghi nhận KQKD thấp trong quý 4/2019 với thu nhập ròng tính theo quý là 39 tỷ đồng (-77% YoY). Không tính thu nhập khác, vốn không đủ điều kiện ghi nhận trong quý 3/2019, thu nhập ròng tính riêng của công ty mẹ PHR có thể tăng 82% YoY trong quý 3/2020, theo ước tính của chúng tôi.
Trong 9 tháng 2020, PHR ghi nhận doanh thu riêng 545 tỷ đồng (-21% YoY) và thu nhập ròng 535 tỷ đồng (+24% YoY). Dù PHR vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất, chúng tôi cho rằng KQKD hợp nhất quý 3 là phù hợp với kỳ vọng khi yếu tố dẫn dắt lợi nhuận chính của công ty (số tiền đền bù nhận được từ dự án NTU3) đã được ghi nhận, như dự kiến.
VCSC dự báo doanh thu PHR đạt 1,4 nghìn tỷ đồng (-16% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS 948 tỷ đồng (+111% YoY) trong năm 2020. VCSC kỳ vọng số tiền đền bù còn lại từ NTU3 vào khoảng 309 tỷ đồng, sẽ được ghi nhận trong quý 4/2020.
VCSC hiện có khả quan cho PHR với giá mục tiêu 64.700 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời 22,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,1%.
Anh Nhi