BFC (Khuyến nghị Mua): Tin vui từ việc giảm thuế xuất khẩu phân NPK
Mirae Asset: Từ 15/07/2023 Thuế xuất khẩu phân bón NPK sẽ về 0%. Theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, bắt đầu từ 15-7 tới, thuế xuất khẩu phân bón DAP, NPK sẽ về 0% nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước; khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm giá thành sản phẩm để tăng cạnh tranh.
Thị phần số 1 về phân NPK tại Việt Nam. Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền là một doanh nghiệp nhà nước, nhà sản xuất chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam về phân hỗn hợp NPK. Đặc biệt ở khu vực Miền Nam, vựa lương thực chính của cả nước, Công ty là đơn vị đứng đầu về phân bón NPK. Trong năm 2022, BFC đã xuất khẩu 45.516 tấn phân bón NPK, trị giá 35,2 triệu USD – đứng đầu về xuất khẩu phân bón NPK.
Triển vọng tiêu thụ quý 2 khả quan, mở đầu nửa cuối năm thuận lợi. BFC đã công bố số ước tính kết quả kinh doanh Q2/2023, theo đó các chỉ tiêu về sản lượng cũng như doanh thu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, duy nhất chỉ tiêu LNTT hợp nhất đạt 88,2 tỷ đồng giảm 10,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên cùng kỳ năm 2022 là giai đoạn lợi nhuận của ngành phân bón ở mức nền cao do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga và Ucraina, so với 4 quý gần nhất thì mức LNTT ước tính của Quý 2 thể hiện sự hồi phục rất mạnh. Công ty cũng chia sẻ kế hoạch kinh doanh Quý 3 khả quan với mức doanh thu và LNTT lần lượt đạt 1.868 tỷ đồng và 66 tỷ đồng.
Sản phâm phân bón NPK được dùng nhiều cho các loại cây như cà phê, lúa và các loại cây công nghiệp khác, với giá cà phê ở mức cao như hiện nay kỳ vọng sản lượng tiêu của doanh nghiệp sẽ duy trì ổn định và cải thiện dần trong tương lai.
Lãi suất cho vay giảm giúp giảm gánh nặng chi phí tài chính. Trong báo cáo tài chính năm 2022, chi phí lãi vay của BFC đã tăng gần 40 tỷ đồng so với 2021, tương ứng mức tăng 69%, ảnh hưởng của lãi suất cao tiếp tục làm chi phí lãi vay tiếp tục tăng trong Q1/2023 lên 32 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. Mức vốn điều lệ công ty chỉ hơn 570 tỷ đồng thì chi phí lãi vay tăng cao gây ảnh hưởng khá lớn đến EPS của BFC. Do đó việc mặt lãi suất giảm từ Quý 2 kéo lãi vay giảm nhanh hơn trong Quý 3 sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến lợi nhuận doanh nghiệp
Kỳ vọng công ty vượt kế hoạch năm 2023. Tại ĐHCĐ 2023, BFC đã thông qua kế hoạch 7.476 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ đồng LNTT, chúng tôi cho rằng BFC có thể thực hiện vượt mức kế hoạch đề ra với mức doanh thu dự báo 2023 là 8.100 tỷ đồng và 239 tỷ đồng LNTT.
Định giá: Kỳ vọng BFC ghi nhận 191 tỷ đồng LNST trong năm 2023, mức EPS tương ứng sẽ đạt 3.390 đồng/cp, chúng tôi kỳ vọng mức P/E mục tiêu của BFC sẽ ở mức 7 lần, tương ứng mức giá 23.700 đ/cp.
PNJ (Khuyến nghị Theo dõi): Nỗ lực bảo vệ lợi nhuận
Chứng khoán BSC: Kỳ vọng năm 2023: BSC điều chỉnh doanh thu thuần và LNST-LICĐTS năm 2023 lần lượt -9 ppt và -5.7 ppt so với báo cáo trước đó. Điều chỉnh kết quả kinh doanh 5T/2023 chịu tác động của mức nền cao của năm 2022 và sức mua suy yếu.
Biên lợi nhuận gộp tăng 1 ppt nhờ chiến lược bán hàng tập trung vào dòng sản phẩm có biên lợi nhuận cao trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu.
Tăng tỷ lệ SG&A/REV tăng 0.2 điểm phần trăm do chiến lược quảng cáo khuyến mãi ra mắt các dòng sản phẩm mới, nhằm tiếp cận tập khách hàng mới và tăng độ nhận diện thương hiệu.
2024F: BSC kì vọng DTT và LNST lần lượt đạt 33,962 tỷ VND (+7%YoY) và 1,960 tỷ VND (+8%YoY), EPS FW 2024 =5,367 VND/cp và P/E FW 2024= 13.4 lần
Luận điểm đầu tư: Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc (+8%,2024F) trên mức nền cao năm 2022, nhưng vẫn tích cực hơn bối cảnh ngành chung nhờ năng lực nội tại của doanh nghiệp: (1) bắt kịp xu hướng tăng trưởng thu nhập và chi tiêu của tầng lớp trung lưu (2) chiến lược mở rộng tập khách hàng mục tiêu và chiếm thị phần của các đối thủ trong giai đoạn kinh tế khó khăn vào nửa cuối 2022-2023 nhờ các chính sách bán hàng hấp dẫn
Giá thị trường đã chiết khấu sâu do giảm kì vọng tăng trưởng lợi nhuận: PE FW 2024 =13.4 lần (-26% so với PE trượt lịch sử (4 năm) là 17 lần).
CMX (Khuyến nghị Mua): Chèo lái qua thử thách
Mirae Asset: CMX là một trong những doanh nghiệp tiên phong của ngành thủy sản Việt Nam, thuộc những nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm. CMX hiện đang sở hữu chuỗi giá trị tôm khép kín với vùng nuôi hơn 6.824 ha bao gồm vùng nuôi sinh thái và liên kết nông hộ, ngoài ra diện tích liên kết có thể lên tới 50.000 ha. Tổng công suất chế biến hơn 11.600 tấn/năm được xuất khẩu hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quý 1/2023, doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 242 tỷ đồng và 21 tỷ đồng, giảm 49% và 8% YoY: 1) Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16,9% lên 28,6% YoY; 2) Doanh thu tài chính tăng 103% so với cùng kỳ, đạt 15 tỷ đồng nhờ lãi tỷ giá tăng 82% YoY; 3) Chi phí tài chính tăng 62% YoY, do chi phí lãi vay tăng 32% YoY.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm giảm 28% YoY, đạt 3,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu xuất khẩu tôm của Việt Nam, tôm chân trắng đạt 901 triệu USD, giảm 34% YoY, tôm sú đạt 178 triệu USD, giảm 29% YoY. Tuy nhiên, đà giảm của kim ngạch xuất khẩu tôm đang giảm dần (tháng 3 giảm 33%, tháng 4 giảm 35%, tháng 5 giảm 28%) cho thấy thị trường đang dần hồi phục.
Hiện Châu Âu là thị trường xuất khẩu chủ đạo của CMX, chiếm 57,5% năm 2022. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU 5T/2023 đạt 153 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ. Chúng tôi kỳ vọng thị trường Châu Âu sẽ dần hồi phục vào nửa cuối 2023, bắt đầu từ tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12 (Lễ Tạ ơn và Giáng sinh).
CMX đặt mục tiêu mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái, tôm công nghệ cao lên mức 20.000 ha từng bước tự chủ 20 – 30% nguyên liệu tôm thẻ đầu vào tới năm 2025. Theo nghiên cứu, tôm nuôi công nghệ cao sẽ giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống, đồng thời chất lượng tôm cải thiện giúp tăng giá bán.
Năm 2023, chúng tôi dự phóng doanh thu và lãi ròng đạt 2.245 và 67 tỷ đồng, giảm 22,5% và tăng 2% so với cùng kỳ: 1) Biên lợi nhuận gộp tăng 12,4% lên 14,9% nhờ tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu, khi giá nguyên liệu tự cung thấp hơn 15-20% giá thu mua tôm bên ngoài; 2) Doanh thu thành phẩm đạt 2.026 tỷ đồng, giảm 14,2% do giá tôm xuất khẩu trung bình dự báo giảm 20% YoY.
EPS forward 2023 ước đạt 657 đ/cp, tương ứng P/E forward ở mức 15.5 lần. Chúng tôi đánh giá TÍCH CỰC dành cho CMX: 1) vị thế hàng đầu trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm; 2) giá cước vận tải biển dự báo giảm trong năm 2023, chỉ số BDI (chỉ số vận chuyển hàng hóa) hiện tại giảm 52% YoY; 3) Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trung bình 7%/năm.
Minh An