Kết phiên giao dịch ngày cuối năm năm Canh Tý 9/2/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.114,93 điểm, tương đương tăng trưởng 16,18% tính từ đầu năm Canh Tý (phiên 30/1/2020).
Đóng góp cho đà tăng trưởng của chỉ số này đó là HPG góp 20,2 điểm, GVR góp hơn 18 điểm, tiếp đó là MSN, CTG, TCB, VPB, VHM, BCM, VNM, VCB.
Ở chiều kéo giảm điểm của chỉ số VN-Index chính là hai nhân tố BID, SAB, theo sau đó có VIC, GAS, VJC, HVN, TCH, ROS, HNG, OCB.
|
Nguồn: VietstockFinance |
Cổ phiếu HPG trong năm Canh Tý đã tăng đến 94,06% dù trải qua một năm COVID đầy biến động. Bước sang năm 2021, SSI khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 47.500 đồng/cp dựa trên P/E và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt là 10x và 7x.
SSI ước tính lợi nhuận ròng của HPG tăng 22% so với cùng kỳ trong năm 2021, nhờ vào việc khởi động lò cao BOF cuối cùng của Khu liên hợp Dung Quất vào tháng 1/2021.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng ước tính đạt 4,1 triệu tấn (+20% so với cùng kỳ), nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và HPG mở rộng thị phần.
Sản lượng tiêu thụ HRC ước tính tăng gấp 4 lần lên 2,8 triệu tấn trong năm 2021, do Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động gần cả năm.
Việc thoái vốn khỏi mảng nội thất có thể mang lại khoản lợi nhuận bất thường trong năm 2021.
Còn trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đạt 224,9 điểm, tương đương tăng trưởng 116% tính từ phiên đầu năm Canh Tý.
Đóng góp cho đà tăng này đến từ THD với hơn 13,6 điểm, tiếp theo đó là SHB đóng góp 8,8 điểm, IDC góp 5,7 điểm, SHS góp 3,6 điểm, sau đó là VCS, PVS, PHP, DTK, MBS,…
Ngược lại, nhóm cổ phiếu đã kéo giảm đà tăng đến từ CAG, DL1, PGS, PRE, V21, HHC, NST, BTW, TVC, NBW.
|
Nguồn: VietstockFinance. |
Chỉ mới niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 19/6/2020 với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu, chỉ sau 6 tháng, giá cổ phiếu THD đã tăng gấp 11 lần, lên mức 165.500 đồng/cp (tính theo giá đóng cửa ngày 9/2/2021).
Quy mô vốn hoá vì thế cũng tăng gấp hàng chục lần so với khi niêm yết.
Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu THD ở mức khá thấp nếu so với các doanh nghiệp lớn khác trên HNX.
Ngay sau khi niêm yết, Thaiholdings đã gây sự chú ý lớn của giới đầu tư với kế hoạch chi 3.300 tỷ đồng để mua cổ phần của Thaigroup. Cuộc “đảo vai” mẹ - con giữa hai công ty có liên quan tới doanh nhân Nguyễn Đức Thuỵ (“bầu” Thuỵ) được ví như một thương vụ niêm yết cửa sau.
Chứng khoán 2021 sẽ về đâu?
Ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã đưa ra hai kịch bản với thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021. Theo đó, kịch bản 1: Với lộ trình vắc xin, EPS toàn thị trường tăng trưởng tốt trên 18%, chỉ số có thể đạt 1.250 điểm.
Kịch bản 2: Với những rủi ro mới tác động, EPS tăng 15-16%, chỉ số có thể điều chỉnh về 950 điểm và dao động trong khoảng 950 - 1.000 điểm.
Về động lực và ý tưởng đầu tư, ông Thắng cho rằng, nếu kinh tế phục hồi, ngành bán lẻ có khả năng tăng trở lại, ngành ngân hàng có triển vọng ở mức trung bình. Nhưng bất động sản khu công nghiệp, cảng biển, cao su tự nhiên, dầu khí... có nhiều cơ hội phát triển.
Nói về triển vọng kinh tế, tài chính 2021-2025, cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực nhận định, chứng khoán Việt Nam gắn chặt với chứng khoán thế giới, khi chứng khoán thế giới tăng, chứng khoán Việt Nam cũng tăng theo và ngược lại.
Kinh tế thế giới sẽ phục hồi khá nhanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Khả năng cao sẽ theo hình chữ “U” hoặc SWOOSH - logo Nike. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc 3 điều kiện: khả năng kiểm soát dịch, hiệu quả của các gói hỗ trợ và hợp tác quốc tế… Nếu dịch COVID-19 không được kiểm soát tốt, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi theo hình chữ M ngược.
Ông Lực cho rằng, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư nên đầu tư theo “khẩu vị rủi ro” của mình.
Phải xác định rõ mục đích đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư, không dùng đòn bẩy quá nhiều. Đặc biệt là tránh tâm lý bầy đàn, theo phong trào và hãy là nhà đầu tư thông thái và/hoặc thông qua tổ chức kinh doanh chứng khoán...
Còn với Công ty chứng khoán VNDirect, bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước chạy đà tương đối ấn tượng, chỉ số VN-Index tăng 8,2% chỉ trong 2 tuần đầu năm và đóng cửa phiên 15/01/2021 ở mức 1.194,2 điểm (mức cao nhất trong vòng 33 tháng).
Mặc dù thị trường đã giảm mạnh trong phiên 19/1, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng phục hồi và chốt phiên ngày 21/1 ở mức 1.164,2 điểm. Nhìn chung xu thế thị trường từ đầu năm vẫn tương đối tích cực. Đà tăng ấn tượng của thị trường trong một tháng qua là tương đối bất ngờ đối với hầu hết các thành viên trên thị trường.
Khối Phân tích VNDirect là một trong những đơn vị xuất bản báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 đầu tiên với kịch bản cơ sở cho chỉ số VN-Index năm 2021 là mức 1.180 điểm, cao hơn 14,5% so với mức đóng cửa phiên ngày 11/12/2020 là ngày xuất bản báo cáo.
Anh Nhi