|
Một lệnh ATC được đặt lúc 14h30, đến 14h53 vẫn "nằm ì" lại trên sàn công ty |
Lỗi xảy ra ngày càng dày
Cụ thể trong phiên sáng, ngay sau thời điểm sàn HoSE khớp lệnh định kì xác định giá mở cửa (ATO) một lúc thì tình trạng hệ thống bị “lag” như 3 phiên trước đó đã xảy ra. Biểu hiện của tình trạng này là hệ thống HoSE chậm nhận lệnh, nhà đầu tư rất khó đặt lệnh giao dịch, và thậm chí HoSE trả kết quả cũng rất chậm.
Bên cạnh đó, một số bảng điện tử của các công ty chứng khoán kết nối với HoSE rơi vào tình trạng bị đứng, bị treo trong một số thời điểm; hoặc điểm số, mức giá khớp lệnh hiển thị trên bảng điểm khác với mức giá khớp hiển thị trong cửa sổ khi nhà đầu tư tiến hành đặt lệnh. Bảng điện tử trong nhiều thời điểm, đặc biệt là sau phiên ATO đến khoảng 10h30 sáng ngày 24.12, rơi vào tình trạng “loạn nhịp” rất khó xác định giá khớp lệnh chính xác trên các bảng giá điện tử tại các công ty chứng khoán thành viên kết nối với HoSE.
Tình trạng “lag” tạm được giải tỏa từ khoảng 10h50 phút trở đi. Trong phiên sáng, VN-Index mất điểm mạnh có lúc hơn 30 điểm cho nên nhiều cổ phiếu rơi sâu xuống mức giá hấp dẫn kích hoạt làn sóng mua bắt đáy mạnh mẽ. Từ đó, thanh khoản trên sàn HoSE cũng bùng nổ kỉ lục. Kết thúc phiên sáng, thanh khoản đã đạt hơn 12.750 tỉ đồng.
Và thanh khoản bị bóp, lệnh giao dịch bị chặn?
Sang phiên chiều, cứ tưởng sự ổn định trở lại nhưng lại phát sinh tình trạng mới, các lệnh đặt tại nhiều sàn không được HoSE nhận lệnh. Một số nhà đầu tư trên sàn FPTS thất vọng thốt lên rằng “mua bán gì cũng hết được rồi”. Trong khi đó, nguồn tin từ sàn Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết, thanh khoản đang bị bóp để không vượt quá 14.000 tỉ là mức trong sức chịu đựng của lõi (core) hệ thống giao dịch điện tử của HoSE.
Cũng theo nguồn tin trên, HoSE đang áp dụng biện pháp tình thế nhằm giới hạn để tránh quá tải, vì thế độ mở để nhận lệnh từ công ty thành viên chỉ có một mức độ nhỏ, nhiều lệnh thậm chí không được nhận mà còn “nằm ì” tại sàn công ty chứng khoán.
Người viết bài này cũng đã thử đặt một lệnh ATC (khớp lệnh định kì xác định giá đóng cửa thị trường) trên sàn YSVN vào lúc 14h30, nhưng lệnh này vẫn nằm lại ở sàn YSVN đến cuối phiên mà không được HoSE tiếp nhận để khớp lệnh.
Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hệ quả, trong suốt phiên giao dịch chiều kéo dài 1 giờ 45 phút, giá trị thanh khoản trên sàn HoSE chỉ đạt khoảng 1.430 tỉ đồng; trong khi phiên giao dịch sáng kéo dài 2 giờ 30 phút đã đạt giá trị thanh khoảng hơn 12.750 tỉ đồng.
Một số nguồn tin cho biết, các lệnh giao dịch bị ách lại tại các sàn thành viên có giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nếu khối lượng lệnh này không bị ách có thể đã mang đến một phiên kỉ lục giá trị giao dịch khớp lệnh từ trước tới nay.
Hiện có 2 luồng ý kiến trước tình trạng thanh khoản được cho rằng bị bóp và lệnh giao dịch bị chặn. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng HoSE phải hành động chọn giải pháp tình thế để tránh cho hệ thống tình trạng quá tải có thể dẫn đến hậu quả nặng nề hơn cho hệ thống.
Luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, việc sử dụng giải pháp bóp thanh khoản vô hình trung xác định mức 14.000 tỉ đồng là “ngưỡng kháng cự thanh khoản trên sàn HoSE”, không phản ánh hết được thanh khoản thị trường.
Trong khi đó, một chuyên gia thuộc nhóm tư vấn chứng khoán cho rằng, giải pháp tình thế như vậy vô hình trung làm méo mó cung cầu tự nhiên trên thị trường, một mặt gây bức xúc cho nhà đầu tư khi không thể giao dịch được, nhưng mặt khác cũng khiến nhà đầu tư sau đó có thể nảy sinh tâm lí ngại ngần giao dịch, sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường.
Theo Thế Lâm/Lao Động