Giá trứng sau Tết luôn rất rẻ
Những ngày gần đây, trên vỉa hè nhiều tuyến đường xuất hiện những điểm treo băng rôn “chung tay giải cứu trứng gà, trứng vịt cho bà con nông dân” với mức giá 65.000 đồng/30 quả.
Nhiều người đi đường thấy giăng băng rôn “giải cứu trứng” liền ghé vào mua dù chưa biết chất lượng như thế nào. Bởi, thường ngày giá trứng ngoài chợ dao động từ 2.500-3.500 đồng/quả nên mức giá 65.000 đồng/30 quả ở các điểm bán “giải cứu” được cho là khá rẻ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Trần Văn Mạnh - chủ trang trại chăn nuôi 2,5 vạn gà đẻ trứng ở Long Xuyên (Kinh Môn, Hải Dương) - cho biết, những ngày này, các trại gà tồn động lượng trứng khá lớn nhưng vẫn tiêu thụ được, chưa đến mức phải kêu gọi “giải cứu”.
Trên vỉa hè nhiều tuyến đường ở Hà Nội xuất hiện các điểm bán trứng gà "giải cứu" (Ảnh: Anh Nguyễn)
Gắn bó với gà đẻ trứng đã 15 năm nay, anh Mạnh cho hay, giá trứng thường lên xuống theo quy luật cung cầu thị trường. Theo đó, trước và sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm giá trứng rẻ nhất năm.
Theo anh Mạnh, từ 20 tháng Chạp Âm lịch, lượng trứng gia cầm các công ty nhập để sản xuất sẽ giảm, thậm chí là dừng hẳn vì mùa làm hàng Tết kết thúc. Sinh viên về quê nghỉ Tết nên nhiều bếp ăn tập thể cũng đóng cửa.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài từ 7-9 ngày, hoạt động sản xuất kinh doanh ngừng nên thị trường trứng gia cầm gần như “đóng băng”. Chưa kể, các lò ấp cũng giảm công suất. Trong khi đó, gia cầm vẫn đẻ trứng đều đặn nên lượng trứng tồn đọng tăng cao.
Sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục trở lại, bếp ăn tập thể mở cửa nhưng cũng chỉ tiêu thụ một lượng nhất định. Thế nên, thời điểm này nguồn cung luôn vượt cầu, giá trứng sẽ rẻ hơn so với các mùa khác trong năm.
Để không gặp áp lực trứng tồn đọng, anh Mạnh tính toán lượng gà đẻ trứng trong trang trại của mình sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo đó, đàn gà ở trại thường được chia ra 2 loại là gà đang đẻ trứng và gà hậu bị. Thời điểm cận Tết, khi trứng gia cầm bắt đầu hạ nhiệt, những lứa gà đã hết tuổi khai thác trứng anh phá đàn bán thải loại làm gà thịt. Nhờ đó, lượng gà đẻ trứng giảm, số trứng tồn đọng không nhiều.
“Như trang trại của tôi, lượng trứng tồn thời trong kỳ nghỉ Tết vừa qua chỉ khoảng 150 nghìn quả. Sau Tết, tuy giá rẻ nhưng cũng bán hết”, anh nói. Còn hiện tại, gà hậu bị lứa mới đã đẻ. Trại của anh có 2,5 vạn gà đang đẻ, mỗi ngày thu gần 2 vạn quả trứng.
Lượng trứng này đều được các đầu mối sỉ đến tận trại thu mua. Gà đẻ trứng ra đến đâu được thu mua hết đến đó, không có hàng tồn. Tuy nhiên, giá trứng có rẻ hơn trước Tết.
Cận Tết Quý Mão, trứng gà đỏ có giá 2.100 đồng/quả, dù tiêu thụ chậm nhưng vẫn có lãi nhẹ. Mấy ngày hôm nay, trứng gà giảm xuống còn 1.600 đồng/quả. Với tỷ lệ gà đẻ trứng khá tốt như hiện nay, anh lỗ nhẹ khoảng 200 đồng/quả.
“Năm ngoái trứng gia cầm ổn định ở mức cao. Có thời điểm, trứng gà đỏ có giá 2.600-2.800 đồng/quả. Nhẩm tính mỗi quả trứng gà tôi lãi gần 1.000 đồng”, anh tiết lộ.
Theo anh Mạnh, sang tháng 2 Âm lịch giá trứng sẽ nhích dần lên do cung cầu thị trường ổn định, nhu cầu mua trứng phục vụ sản xuất của các nhà máy tăng.
Các trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng thường chịu áp lực lượng hàng tồn lớn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh: Nguyên Phương)
Trứng bị loãng lòng, chất lượng sẽ giảm
Ông Nguyễn Văn Kho, chủ trang trại gà Ai Cập đẻ trứng ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc), cũng thừa nhận, giá trứng năm ngoái ổn định, người chăn nuôi như ông có lãi khá. Còn từ cận Tết Nguyên đán đến nay, giá trứng giảm. Hôm nay, trứng Ai Cập xuất bán giá 1.700 đồng/quả, ông lỗ nhẹ nhưng vẫn được các đầu mối thu mua hết.
Theo ông, thời điểm trung tầm tháng Giêng Âm lịch, thời tiết miền Bắc nồm ẩm kéo dài nhiều ngày, trứng tồn động từ Tết bị mốc vỏ ảnh hưởng đến chất lượng. Đây là lý do nhiều hộ chăn nuôi bán xả số lượng lớn trứng dịp này với giá rẻ.
“Thời điểm đó tôi cũng bị mốc mất mấy nghìn quả trứng. Nhưng thay vì đem bán xả, tôi chọn cách đổ bỏ vì chất lượng trứng không còn đảm bảo”, ông nói. Ông cũng lưu ý, người mua nên xem kỹ chất lượng trứng trước khi mua. Tránh mua loại trứng bị tồn lâu ngày bị loãng lòng (lòng đỏ và trắng không còn nguyên vẹn, pha lẫn vào nhau), ăn sẽ không ngon.
Anh Mạnh cũng lưu ý, trứng có hạn sử dụng. Nếu để tồn lâu, trứng sẽ bị mốc vỏ, loãng lòng. Khi đó, trứng không còn thơm ngon, chất dinh dưỡng chắc chắn sẽ giảm.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho thấy, năm 2022 sản lượng trứng gia cầm ở nước ta đạt khoảng 18,3 tỷ quả, tăng 4,4% so năm 2022. Sản lượng trứng tăng, song ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho hay, năm ngoái trứng là một trong những mặt hàng có mức giá tương đối tốt, đảm bảo lợi nhuận khá cho người nuôi.
Từ đầu năm 2023 đến nay giá trứng gia cầm giảm nhưng không đến mức giá rẻ để phải “giải cứu”.
Theo Tâm An/ Vietnamnet