|
Ông Nguyễn Trọng Thông chính thức rời ghế Chủ tịch HĐQT Hà Đô |
Ông Nguyễn Trọng Thông, sinh năm 1953, là người sáng lập và lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô (HDG) từ thập kỷ 90. Do tuổi tác và sức khỏe, ông Thông đã quyết định từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và rút khỏi HĐQT công ty.
Ông cho biết: “Tôi đã chuẩn bị chu đáo cho việc từ nhiệm, bàn giao chức vụ và rút khỏi HĐQT. Tôi đã bồi dưỡng, xây dựng lực lượng kế nhiệm và đã có ý kiến trong hai kỳ Đại hội thường niên năm 2022 và 2023.”
Mặc dù từ nhiệm, ông Thông vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ và tham vấn cho HĐQT với vai trò “Chủ tịch sáng lập” để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của công ty.
Theo Báo cáo quản trị năm 2023, ông Thông có ba người con: Nguyễn Trọng Minh, Nguyễn Trọng Thùy Vân và Nguyễn Trọng Vân Hà. Ông Nguyễn Trọng Minh, sinh năm 1987, hiện là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô. Ông Minh có bằng cử nhân Tài chính và Quản trị kinh doanh tại Đại học Hamline, Hoa Kỳ, và đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong tập đoàn.
Về hoạt động kinh doanh, quý I/2024, Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 847,8 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 264,34 tỷ đồng, giảm 26%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 60,2% xuống 51,7%. Trong năm 2024, Hà Đô đặt kế hoạch doanh thu 2.896 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 972 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu năm, Hà Đô đã hoàn thành 27,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngày 25/7, cổ phiếu HDG tăng 400 đồng lên 28.500 đồng/cổ phiếu.
|
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô từ đầu tháng 5/2024 đến nay |
Năm nay, Tập đoàn Hà Đô (HDG) đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.896 tỷ đồng, gần tương đương năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng hơn 12%, đạt 972 tỷ đồng.
Về phân phối lợi nhuận, Hội đồng Quản trị HDG dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%. Trong đó, 5% bằng tiền mặt, tương ứng với 500 đồng/cổ phiếu; 10% còn lại bằng cổ phiếu, tương ứng với 10 cổ phiếu mới cho mỗi 100 cổ phiếu sở hữu.
HDG hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng, và đầu tư tài chính. Trong lĩnh vực bất động sản, HDG là chủ đầu tư của nhiều dự án như Hado Charm Villas (30 ha, Hoài Đức, Hà Nội) và Centrosa Garden (gần 7 ha, Quận 10, TP.HCM). Trong lĩnh vực năng lượng, HDG sở hữu 3 nhà máy điện gió, điện mặt trời và 5 nhà máy thủy điện.
Năm nay, HDG đang đẩy mạnh phát triển bất động sản, đặc biệt là mở rộng sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp để tạo động lực tăng trưởng mới. Cuối tháng 1/2024, HDG đã đề xuất Sở Công Thương Ninh Thuận chấp thuận cho phép nghiên cứu, khảo sát và lập quy hoạch chi tiết cho các dự án Cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2, mỗi cụm có quy mô khoảng 50 ha.
|
Mảng BĐS khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Tập đoàn Hà Đô |
Ban lãnh đạo HDG cũng cho biết sẽ nghiên cứu và đầu tư vào các dự án khu công nghiệp tại miền Bắc (Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh) và tiếp tục triển khai M&A các dự án bất động sản khu đô thị. Giữa tháng 3/2024, HDG đã được UBND tỉnh Kiên Giang trao biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Khu đô thị tại TP. Hà Tiên, quy mô 99 ha với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự án này có vị trí đắc địa gần trung tâm TP. Hà Tiên, mặt tiền tiếp giáp Quốc lộ 80 và bờ biển dài 2 km, thuận lợi cho kinh doanh và nghỉ dưỡng.
Đối với dự án trọng điểm Hado Charm Villas tại Hà Nội, ban lãnh đạo HDG cho biết công ty đang chờ thời điểm tốt của thị trường để mở bán nhằm tối đa hóa giá trị, nhất là khi tập đoàn không gặp áp lực về dòng tiền. Các tổ chức tài chính đánh giá dư địa tăng trưởng giá tại dự án này còn nhiều tiềm năng trong các năm tới, khi việc phát triển mới quỹ đất cho các dự án nhà ở thương mại tại Hà Nội sẽ tốn nhiều chi phí hơn do các bộ luật mới đi vào hiệu lực, và thành phố chủ yếu định hướng phát triển các dự án nhà ở cao tầng.
Quỳnh Ái