Chơi vơi mùa nước nổi: Đồng Tháp Mười đói tôm, cá

Google News

Đang vào chính vụ mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mực nước đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp thấp hơn năm ngoái gần 1 mét.

Nước lũ thấp kéo theo nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt khiến đời sống người dân sống dựa vào mùa nước nổi đầy vơi theo con nước… 

Mấy năm trước, mùa lũ nước về nhiều, tôi kiếm vài chục ký cá mỗi ngày, thu nhập năm, bảy trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng, nhưng giờ kiếm cá khó lắm. Đồng không còn cá như ngày xưa”, ông Trương Văn Đặng, ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) than thở.

Choi voi mua nuoc noi: Dong Thap Muoi doi tom, ca

Ông Trương Văn Đặng giăng lưới ngoài đồng lũ ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. ẢNH: HÒA HỘI

Giữa tháng 10/2023, phóng viên Tiền Phong theo chân người dân mưu sinh trên cánh đồng mênh mông nước ở biên giới Tây Nam. Giữa trưa nắng, ông Trương Văn Đặng, 57 tuổi ở ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp giăng lưới trên đồng.

Ông giăng 20 tay lưới, dài gần 2.000m nhưng lúc vớt lưới chỉ thấy dính vài ba con cá nhỏ. Sau gần 2 giờ đồng hồ, ông thu hoạch được hơn 3 ký cá linh lẫn, cá rô, cá chốt ... bán làm mắm với giá 10.000 đồng/kg.

Buổi sáng, ông đã thăm lưới một đợt, kiếm được hơn chục ký, nhưng buổi trưa thì kém hẳn. “Mấy năm trước, vào mùa lũ, tôi kiếm vài chục ký mỗi ngày. Nhìn cá dính lưới phát ham, cho thu nhập năm, bảy trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng. Nhưng giờ kiếm cá khó lắm, đồng vẫn có nước nhưng không còn cá như ngày xưa”, ông Đặng than thở.

Ông Đặng da ngăm đen, tóc ngả bạc, gắn bó với nghề câu, lưới hơn 40 năm ở xứ Đồng Tháp Mười này. Ông kể, hằng năm, từ tầm tháng 7 Âm lịch nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về tràn đồng, kéo dài đến tháng 11 Âm lịch sẽ rút (nước vực), sau đó người dân bắt đầu sạ lúa vụ Đông Xuân.

Trong khoảng thời gian này, ban ngày, hàng chục xuồng giăng câu lưới trên đồng. Ban đêm, ánh đèn từ các phương tiện đánh bắt cá tôm lấp lánh khắp cánh đồng, khung cảnh nhộn nhịp như họp chợ. Tuy nhiên, hiện nay không còn cá như trước, người dân ít mặn mà với mùa nước nổi. Nhiều người trẻ chuyển sang nghề khác, có người rời quê đi làm ăn xa ở Bình Dương hay TPHCM.

Rời cánh đồng lũ ở huyện Tam Nông, chúng tôi chạy ngược lên khu vực biên giới giáp Campuchia ở xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự). Thời điểm này khắp cánh đồng trên địa bàn xã đang ngập sâu. Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 Phạm Hồng Cường cho biết, cùng với xã Thường Thới Hậu A, Thường Phước 1 là nơi đón lũ đầu tiên ở huyện Hồng Ngự từ Campuchia đổ về, xưa nay vốn được xem là nơi cá, tôm về sớm hơn các nơi khác.

Là nơi đầu nguồn sông Tiền, xã có diện tích canh tác nông nghiệp lớn để đón nước lũ tràn về, tuy nhiên, không như mọi năm, năm nay, chỉ loe ngoe vài ghe, xuồng giăng câu lưới trên đồng.

Gặp phóng viên, anh Nguyễn Văn Hiếu (xã Thường Phước 1) cho biết, mới đi đổ dớn từ cánh đồng gần giáp Campuchia về đến nhà. Với 4 cái dớn, anh Hiếu đi từ sáng đến trưa được hơn nửa ký cá. “Ở đây đầu nguồn mà còn không có cá huống chi sâu xuống miệt dưới. Bây giờ không còn như trước nữa, cá cạn kiệt rồi’ anh Hiếu buồn bã nói.

Choi voi mua nuoc noi: Dong Thap Muoi doi tom, ca-Hinh-2

Anh Nguyễn Văn Hiếu ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang vá dớn để chuẩn bị đặt. ẢNH: HÒA HỘI

Trắng đêm trên đồng lũ

Rời cánh đồng lũ ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), chúng tôi qua phà ngang sông Tiền sang cánh đồng lũ ở huyện An Phú (tỉnh An Giang). Từ xã Phú Hữu chạy qua xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Nhơn Hội, vòng ngược lại TP Châu Đốc, thị xã Tịnh Biên đều là địa bàn biên giới tiếp giáp Campuchia với đồng nước mênh mông mùa nước nổi. Phóng viên hỏi thăm người dân về nguồn lợi thủy sản mùa lũ, nhưng ai cũng lắc đầu với vẻ mặt buồn bã.

Lúc phóng viên đến, ông Võ Văn Tâm, 52 tuổi ở ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc đang loay hoay gỡ lưới cặp mé kênh. Ông Tâm nói giăng lưới suốt đêm đến sáng mới kiếm được hơn 2 kg cá. “Giờ kiếm cá chỉ đủ ăn chứ không nhiều như xưa đâu. Ở xứ này mấy chục năm gắn bó với nghề câu lưới nhưng chưa bao giờ thấy cá kiệt như hiện nay”, ông Tâm nói.

Trước đó, vào khoảng 4 giờ sáng, phóng viên có mặt tại “chợ âm phủ” ngay chân cầu Tha La, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc. Gọi là “chợ âm phủ”, bởi chợ họp lúc nửa đêm về sáng - là nơi buôn bán thuỷ sản mùa lũ. Trời tối om, cơn mưa to vừa ngớt chỉ còn vài giọt. Trên xuồng dưới mé kênh, những ánh đèn pin loang loáng từ những người tát nước vớt cá.

Choi voi mua nuoc noi: Dong Thap Muoi doi tom, ca-Hinh-3

Ông Võ Văn Tâm ở xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang đang gỡ lưới cặp mé kênh. ẢNH: HÒA HỘI

Trên bờ, bạn hàng gọi nhau í ơi để mua cá, tôm từ những người đánh bắt trên cánh đồng chở ra. Vừa tát nước bắt cá dưới xuồng, ông Mười Hiệp (ở thị xã Tịnh Biên) kể, vợ chồng ông đến chợ từ lúc 3 giờ, khi trời còn mưa tầm tã. Để có được khoảng chục ký cá mồi (cá bán làm thức ăn với giá 6.000 đồng/kg) vợ chồng ông ra đồng giăng lưới từ chiều tối hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau rồi chở ra chợ bán cho thương lái, sau đó mới quay về nhà.

Theo ông Hiệp, đã nhiều năm nay vợ chồng ông sống bằng nghề giăng lưới mỗi mùa nước lên, nhưng càng ngày, cá tôm càng khan hiếm. “Năm nay, mỗi ngày tôi chỉ kiếm được khoảng chục ký, hôm nào thất bát thì chỉ vài ba ký, không đủ sống”, ông Hiệp cho biết.

“Giờ kiếm cá chỉ đủ ăn chứ không nhiều như xưa đâu. Ở xứ này mấy chục năm gắn bó với nghề câu lưới nhưng chưa bao giờ thấy cá kiệt như hiện nay” Ông Võ Văn Tâm, 52 tuổi ở ấp Cây Trâm, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc

Không chỉ những người giăng câu, lưới, những người đi đặt lọp bắt cua, ốc mùa nước nổi cũng ít hơn so với trước đây. Chủ một vựa thu mua cua, ốc có tiếng ở vùng biên giáp Campuchia thuộc ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội (An Phú, An Giang) chia sẻ, những năm trước vựa thu mua mỗi ngày vài chục tấn, có khi lên tới cả trăm tấn, tuy nhiên những năm gần đây ít hơn.

Cánh đồng lũ trên địa bàn An Giang sản lượng khai thác được ít, vựa chủ yếu thu mua hàng từ Campuchia chở sang. Còn đối với những người thu mua bông súng - một sản vật trời cho khác của mùa nước nổi - cũng không dễ dàng. Ông Chau Cương (47 tuổi) ở huyện Tri Tôn hằng ngày cùng 2 con gái chạy vỏ lãi sang Campuchia thu mua bông súng rồi chở về thành phố Châu Đốc bán lại.

“Bây giờ làm ăn khó khăn lắm. Tôi cùng 2 đứa con gái đi lúc 3 - 4 giờ sáng sang Camuchia, vô sâu trong đồng thu mua bông súng của người dân rồi chạy mấy chục cây số trở về, bán lại cho vựa ở Châu Đốc. Mỗi ngày trừ chi phí kiếm vài trăm nghìn. Có hôm trúng, thu mua được nhiều kiếm trên 1 triệu. Tuy nhiên nếu tính trung bình cho mỗi người thì cũng chẳng được bao nhiêu”, ông Chau Cương nói. 

Theo Hoà Hội/Tiền Phong