Theo Người đưa tin, nhà sản xuất VFC cho biết rating (lượng người xem) bộ phim thuần Việt Về nhà đi con đang phát trên VTV1 đã tăng gấp 2,5 lần so với những tập đầu lên sóng.
Phim được đánh giá cao về nội dung nhưng lại bị khán giản than "trời" vì thời lượng mỗi tập phim quá ngắn, còn quảng cáo thì quá dài.
|
Bảng giá quảng cáo phim Về nhà đi con. Ảnh: Người đưa tin. |
Theo đơn giá quảng cáo trong khung giờ phát sóng phim Về nhà đi con được Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình đưa ra từ ngày 25/3 thì mỗi clip quảng cáo 10 giây có giá 37,5 triệu đồng, 15 giây 45 triệu, 20 giây hơn 56 triệu và 30 giây là 75 triệu.
Như vậy, có thể thấy doanh thu quảng cáo mà nhà đài thu được từ sức hấp dẫn của bộ phim
Về nhà đi con không hề nhỏ.
Tính trung bình, mỗi tập phim Về nhà đi con có 8 phút quảng cáo. Nếu thời lượng quảng cáo là 30 giây thì tổng thu của nhà đài sẽ vào khoảng 1,2 tỷ đồng.
Nếu như nhà đài bán 32 quảng cáo 15 giây, thì con số sẽ tăng lên thành 1,44 tỷ đồng. Với cách tính như thế, có thể thấy mỗi tập Về nhà đi con mang về cho nhà đài khoảng 1-1,5 tỷ đồng.
Cũng theo Người đưa tin, tính tới hiện tại, đơn vị chịu chi quảng cáo phim Về nhà đi con nhất là CTCP Sao Thái Dương với trung bình 3 quảng cáo 20 giây và 1 quảng cáo 15 giây. Như vậy, với mỗi tập phim Về nhà đi con, doanh nghiệp này phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng.
Ngoài ra, các thương hiệu khác như Vinamilk, Masan, Shopee, Unilever cũng không ngại chi 75 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trong thời điểm chiếu phim.
|
Nhờ sức hút của bộ phim mà nhà đài thu được doanh thu khổng lồ. Ảnh: VTV. |
Trước đó, rất nhiều phim Việt cũng lập kỷ lục về giá quảng cáo. Trung tuần tháng 7 năm ngoái, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình trực thuộc VTV có văn bản thông báo về việc điều chỉnh tăng đơn giá quảng cáo trong thời gian 21h30-22h30, thứ 4, thứ 5 hàng tuần trên VTV3, thuộc mã giờ C15.2 và C16.2.
Theo đó, trước phim Người phán xử, tức mã giờ C15.2, giá quảng cáo chưa giảm là 210 triệu/ block 30 giây. Còn trong thời gian phim phát sóng, tức mã giờ C16.2, giá là 220 triệu/ block 30 giây. Bảng giá này được áp dụng bắt đầu từ ngày 26/7.
Như vậy, với 10 phút dành cho quảng cáo trong khung giờ vàng phát sóng phim Người phán xử, VTV đã có thể thu hơn 4 tỷ đồng từ các nhãn hàng, doanh nghiệp muốn quảng cáo, giới thiệu sản phẩm (chưa kể những quảng cáo chạy banner).
Quỳnh búp bê cũng là bộ phim truyền hình phát trên VTV có giá quảng cáo tăng trong thời gian ngắn nhất. Được biết, trước thời điểm bộ phim lên sóng lần đầu tiên trên VTV1, "Quỳnh búp bê" chỉ áp dụng 1 đơn giá quảng cáo trong phim với mức cao nhất là 100 triệu đồng cho spot quảng cáo 30s.
Sau khi có thông tin phim được phát sóng trở lại trên VTV3 từ ngày 3/9, giá quảng cáo tăng từ 100 triệu đồng cho mỗi spot 30s lên 130 triệu đồng (spot 30s phát trước phim) và 140 triệu đồng (spot 30s phát trong phim).
Bắt đầu từ tập 15 của phim, giá quảng cáo áp dụng cho mỗi spot quảng cáo 30s tăng thêm 20 triệu đồng, lần lượt là 150 triệu đồng (spot 30s phát trước phim) và 160 triệu đồng (spot 30s phát trong phim). Trong khi đó, giá phát quảng cáo các phim trong cùng khung giờ này trước đó chỉ là 90 triệu đồng cho mỗi spot quảng cáo dài 30s.
Do đó, với khoảng 10 phút quảng cáo phát trong mỗi tập phim Quỳnh búp bê, VTV có thể thu về 3,2 tỉ đồng, chưa kể các khoản thu từ việc chạy banner quảng cáo trong quá trình chiếu phim.
Một bộ phim từng làm mưa làm gió sóng truyền hình quốc gia khác là Sống chung với mẹ chồng có giá 90 triệu đồng/10s, 108 triệu đồng/15s, 135 triệu đồng/20s và 180 triệu đồng/30s.
Hoàng Minh