Đình thần Tân Phong (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có 2 lăng mộ cổ ở 2 bên trái và phải đối diện tiền đình. Theo tục truyền đó là nơi an nghỉ của hai quan đại thần Thống chế và Tiền chi thời Chúa Nguyễn hay nhà Nguyễn. Cho đến nay, tuy có một vài nghiên cứu, tìm hiểu về 2 ngôi mộ cổ nhưng vẫn chưa xác định chính xác về danh tính của 2 vị quan này thuộc triều đại nào. Nhân vật được chôn trong mộ vẫn còn là một bí ẩn.
Hai ngôi mộ cổ nhiều tranh cãi
Nằm ở khu phố 1, phường Tân Phong, đình thần Tân Phong được người dân xem là chốn linh thiêng. Ngoài dịp lễ tết, việc làng, người ngoài ít được vào đình tham quan. Ở đây, tương truyền là nơi chôn cất, thờ cúng hai vị công thần giúp vua dẹp loạn mang lại bình yên cho dân chúng.
Trước đây, trong lúc di dời, người ta tìm thấy nhiều vật được cho là vàng và một chiếc mũ quan Thống chế hiện nay được trưng bày ở Bảo tàng lịch sử TP HCM.
Hai ngôi một được người dân kính cẩn gọi là lăng Ông anh và lăng Ông em. Ngày giỗ hai ông được người dân chọn là rằm tháng 11 (âm lịch) hằng năm. Việc tổ chức theo phong tục cổ truyền từ lễ phục đến nghi thức, có cả đoàn ca nhạc diễn tuồng xưa, tích cũ.
Theo một số cao niên, hai ngôi mộ cổ trong đình thần Tân Phong là của ông Lê Huỳnh (ông anh) và Lê Trác (ông em). Hai người được triều đình nhà Nguyễn (thời vua Minh Mạng) phái vào Biên Hòa dẹp loạn. Ông Lê Huỳnh được cử vào trước nhưng chưa xuất quân thì lâm bệnh mà mất. Ông Lê Trác xin triều đình vào thay anh. Ông Lê Trác xuất quân nhiều lần thắng trận.
Trong một lần ông đưa quân đi dẹp loạn thì gặp một người thưa rằng: “Tướng quân sẽ đánh thắng kẻ thù. Nhưng khi về, xin đi đường nhỏ, đừng đi đường lớn mà gặp nạn”. Ông không tin, trở về bằng đường lớn nên bị phục kích, giết chết.
|
Một buổi hành lễ trong ngày cúng giỗ rằm tháng 11 âm lịch. |
Mộ hai ông ở thôn Tân Phong, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Tân Phong, TP Biên Hòa). Để phân biệt hai ngôi mộ, người dân mới gọi là lăng Ông anh và lăng Ông em. Với uy danh và công lao mang lại cuộc sống bình yên, người dân thờ cúng hai ông như Thần hoàng ở đình Tân Phong.
Năm 1835, vua Minh Mạng năm thứ 5 đã có sắc phong thần cho ngôi đình đang thờ cúng hai ông nên có tên gọi là Đình thần Tân Phong. Sắc phong này cho đến nay vẫn được lưu giữ tại đình.
Tuy nhiên, sử sách nhà Nguyễn lại không tìm thấy nhân vật lịch sử nào có họ tên là Lê Huỳnh và Lê Trác như câu chuyện mà người dân truyền miệng lại. Người ta cho rằng, vì kỵ húy nên người dân không dám gọi tên thật của hai ông mà đặt theo một chiến tích, một sự kiện nào đó.
Một nghiên cứu khác lại cho rằng ngôi mộ và chiếc mũ Thống chế là của Lê Văn Lễ, quan án sát tỉnh Biên Hòa thời vua Minh Mạng. Theo đó, án sát Lê Văn Lễ không rõ năm sinh, chỉ biết mất vào năm 1833 do mang trọng bệnh.
Nghiên cứu này không nói đến ngôi mộ thứ hai là của ai, như thế nào. Tuy nhiên, nghiên cứu trên cũng bị bác bỏ vì chiếc mũ Thống chế là của quan võ hàm chánh nhị phẩm. Trong khi đó, án sát Lê Văn Lễ là quan văn bộ Hộ hàm chánh ngũ phẩm.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu xác định, thời vua Minh Mạng không có chức vụ Thống chế. Chức vụ này chỉ có từ thời chúa Nguyễn và đến thời vua Gia Long thì chấm dứt. Vì thế, chức vụ Thống chế không thể có vào thời Minh Mạng, trừ trường hợp được truy phong.
Một nghiên cứu khác được nhiều người chấp nhận hơn hết. Chức vụ Thống chế là người có công lao chế phục ngoại bang, tức phải đánh trận, ngoại giao. Còn chức vụ Tiền chi là người thuộc thế hệ tiền triều tức thuộc chúa Nguyễn trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi, xưng vương.
Ứng với đó là hai người Lê Văn Quế được phong làm Đô thống chế, là người từng bôn ba với Nguyễn Ánh sang tận Xiêm khi thua trận nhà Tây Sơn. Đô thống chế Lê Văn Quế chết do lâm bệnh, tuổi già, không có con.
Thời điểm Lê Văn Quế là Đô thống chế, có người em là Lê Văn Tú chức vụ phó Tiền chi (chưa rõ là chức vụ gì), sau được phong làm Tiền chi. Tuy nhiên, Tiền chi Lê Văn Tú được xác định chết trận ở Bình Định khi đánh nhau với nhà Tây Sơn.
Vì thế, cho đến nay, chưa có căn cứ xác định Thống chế là ai và Tiền chi là ai? Hai ngôi mộ trên vẫn còn là điều bí ẩn.
|
Lăng Ông anh và Ông em |
Điều bất ngờ khi khai quật
Trước đây, khi di dời Đình thần Tân Phong, người ta đã giữ nguyên vẹn những bức hoàng phi, câu đối hai bên đình. Phía lăng mộ Thống chế ghi: “Thống chế lãnh binh trung phù xã tắc. Hiển hách chiếu sơn hà. Uy linh an xã tắc. Thống binh dư tặc khấu. Chế phục ngoại bang hầu”.
Dịch nôm: “Quan đại thần Thống chế lãnh binh trung thành cứu giúp đất nước. Công trạng hiển hách của ngài rạng rỡ non sông. Uy linh của ngài làm an định đất nước. Thống binh dẹp dư đảng giặc. Ngài đã khuất phục được lân bang”.
Lăng mộ Tiền chi ghi: “Tiền chi binh bộ tận trung báo quốc. Thánh đức hộ nhân dân. Thần minh an lê thứ. Tiền triều công hộ quốc. Chi diệp định an bang”. Đại ý: “Quan đại thần Tiền chi binh bộ tận trung báo quốc. Thánh đức của ngài phù hộ nhân dân. Ngài là bậc thần minh ban sự an bình cho dân chúng. Thời tiền triều ngày đã lập công bảo vệ quốc gia, là bầy tôi có công an định nước nhà”.
Hai ngôi mộ cổ trước đây nằm ở vị trí khác, trong khu vực sân bay Biên Hòa bây giờ. Vào năm 1962, chế độ Sài Gòn muốn mở rộng sân bay nên quyết định khai quật di dời đến địa điểm hiện nay, cách nhau khoảng 3km. Dân chúng phản đối, nhưng cuối cùng vẫn không giữ được.
Trong trí nhớ của những người cao tuổi tại phường Tân Phong, lăng Ông anh và lăng Ông em xưa kia được xây dựng bề thế, có thành quách bao bọc xung quanh. Để phá bỏ lớp thành quách bên ngoài lăng trước khi tiến hành di dời hài cốt, đoàn khai quật đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy móc.
Sau nhiều tiếng đồng hồ làm việc, tới khoảng gần trưa thì đoàn khai quật đã tiến sát được tới quan tài tại lăng Ông anh và lăng Ông em. Tại lăng Ông anh trên bia mộ có ghi: “Nam Việt, Thiên vương Thống chế thần minh chính trực” – người dân thường gọi tắt là “Thiên vương Thống chế”.
Sau khi phá bỏ lớp quách bao bọc phần mộ, nắp quan tài được mở, những người khai quật đã không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến một bộ phẩm phục quan lớn với các chi tiết bằng vàng được đính trên chiếc mão còn nằm nguyên ở phần đầu. Giữa ngực là cân đai và thẻ bài, cùng nhiều châu ngọc khác nằm rải rác ở hai bên sườn thi thể.
Đáng chú ý nhất là chiếc mão Thống chế (mũ quan lại thời xưa) được chạm trổ bằng vàng ròng. Số vàng thu được được cho là nặng khoảng 2 lượng gồm 18 trang sức: kim bác sơn, hoa lớn, hoa nhỏ, hình sừng, kim khóa giản, kim nhiễu tuyến, giao long, khung cánh chuồn, nẹp viền khung cánh chuồn... với kỹ thuật chạm trổ hoa lá dây, hoa lá hóa long, hoa cúc gắn đính pha lê ở các tâm của đài hoa.
Ngoài những trang sức mang tính điển lệ trên mũ mão thời Nguyễn, có một trang sức dạng hình sừng được chạm trổ hoa lá tinh xảo, chưa từng thấy trên một số mão vàng tìm thấy trong một số lăng mộ của các quan đại thần thời Nguyễn ở Nam bộ. Vật trang sức này sau đó đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu suốt một thời gian dài khi đi tìm câu trả lời về định dạng hình thức, xác định chủ nhân và niên đại của mão.
Tại lăng Ông em trên bia có ghi Tiền chi, các nhà khai quật không tìm thấy di vật gì quý giá ngoại trừ quần áo tẩm và di cốt mủn.
Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, dù danh tính người chôn trong lăng Ông anh và Ông em vẫn chưa định rõ, nhưng với nhiều người dân địa phương vẫn tỏ ra thành kính. Ngày giỗ hai ông vẫn được chọn là rằm tháng 11 (âm lịch) đều đặn hằng năm.
Theo Bùi Yên/Pháp luật VN