Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tân - Chủ tịch UBND xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu cho biết, cổng làng được khánh thành từ giữa tháng 8/2017, do sự đóng góp của nhiều người, nhưng phần lớn là của một người con đi làm ăn ở miền Nam.
"Đây là đóng góp của một người con quê hương, sinh năm 198..., đang làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ quý, có người nói là gỗ chiêu liêu hoặc gỗ mun được chở từ miền Nam ra thi công. Tổng số tiền thi công xong cổng làng lên đến hơn 4 tỷ đồng'' - ông Tân chia sẻ
|
Cổng làng xã Diễn Hoàng được một doanh nhân thế hệ 8X đóng góp xây dựng quê hương. Ảnh: Quốc Huy |
Đến với cổng làng xã Diễn Hoàng, nhiều người không khỏi choáng ngợp với vẻ bề ngoài đồ sộ, uy nghi. Cổng làng cao 9m, rộng 9m được chia làm 3 lối đi (lối giữa là 6m).
Cổng làng còn gọi là cổng chào vào xã, được dựng làm khung gỗ kết hợp với đá trắng có điêu khắc. Các khối đá được dựng 2 bức bình phong bên trái và phải.
Theo ông Tân kể, ban đầu doanh nhân 8X chỉ ý định cho xóm Hạ Trung xây cổng xóm, sau đó bàn bạc, thống nhất đi đến quyết định đóng góp cho quê hương xây dựng thành cổng lớn cho toàn xã. Số gỗ để dựng lên cổng này khoảng 50m3 mun, chiêu liêu...
|
Đồng ngô xanh mướt trồng bên cổng làng đồ sộ, hoành tráng bậc nhất Nghệ An
|
Điểm nổi bật là 8 cột gỗ quý, trong đó 4 cột cao 7,5m và 4 cột cao 4,5m, đường kính mỗi cột 42cm, cùng 70m3 đá.
Các cột gỗ được dựng trên hai tảng đá trắng dài hơn 3m, cao 80cm. Phía trên cổng là mái được làm theo kiểu "cổng tam quan'', có ba tầng mái, được lợp bằng ngói chọn lựa kỹ càng.
''Từ khi có cổng xã xây dựng, người dân rất phấn khởi, tự hào, nhiều con em đi làm ăn xa gửi tiền về đóng góp xây dựng quê hương nhiều hơn. Tinh thần đoàn kết người dân trong nhiều xóm cũng tốt lên...'' - Chủ tịch xã Diễn Hoàng phấn khởi kể.
|
Cổng làng xã Diễn Hoàng là niềm tự hào của người dân
|
Xã Diễn Hoàng có khoảng 1.800 hộ dân với 7.500 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người 28 triệu đồng/năm. Cổng làng ở xã Diễn Hoàng được xây dựng hơn 4 tỷ đồng đang được coi là cổng làng giá trị nhất ở Nghệ An đến thời điểm hiện nay.
Tại huyện Quỳnh Lưu, cổng làng xã Quỳnh Đôi mới được xây dựng. Nguồn kinh phí 3 tỷ đồng xây cổng do con em địa phương đóng góp.
|
Cổng làng Quỳnh Đôi được xây dựng hết 3 tỷ đồng. Ảnh: Quốc Huy |
Theo lãnh đạo xã, tên gọi cổng làng nhưng thực chất là cổng xã. Bởi từ thời Khai Cơ 1378 có tên là làng Quỳnh Đôi, mà xã Quỳnh Đôi chỉ có một làng. Do đó, người dân gọi làng hay xã Quỳnh Đôi đều giống nhau.
Cổng làng Quỳnh Đôi được xây dựng dưới sự giúp công và của từ con em sinh sống, làm việc đóng góp. Ngày 12/1/2015 (âm lịch) công trình được khởi công và khánh thành sau 1 năm thi công.
Cổng làng có khuôn viên công trình là 3.000m2, điểm cao nhất của cổng là 14m, rộng 22m. Cổng có một cửa chính và 2 cửa phụ, vòm cửa chính cao 6,9m, rộng 7m, cột cổng rộng 4m...
|
Bước qua cổng làng là nơi có nhiều di tích lịch sử được người dân, dòng họ thờ phụng |
Hướng vào cổng có chữ Làng Quỳnh Đôi; hướng từ trong nhìn ra có chữ Khai Cơ 1378 (tức làng Quỳnh Đôi được lập năm 1378). Bên cạnh cổng làng có những cụm hoa cây cảnh trang trí với chiều dài 100m.
Thầy giáo Hồ Phi Dũng (SN 1969, cháu 7 đời của cụ Hồ Phi Tích) cho biết, cổng làng Quỳnh Đôi mang dáng dấp vừa cổ vừa kim. Bên cạnh cổng làng là nhà thờ cụ Hoàng Giáp Thượng thư Quỳnh quận công Hồ Phi Tích. Cụ là người có công với đất nước, quê hương. Nhà thờ và lăng mộ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
''Bên cạnh nhà thờ cụ Hồ Phi Tích là bia tưởng niệm bà chúa Thơ Nôm nổi tiếng nữ sỹ Hồ Xuân Hương được dịch ra 4 thứ tiếng. Sát bên cạnh là lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu là bậc tiền bối cách mạng. Tiếp bên cạnh là bia tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan'' - thầy Dũng chia sẻ với VietNamNet
Xã Quỳnh Đôi có 1.400 hộ với khoảng 5.000 nhân khẩu. Thu nhập bình quân người dân trên 30 triệu đồng/năm. Từ sau chiến tranh, xã có 6 người làm cấp tướng, hơn 60 cấp tá, 4 giáo sư và 16 giáo sư.
Theo Quốc Huy/Vietnamnet