|
Chợ đêm phố cổ Đồng Văn (Hà Giang). |
Từ khi có quyết định số 1129/QĐ-TTG ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam và quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, đã tạo luồng gió mới cho chợ đêm miền núi phát triển.
Nhiều tỉnh đã có các văn bản về hướng dẫn quản lý tổ chức chợ đêm, kinh tế đêm. Có tỉnh xây dựng các kế hoạch chi tiết, đồng loạt mở các dịch vụ chợ đêm. Tuy nhiên đến nay một số chợ đêm có duy trì phát triển trở thành điểm đến du lịch nhưng nhiều chợ đêm lại thoi thóp và ngừng hoạt động.
Vì sao có huyện phát triển mạnh chợ đêm thậm chí kết hợp với nhiều dịch vụ khác trở thành kinh tế đêm nhưng cũng có huyện duy trì được một thời gian không dài, chợ đêm như ngọn lửa đêm đông đã lụi tàn.
Điều kiện để chợ đêm phát triển
Cách ngày nay khoảng 10 năm, thành phố Điện Biên đã đầu tư quy hoạch xây dựng chợ đêm. Đây là mô hình chợ đêm đầu tiên ở Tây Bắc. Nhưng rất tiếc khoảng chưa đầy năm sau, chợ đêm vắng khách, các nhà quản lý đành đóng cửa mô hình này.
Vào thời kỳ trước chiến tranh biên giới năm 1979, chợ Kỳ Lừa (Lạng Sơn), chợ Cốc Lếu (Lào Cai) là những chợ đêm truyền thống tiêu biểu, có quy mô lớn vùng miền núi phía Bắc. Suốt đêm tiếng hát, tiếng sáo và những sinh hoạt ẩm thực, mua bán nhộn nhịp. Người Giáy ở Bát Xát, người Mông, người Dao ở Sa Pa, Bắc Hà đổ về chợ đầy sôi động cả đêm.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, chợ Sa Pa vẫn còn vẻ đẹp nguyên sơ của chợ truyền thống. Nam nữ thanh niên đến chợ để hát giao duyên, tìm người yêu. Vì vậy chợ có tên gọi là “Chợ Tình”. Chợ thực sự là nơi gặp mặt của tình yêu và hoạt động suốt đêm.
Có truyền thống như vậy, một số huyện và thành phố cho rằng chợ đêm rất cần thiết và cũng rất thuận lợi mở cửa ở địa phương. Nhưng rất tiếc chỉ một thời gian ngắn chợ đêm không còn hoặc cũng thoi thóp.
Vì sao có truyền thống chợ đêm từ trong lịch sử mà nay có chủ trương mở chợ, huy động rất nhiều ngành tham gia, thậm chí các đội văn nghệ các xã cũng được huy động luân phiên tổ chức phục vụ chợ. Nhưng dường như chợ đêm có quy luật khác, mặc tiếng đàn, tiếng sáo âm vang, mặc sự hào hứng quyết tâm của cán bộ cơ sở, chợ đêm chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Chợ vắng khách không có người đến hoạt động. Các đội văn nghệ biểu diễn nhưng không có nguồn thu, các nghệ nhân cũng bỏ việc. Vì sao có tình trạng như vậy?
|
Du khách hòa mình với chợ đêm ở Sa Pa. Nguồn: Báo Lào Cai. |
Chợ đêm truyền thống hoạt động chủ yếu nhờ sợi dây tình yêu, sợi nhớ, sợi thương của bè bạn người thân. Ở các thôn bản vùng cao vào thế kỷ trước, cuộc sống gần như biệt lập. Mọi người trong hộ gia đình bị đóng khung trong môi trường quen thuộc, không gian khép kín trong nhà và nương rẫy.
Hàng tuần chỉ có chợ phiên mới là không gian mở. Ở đây, không chỉ là nơi buôn bán trao đổi hàng hóa mà còn là môi trường kết thân, giao lưu tình cảm, nam nữ làm quen và nên vợ, nên chồng. Họ đến chợ mong được gặp người yêu, người thân.
Do đó buổi tối trước phiên chợ thực sự là ngày hội của tình yêu. Ở đây nam nữ thanh niên hát các điệu dân ca giao duyên, còn người già và trung niên lại gặp gỡ người quen, người cùng dòng họ bên mâm rượu với bát thắng cố, phở chua. Khảo sát ở các chợ ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào thế kỷ trước, người dân đến chợ có các nhu cầu giao tiếp, quen thân, nhu cầu tình yêu bên cạnh các nhu cầu trao đổi hàng hóa kinh tế.
Ngày nay kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc đã hội nhập và phát triển, bản làng không còn là môi trường khép kín. Hệ thống điện, internet đã về từng ngôi nhà, xóm nhỏ. Mỗi gia đình có bao nhiêu người đến tuổi trưởng thành thì đều có điện thoại thông minh. Họ mua bán, giải trí và tâm sự với người yêu cũng nhờ điện thoại. Do đó nhu cầu giao lưu tình cảm, tình yêu ở chợ đêm đã suy giảm. Hình thức trao đổi tình cảm chuyển từ ngôn ngữ trực tiếp sang ngôn ngữ ảo. Nam nữ thanh niên mượn Zalo, Facebook với các mạng xã hội nói hộ tấm lòng mình. Nhưng ở một số nơi vùng cao vẫn còn hồi quang của chợ đêm.
Động lực cho chợ đêm hoạt động bên cạnh nam nữ thanh niên, người thân theo kiểu truyền thống là các du khách, những người ở vùng xa. Do đó ở các huyện vùng cao tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La có điều kiện mở chợ đêm truyền thống gắn với phát triển du lịch. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng kết hợp giữa yếu tố truyền thống với yếu tố đổi mới nên chợ đêm ở Sa Pa và Bắc Hà phát triển rất mạnh. Ở đây vai trò của du khách trở thành yếu tố quyết định.
Chợ đêm mở ra bên cạnh yếu tố truyền thống đóng vai trò hỗ trợ, tiền đề còn chủ yếu là yếu tố du lịch. Trong đó du khách lưu trú tại địa bàn có chợ, đi mua bán ở chợ là lực lượng chủ lực, đóng vai trò quyết định cho tính hiệu quả của hoạt động chợ đêm.
Ở đâu có du khách lưu trú đông đảo, địa bàn đó trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách thăm quan và lưu trú thì nơi đó cũng trở thành điểm chợ đêm nổi tiếng, có điều kiện phát triển thành ngành kinh tế đêm của địa phương. Có những nơi có du khách đến thăm quan nhưng lại ít lưu trú ở lại địa bàn thì rất khó có điều kiện phát triển chợ đêm.
Ở Điện Biên khoảng 10 năm về trước, nếu không phải là năm chẵn kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì thành phố Điện Biên chỉ là nơi tạm thời dừng chân cho du khách, sau đó họ tỏa đi Sa Pa, hoặc đi đến Mộc Châu.
Lượng du khách lưu trú một đêm ở Điện Biên rất ít, vì vậy chủ trương mở chợ đêm, mở phố đi bộ của thành phố không khả thi, một thời gian sau chợ đêm phải đóng cửa. Tuy nhiên những năm gần đây, du khách lên Điện Biên tăng lên nhiều, nhất là khi Cảng hàng không phát triển mạnh trở thành Cảng hàng không quốc tế, số lượng lưu trú của Điện Biên tăng nhanh do đó các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, các hoạt động mua bán, ẩm thực ban đêm đã hồi sinh tạo thành các không gian sinh hoạt riêng.
Huyện Mường Khương của tỉnh Lào Cai huy động các đội văn nghệ trở thành lực lượng nòng cốt hoạt động chợ đêm. Đội văn nghệ các xã lần lượt theo phiên định kỳ phục vụ phiên chợ vào các buổi tối thứ bảy hàng tuần. Nhưng du khách đến huyện đó chưa nhiều, du khách chỉ đi vào ban ngày, buổi tối lại không lưu trú. Do vậy chợ đêm chỉ hình thành một thời gian sau đó các hoạt động lại trở về như trước.
Có thể thấy du khách lưu trú đêm là linh hồn của chợ đêm, là yếu tố quyết định thành bại đối với việc mở chợ đêm, phát triển kinh tế đêm. Tất nhiên bên cạnh yếu tố của du khách lưu trú, một vài yếu tố của chợ đêm truyền thống cũng góp một phần nhỏ tác động đến sinh hoạt của chợ đêm, nhưng đó chỉ là ánh hào quang của truyền thống le lói phản chiếu.
Các chợ truyền thống muốn phát triển thành ngành kinh tế đêm có nguồn thu lớn vẫn phải thu hút được nhiều du khách lưu trú đêm. Dù là ánh hào quang le lói nhưng các yếu tố truyền thống cũng có vai trò mở đường, kích thích hoặc tạo thương hiệu bước đầu cho chợ đêm.
Nhờ có hoạt động của chợ đêm (dù chưa thật hấp dẫn) vẫn là điểm nhấn, vẫn có sức hút nhất định đối với du khách. Tất nhiên đấy chỉ là tiền đề rất thuận lợi cho các huyện vùng cao còn nhiều yếu tố giao thương truyền thống. Song để điểm đến đó, để địa phương đó phát triển chợ đêm thành kinh tế ban đêm vẫn cần có những giải pháp thu hút được du khách lưu trú.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc xác định kinh tế đêm mang tính chất chủ lực, mũi nhọn, chính là hình thức chợ đêm du lịch. Trong nhận thức cần coi trọng chợ đêm du lịch ở các vùng có khách du lịch lưu trú và có truyền thống chợ đêm nhưng không nhất thiết tất cả các thành phố và các huyện đều đồng loạt mở chợ đêm. Vì hình thức nóng vội như vậy sẽ dẫn đến tình trạng chợ đêm chỉ thoi thóp hoặc hoạt động cầm chừng và phải đóng cửa.
|
Chợ đêm Sa Pa (Lào Cai) - nơi lý tưởng để khám phá văn hóa, ẩm thực người vùng cao. |
Cần “cú hích” cho chợ đêm phát triển
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hóa Du lịch năm 2021, chi tiêu của du khách cho dịch vụ mua sắm hàng hóa chỉ chiếm từ 3 - 5%. Đây là con số quá ít nếu so sánh với Thái Lan (có tới 30 - 50% chi cho mua sắm hàng hóa).
Lợi thế của chợ đêm du lịch, hiệu quả của kinh tế ban đêm với các đô thị và các trung tâm du lịch thì không phải bàn cãi. Nhưng làm thế nào để chợ đêm du lịch phát triển mạnh mẽ, phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là vấn đề cấp bách, quan trọng đòi hỏi có các giải pháp mang tính chất hệ thống tổng thể.
Thứ nhất, phải thay đổi nhận thức về chợ đêm du lịch và kinh tế đêm. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc xác định kinh tế đêm mang tính chất chủ lực, mũi nhọn, chính là hình thức chợ đêm du lịch. Trong nhận thức cần coi trọng chợ đêm du lịch ở các vùng có khách du lịch lưu trú và có truyền thống chợ đêm nhưng không nhất thiết tất cả các thành phố và các huyện đều đồng loạt mở chợ đêm. Vì hình thức nóng vội như vậy sẽ dẫn đến tình trạng chợ đêm chỉ thoi thóp hoặc hoạt động cầm chừng và phải đóng cửa.
Thứ hai, cần xây dựng các loại hình chợ đêm khác nhau ở vùng cao, tránh một kế hoạch mang tính chất đại trà, chung chung. Ở các điểm du lịch thu hút đông khách lưu trú vẫn xây dựng, quy hoạch mô hình chợ đêm mang tính chất tổng hợp, gắn liền với các loại hình kinh tế đêm khác. Ở đây có thể xây dựng chợ đêm thành hạt nhân, điểm cốt lõi nhưng bên cạnh còn kết hợp với không gian đi bộ, không gian tham quan các di tích, không gian nghệ thuật thể thao. Ví dụ ở Sa Pa, bên cạnh đổi mới hoạt động chợ đêm với những kịch bản hấp dẫn (như kịch bản chợ tình Sa Pa) hoặc các chương trình sinh hoạt trải nghiệm như đêm thổ cẩm, đón bình minh Fansipan, âm thanh tình yêu trong mây (giới thiệu các nhạc cụ tình yêu của người Mông, người Dao, người Giáy, người Xà Phó…).
Thậm chí kết nối với sinh hoạt chợ đêm với việc khám phá dấu vết lâu đài cổ, nhà thờ đá (có nghệ thuật ánh sáng kèm theo). Ở những vùng còn truyền thống chợ đêm cần mở rộng không gian chợ, xây dựng các không gian văn hóa nghệ thuật, trò chơi đêm và ẩm thực cộng đồng. Những vùng không có truyền thống chợ đêm, chưa có lượng du khách tập trung thì chưa nhất thiết phải mở chợ đêm. Nhiệm vụ trọng tâm của vùng này là quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch, xây dựng hạ tầng cơ sở để nhằm thu hút du khách lưu trú.
Thứ ba, cần quy hoạch xây dựng các hạ tầng kỹ thuật vào ban đêm cho các khu phố đêm, chợ đêm… Rút kinh nghiệm một số chợ nông thôn mới vì quá chạy theo mục đích doanh thu, tăng cường thuê ki-ốt nên không có các không gian công cộng, không gian văn hóa, không gian bán hàng ngoài trời… Do đó quy hoạch chợ đêm cần chú ý các không gian công cộng (từ bãi đỗ xe đến điểm để xe máy, buộc ngựa, nơi bán gia súc, gia cầm… cũng như các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nơi trình diễn nghề thủ công, nơi buôn bán đại gia súc…).
Thứ tư, sức hút của chợ đêm đối với du khách cần đề cao, các loại hàng đặc sản, hàng OCOP, hàng mang dấu ấn văn hóa dân tộc như các sản phẩm đồ đan, sản xuất và giới thiệu nhạc cụ các dân tộc, ẩm thực đặc trưng theo mùa, các hoa quả nông thổ sản, giàu tính bản địa… Do đó cần có giải pháp quy hoạch, xây dựng các làng nghề, làng có nghề, đội ngũ nghệ nhân, chính sách bảo tồn hoặc phát huy di sản văn hóa…
Thứ năm, xây dựng thí điểm một số cơ chế chính sách phù hợp như chính sách hỗ trợ một phần (thời kỳ đầu) cho các đội văn nghệ, chính sách tập huấn cho các hộ gia đình tham gia địa phương. Chính sách giảm thuế, hoặc miễn thuế (thời kỳ đầu) trong không gian chợ đêm, chính sách khuyến khích quảng bá xây dựng thương hiệu, áp dụng số hóa trong xây dựng sản phẩm.
Ở các điểm có điểm du khách lớn như ở Sa Pa cần xây dựng chính sách hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các sản phẩm công nghệ ánh sáng như các kịch bản khám phá biệt thự hoa trong đêm, vẻ đẹp của lâu đài cổ, lung linh huyền ảo nhà thờ đá, chùa trên núi…
Thứ sáu, ở các thành phố và một số huyện có cửa khẩu, cần phối hợp với Trung Quốc hoạt động xây dựng một số chính sách khuyến khích việc giao thương ban đêm. Hai bên cùng thống nhất kéo dài thời gian mở cửa khẩu, thông quan, xây dựng “một điểm đến hai cửa khẩu, hai quốc gia".
Như vậy, ở các tỉnh vùng cao biên giới đều có nhiều điều kiện thuận lợi, phát triển kinh tế đêm, phát triển chợ đêm. Điều quan trọng là phải chuyển biến về mặt nhận thức, đổi mới các cơ chế chính sách, hình thức, tổ chức chợ đêm thành hạt nhân ngành kinh tế đêm. Đặc biệt ở nơi có cửa khẩu cần phối hợp với đối tác mở cửa thông thương vào ban đêm nhằm tạo điều kiện thăm quan mua bán vào buổi tối đến 22 giờ. Hy vọng xác định chợ đêm là mũi nhọn sẽ tạo một luồng gió mới cho phát triển, trở thành nền kinh tế đêm ở các tỉnh miền núi biên giới.
Có khá nhiều định nghĩa về kinh tế ban đêm nhưng phổ biến nhất là chỉ tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18h hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm…
Theo TS Trần Hữu Sơn/Đại đoàn kết