Chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay nhìn từ khía cạnh tích tụ, tập trung ruộng đất

Google News

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp,

Chinh sach, phap luat ve dat nong nghiep o nuoc ta hien nay nhin tu khia canh tich tu, tap trung ruong dat
 
Khắc phục tình trạng đầu cơ đất. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai” . Điều này cho thấy tích tụ, tập trung ruộng đất là một trong những vấn đề cơ bản mà nước ta phải thực hiện thành công trong giai đoạn 2021 - 2026 để đạt được mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp. Muốn vậy cần có sự phân tích, đánh giá có hệ thống, toàn diện về chính sách, pháp luật đất đai nói chung và chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp nói riêng nhằm nhận diện những bất cập, tồn tại là nguyên nhân của thực trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún để đưa ra sáng kiến lập pháp khắc phục, đặt trong bối cảnh Quốc hội và các cơ quan hữu quan đang rà soát, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một bài viết chúng tôi chỉ đề cập một vài khía cạnh đánh giá, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay nhìn từ tích tụ, tập trung ruộng đất.
1. Thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và nguyên nhân tham chiếu từ góc độ chính sách, pháp luật đất đai
1.1. Thực trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún
Theo thống kê năm 2013, tổng diện tích đất nông nghiệp của nước ta là 262.805 km2 (chiếm tới 79,4%) bao gồm đất sản xuất nông nghiệp là 101.511 km2, đất lâm nghiệp là 153.731 km2, đất nuôi trồng thuỷ sản là 7.120 km2. Việt Nam có 8 vùng đất nông nghiệp gồm: Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc bộ, Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mỗi vùng đều có đặc trưng cây trồng rất đa dạng. Trong đó, ĐBSCL chủ yếu là lúa; Tây Nguyên là cà phê, rau, hoa, trà; miền Đông Nam bộ là cao su, mía, bắp, điều… Đất nông nghiệp hiện được chia thành 4 loại: Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm (không bao gồm cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm trồng xen, trồng kết hợp), đất đồng cỏ dùng vào chăn nuôi, đất có mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp gồm các loại ao, hồ, sông cụt ... để nuôi trồng các loại thuỷ sản (không tính hồ, kênh, mương, máng thuỷ lợi). Đất nông nghiệp ở nước ta phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ trọng đất nông nghiệp trong tổng diện tích đất tự nhiên lớn nhất cả nước, chiếm 67,1% diện tích toàn vùng và vùng đất nông nghiệp. Ít nhất là vùng Duyên hải miền Trung. Đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đất tại các vùng nên độ phì và độ màu mỡ của đất nông nghiệp giữa các vùng cũng khác nhau. Đồng bằng Sông Hồng với Đồng bằng Sông Cửu Long, đất đai ở hai vùng này được bồi tụ phù sa thường xuyên nên rất màu mỡ, mỗi năm đất phù sa bồi tụ ở Đồng bằng Sông Cửu Long thêm 80m. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ phần lớn là đất bazan.
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ phân mảnh đất đai cao nhất so với khu vực và thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người trên thế giới là 0,52ha, trong khu vực là 0,36ha thì ở Việt Nam là 0,25ha. Sau mỗi chu kỳ hai chục năm, tình trạng phân mảnh tăng gấp đôi. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai được sử dụng làm ranh giới, bờ bao. Con số này không dưới 4% diện tích canh tác. Quỹ đất nông nghiệp tiếp tục suy giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), bình quân mỗi năm đất nông nghiệp giảm gần 100 nghìn hécta, đặc biệt năm 2007 giảm 120 nghìn hécta, trong khi mỗi năm số lao động bước ra khỏi ruộng đồng chỉ vào khoảng 400 ngàn người. Hơn nữa, mức gia tăng dân số ở nông thôn không giảm nhiều như mong đợi, khiến cho bình quân đất canh tác trên đầu người ngày càng giảm mạnh . Như vậy, phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ trong những năm qua đang làm cho đất đai bị khai thác cạn kiệt, chi phí sản xuất cao, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. “Đồng ruộng manh mún, ứng dụng khoa học - công nghệ còn chưa mạnh, sản phẩm chất lượng chưa đồng đều nên chi phí còn cao, giá bán còn thấp. Theo khảo sát của Cục Trồng trọt (2019), lợi nhuận từ trồng lúa cho một mùa vụ (bình quân hơn 3 tháng) chỉ 7,5 triệu đồng/ha ở đồng bằng sông Hồng, 11,9 triệu đồng/ha ở đồng bằng sông Cửu Long. Công tác chế biến sâu còn hạn chế nên chưa tạo giá trị gia tăng cao. Xuất khẩu nhiều nhưng tỷ lệ sơ chế còn cao, chủ yếu nắm giữ ở các phân khúc mang giá trị thấp, chưa có nhiều thương hiệu mang tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn, nhất là với các thị trường cho giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường chưa ổn định, nhất là thị trường xuất khẩu do hiện nay vẫn phụ thuộc vào một vài thị trường chính hoặc xuất khẩu tiểu ngạch bấp bênh, rủi ro cao” . Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng quy mô lớn và hiện đại đang thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Nhờ đó, các hình thức mang tính thương mại như chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất được xem là những giao dịch mở đầu cho việc phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta.
1.2. Nguyên nhân của thực trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún, phân tán tham chiếu từ góc độ chính sách, pháp luật đất đai
Thực trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún hiện nay (đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh thuộc khu IV cũ) có nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật đất đai; cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp (sau đây gọi là Nghị định số 64/CP) quy định một trong các nguyên tắc của việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp là : “Trên cơ sở hiện trạng, bảo đảm đoàn kết, ổn định nông thôn, thúc đẩy sản xuất phát triển; thực hiện chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất” . Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tránh sự xáo trộn quá lớn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và duy trì sự ổn định đoàn kết ở khu vực nông thôn; bởi lẽ, đất đai ở nước ta là vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị, kinh tế, xã hội. Quán triệt nguyên tắc này, các địa phương thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo phương châm bình quân, giao đất nông nghiệp “có gần, có xa, có tốt, có xấu”. Có nghĩa là các loại đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân đều nhau tính theo định mức/nhân khẩu nông nghiệp tại thời điểm giao đất. Ở thời điểm đó, giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc này là hợp lý không gây ra xáo trộn quá lớn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp và duy trì được sự đoàn kết ổn định ở nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay do tính chất, trình độ phát triển của sản xuất nông nghiệp nước ta đã phát triển mạnh mẽ, từng bước tiếp cận với nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa thì tình trạng sử dụng đất nông nghiệp manh mún (hậu quả của việc thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27/09/1993) theo từng hộ gia đình, cá nhân (trung bình mỗi hộ gia đình ở Đồng bằng sông Hồng có từ 5 - 7 mảnh đất nằm ở các xứ đồng khác nhau) là rào cản cho việc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn khiến năng suất lao động nông nghiệp không được cải thiện.
Thứ hai, các đạo Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đều nhất quán quan điểm “bảo đảm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối có đất sản xuất”. Điều này là dễ hiểu bởi nước ta là một nước nông nghiệp có khoảng 56 triệu người dân sống ở khu vực nông dân. Quan điểm này được thể hiện trong Luật Đất đai năm 2013 với một số quy định tiêu biểu sau:
Một là, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
Hai là, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ba là, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Bốn là, hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó .
Tuy nhiên, quy định này cũng là rào cản cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, gây khó khăn cho hàng hóa nông sản của nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do không áp dụng được máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp; bởi lẽ, các doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng không tiếp cận được đất nông nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng, thuê và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp … Vì vậy, doanh nghiệp khó có điều kiện đầu tư vốn, công nghệ hiện đại để hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Xét trong mối quan hệ tương quan với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì họ bị hạn chế về năng lực tài chính, tư duy, tầm nhìn của người sản xuất tiểu nông … sẽ khó thay đổi được phương thức canh tác hiện đại thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp “cất cánh”, tăng trưởng ngoạn mục.. Hiện nay, giá cả hàng hóa nông sản Việt không cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là năng suất lao động thấp “Mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. “Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào", Tổng cục Thống kê cho hay. Đặc biệt, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Cụ thể, Tổng cục Thống kê dẫn nghiên cứu của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD” hay “Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% của Singapore. Như vậy, mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại. Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia, 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia” . Hơn nữa, tình trạng sử dụng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ là những rào cản cho việc áp dụng máy móc hiện đại, khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sản xuất sạch trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến nông sản Việt không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và có giả cả cao hơn các sản phẩm cùng loại của khu vực và thế giới.
Thứ ba, Luật Đất đai năm 2013 mới quy định về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà chưa có đầy đủ những nội dung cụ thể, chi tiết về góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với doanh nghiệp; đặc biệt là vấn đề xử lý quyền sử dụng đất được góp vốn khi doanh nghiệp giải thể, phá sản; quy định về tỷ lệ chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ vốn góp … Điều này khiến người nông dân không yên tâm giao đất nông nghiệp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Vì vậy, trên thực tế tồn tại không ít nghịch cảnh, doanh nghiệp, nhà đầu tư không có đất, thiếu đất để triển khai thực hiện các dự án đầu tư về nông nghiệp; trong khi đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không sử dụng, bỏ hoang do giá thành nông sản không đủ bù đắp chi phí sản xuất hay không tìm được thị trường đầu ra của nông sản hàng hóa v.v.
2. Rào cản trong tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp
Theo nghiên cứu của PGS.TS. Vũ Thị Minh & ThS. Lưu Đức Khải, kết quả điều tra doanh nghiệp, trong năm 2014 cho thấy hầu hết doanh nghiệp (78,5%) cho rằng doanh nghiệp duy trì quy mô sản xuất như bình thường, 15,2% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Số còn lại giảm quy mô sản xuất, tạm dừng hoặc đóng cửa, giải thể. Điều này cho thấy doanh nghiệp nông nghiệp đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, rào cản trong kinh doanh; cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp cho biết có nhiều lý do dẫn đến việc phải giảm sản xuất, tạm dừng hoặc đóng cửa như không vay được vốn (40%), không tìm được thị trường đầu ra (40%), giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao (29,4%); không tuyển được lao động theo yêu cầu (20%), môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định (20%) và muốn chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác (7,7%) … Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt là khó khăn về tiếp cận đất đai hầu như chưa được cải thiện mặc dù đã có nhiều chính sách liên quan được ban hành. Có tới 63% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai trong khi tình hình không mấy được cải thiện. Điều này cho thấy tiếp cận đất đai đang là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp nông nghiệp .
Thứ hai, theo đánh giá của doanh nghiệp nông nghiệp thì hầu như không có sự tiến bộ đáng kể nào trong tiếp cận đất đai. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tốt lên” hầu như không thay đổi và duy trì ở mức khoảng 10%; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “kém đi” lại tăng từ 6,3% lên 7,8%. Khoảng 50% doanh nghiệp đánh giá dịch vụ đất đai “không có thay đổi gì” và có trên 1/3 số doanh nghiệp “không biết” về dịch vụ đất đai . Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải “tự bơi” khi muốn muốn mở rộng mặt bằng cho sản xuất - kinh doanh; Vì ngoài vấn đề vốn, sức lao động và khoa học công nghệ thì mặt bằng cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Đây thực sự là điểm nghẽn trong hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp.
Thứ ba, hiện nay, hầu hết diện tích đất nông nghiệp được giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài nên còn không nhiều quỹ đất này mà nhà nước đang quản lý để cho doanh nghiệp thuê sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Với quy mô bình quân đất đai nhỏ và manh mún như hiện nay (bình quân khoảng 4.280 m2/hộ) thì doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng với hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ gia đình nông dân mới có đủ đất để triển khai thực hiện dự án nông nghiệp. Trong trường hợp này, việc thỏa thuận, thương lượng, bồi thường rất khó khăn, phức tạp, kéo dài do không ít hộ gia đình đưa ra mức tiền bồi thường quá cao. Muốn tiếp cận được đất đai, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Để tháo gỡ khó khăn này, một số địa phương như Hà Nam, Thái Bình …, Ủy ban nhân dân xã đứng ra thỏa thuận với các hộ gia đình về việc chuyển đổi đất nông nghiệp, sau đó ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, hành vi này là không đúng với các quy định của Luật Đất đai năm 2013 .
Thứ tư, trong kinh doanh nói chung và kinh doanh về nông nghiệp nói riêng, muốn phát triển thì doanh nghiệp phải đầu tư thương mại hóa và hiện đại hóa sản xuất từ việc xác định nhu cầu thị trường để hoạch định sản phẩm đến đầu tư khoa học, công nghệ tiến tiến, hiện đại vào sản xuất v.v. Do đó, chủ động sản xuất trên cơ sở tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn là điều kiện cần thiết. Việc pháp luật đất đai hiện hành không cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp hạn chế việc tập trung đất đai. Trong khi đó, trên thực tế việc chuyển đổi, tập trung ruộng đất dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn đã và đang thực hiện tại một số địa phương nhưng còn ở quy mô nhỏ và chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân; việc phá vỡ hợp đồng vẫn còn xảy ra.
Thứ năm, Luật Đất đai năm 2013 được sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng quyền tiếp cận đất đai của doanh nghiệp phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Các đối tượng bị Nhà nước thu hồi đất để giao, cho thuê đất bị thu hẹp lại; theo đó, nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định cụ thể tại Điều 62. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực đất đai có hạn và khó tập trung như hiện nay thì chỉ những dự án nông nghiệp công nghệ cao mới được ưu tiên tiếp cận nguồn đất sạch. Như vậy, các doanh nghiệp bị sàng lọc và phải cạnh tranh với nhau để có được nguồn đất sạch cho kinh doanh.
Thứ sáu, các quy định về ưu đãi đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được ban hành song nguồn lực thực hiện hạn chế nên ít doanh nghiệp tận dụng được cơ hội. Để có đất sử dụng cho kinh doanh, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc liên kết với hộ gia đình nông dân theo phương thức doanh nghiệp đầu tư và hộ gia đình nông dân góp đất. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên trong mô hình liên kết sản xuất này; đặc biệt là việc giải tỏa tâm lý giữ đất nhằm đảm bảo sinh kế khi bất trắc xảy ra của người nông dân cũng như việc tuân thủ hợp đồng để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh trên đất liên kết đó.
3. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai góp phần khắc phục tình trạng manh mún về đất nông nghiệp
Thứ nhất, cần giải thích một cách chính thức khái niệm tích tụ, tập trung đất nông nghiệp nhằm khắc phục những cách hiểu khác nhau, hạn chế sai lệch không cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện. Bổ sung quy định về khái niệm tích tụ, tập trung đất nông nghiệp tại Điều 3. Giải thích thuật ngữ của Luật Đất đai năm 2013 hoặc ban hành một nghị định về tập trung đất nông nghiệp trong đó quy định giải thích cụ thể về khái niệm tích tụ đất nông nghiệp; khái niệm tập trung đất nông nghiệp.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng không nên quy định về hạn mức giao đất, cho thuê đất nông nghiệp mà thay thế bằng việc bổ sung quy định chính sách thuế để điều chỉnh quy mô sử dụng đất nông nghiệp.
Thứ ba, bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp bằng việc bổ sung quy định giao, cho thuê đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài như đối với đất phi nông nghiệp trong Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, Nhà nước cần bổ sung quy định các trường hợp cụ thể thu hồi đất nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Điều 191 của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa có điều kiện như phải có kế hoạch sử dụng đất, phải đảm bảo mục đích sử dụng đất, phải đảm bảo quy trình sản xuất nông nghiệp, phải có trụ sở hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gần vùng sản xuất nông nghiệp. “Điều chỉnh lại chính sách về đất đai theo hướng tạo điều kiện để phát triển thị trường quyền sử dụng đất. Gỡ bỏ tối đa các rào cản cho việc tham gia và rút khỏi thị trường, làm cho thị trường vận hành thông suốt và minh bạch, Khuyến khích phát triển thị trường cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp” .
Thứ năm, cần phải tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai theo hướng: i) “Pháp luật hóa” việc công nhận quyền sử dụng đất là tài sản. “Hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm quyền sử dụng đất nông nghiệp là quyền tài sản được phép chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai một cách minh bạch thuận lợi; quy định rõ một số loại đất chưa có đủ các điều kiện để trở thành hàng hóa quyền sử dụng đất như đất giao không thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp với nhu cầu thực tế” ; ii) Quy định cụ thể, đầy đủ và đồng bộ việc điều tiết phần lớn địa tô chênh lệc được tạo ra khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp vào ngân sách nhà nước: iii) Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của thị trường quyền sử dụng đất …
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật có liên quan theo hướng tiếp tục mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; giao đất nông nghiệp theo hướng ổn định, lâu dài để tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiệu quả, bền vững. Quản lý, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, quỹ đất lúa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống của người trồng lúa, người trồng rừng. Hoàn thiện chính sách tài chính, thuế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả, không đưa đất vào sử dụng, bỏ hoang đất nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng hoang hóa ruộng đất mà không cho thuê, không chuyển nhượng cần sửa Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp; sau năm 2025 cần bỏ việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp v.v.
Danh mục tài liệu tham khảo
I. Văn kiện của Đảng
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
II. Văn bản pháp luật
2. Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp
3. Luật Đất đai năm 2013
III. Bài viết tham khảo
4. Bạch Dương (2017), Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động người Việt Nam thua Lào, bằng 7% Singapore, Nguồn: Báo điện tử Vn. Economy, ngày 27/12 17:09
5. Lê Minh Hoan (2022), “Tam nông” trong cấu trúc kinh tế - xã hội chuyển đổi thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Chuyên đề “Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, Tạp chí Cộng sản - số 4.
6. Bạch Huệ (2016), 23 người Việt có năng suất lao động bằng 1 người Singapore, Nguồn: Báo điện tử Vn. Economy, ngày 29/12 15:07.
7. Vũ Thị Minh & Lưu Đức Khải (2017), Báo cáo tham luận về vướng mắc trong tiếp cận đất của doanh nghiệp tại Tọa đàm Chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn do Ban Kinh tế Trung ương - Vụ Nông nghiệp, nông thôn và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 10/01/2017 tại Hà Nội.
8. Cao Đức Phát (2022), Phát triển nông nghiệp sinh thái hướng tới giá trị và bảo đảm phát triển bền vững, Chuyên đề “Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, Tạp chí Cộng sản - số 4.
9. Huy Thông (2015), Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam còn thấp, Nguồn: Trang Thông tin điện tử của Hội Nông dân Việt Nam - Môi trường nông thôn, ngày 14:00 - 25/08.
10. Nguyễn Văn Tiến (2022), Tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp: Những vướng mắc và giảipháp, Chuyên đề “Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, Tạp chí Cộng sản - số 4.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội