Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6%-6,5%

Google News

Chính phủ xác định mục tiêu thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong năm 2022, tận dụng cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
 

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội (QH) khóa XV hôm 20-10 (theo hình thức trực tuyến), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo QH kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Vượt khó để kiểm soát dịch bệnh
Theo Thủ tướng Chính phủ, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở.
"Hầu hết các vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc, vắc-xin trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu trong điều kiện nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu" - Thủ tướng nói và cho biết đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương.
Nhìn nhận về tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra công tác phòng chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Sự thiếu nhất quán trong triển khai biện pháp phòng chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.
Chinh phu dat muc tieu GDP nam 2022 tang 6%-6,5%
Toàn cảnh phiên họp khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV Ảnh: NGUYỄN NAM 
Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vắc-xin so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vắc-xin chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp; năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở, còn nhiều hạn chế dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao ở giai đoạn đầu.
"Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ lên tới hàng chục triệu" - Thủ tướng nêu rõ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày cũng nêu rõ một số chính sách ban hành, thực hiện chưa tương xứng với tính chất phức tạp và quy mô tác động lớn của dịch. Việc tiếp cận chính sách còn khó khăn, tỉ lệ giải ngân một số gói hỗ trợ đạt thấp, chưa kịp thời với một số đối tượng. Các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ từ năm 2020 tới nay ước đạt khoảng 4% GDP. Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển và công tác phối hợp, tổ chức thực thi tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ. Điều này vừa không bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch vừa phát sinh thủ tục hành chính, gây cản trở cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, gia tăng chi phí không cần thiết.
Không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế
Báo cáo trước QH, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% nhưng quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch thứ tư. Tính chung 9 tháng GDP tăng 1,42%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.
Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH bằng các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Chính phủ đặt ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực KT-XH, môi trường, trong đó tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6%-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề ra 12 giải pháp, trước hết là triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022.
Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; định hướng lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là phương thức hợp tác đối tác công tư. Các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm sẽ được đẩy nhanh tiến độ xây dựng như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đồng tình với mục tiêu tổng quát nêu trên của Chính phủ. Về các chỉ tiêu chủ yếu, bên cạnh đặt mục tiêu cao để phấn đấu, cơ quan thẩm tra cho rằng Chính phủ cần cân nhắc tính khả thi khi thực hiện như chỉ tiêu GDP tăng 6%-6,5%; giải trình rõ ràng, thuyết phục hơn về tỉ lệ bội chi, cân đối xuất nhập khẩu. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm vắc-xin, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành, bổ sung các chính sách bảo đảm khả thi, đơn giản hóa thủ tục.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 khó có thể kiểm soát và chấm dứt được hoàn toàn, ông Thanh cho rằng cần nhận thức đúng đắn hơn về phòng chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp trong tình hình mới. "Không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không được để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới" - ông Thanh nhấn mạnh tại phiên họp.
Hôm nay (21/10), QH thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022. Báo cáo về công tác phòng chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024 (trong đó có nội dung lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Cùng ngày, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết cơ quan thẩm tra lưu ý Chính phủ cần đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, tác động thực tế, tính lan tỏa. Bên cạnh đó, cần làm rõ tổng nguồn lực đã chi và kết quả sử dụng NSNN trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch.

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến/Người lao động