Đáng nói, hiện tượng này diễn ra phổ biến trong thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để.
Chiêu trò cũ - địa điểm mới!
Những ngày cuối tháng 10, bà L.T.H (78 tuổi, trú tại đường Nguyễn Văn Nhơn, quận Gò Vấp, TPHCM), đứng ngồi không yên khi đã bị dụ bỏ cả tháng lương hưu để mua một số sản phẩm liên quan tới hồng sâm. Theo bà H, khi tham gia tập dưỡng sinh gần nhà, bà được một người phát cho giấy mời tới dự hội nghị khách hàng dành cho phụ nữ của đơn vị mang tên Công ty TNHH Dược phẩm Kiều Ngân, địa điểm tổ chức tại Trung tâm tiệc cưới T.U (đường Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM).
Nội dung chương trình trong giấy mời ghi là “tặng quà và game show vui nhộn nhận các phần quà giá trị”. Trong giấy mời cũng thông báo mỗi khách tham dự chương trình được tặng 2 chai dầu ăn hảo hạng.
8h sáng ngày 14.10, bà H cùng nhiều người trong khu phố tìm tới địa điểm này và được ban tổ chức “cấp” cho một thẻ ra vào. Đặc biệt, đơn vị tổ chức chỉ mời phụ nữ lớn tuổi tham gia, đàn ông hay phụ nữ trẻ không được vào trong hội nghị. Ngoài ra, những người tham dự cũng không được phép quay phim, chụp ảnh.
Theo bà H, ngày đầu tiên, công ty không bán hàng mà chỉ giới thiệu sản phẩm. Từ buổi thứ 2, các sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc bắt đầu được bán rầm rộ. Bất kỳ ai đến tham dự hội thảo, khi ra về đều nhận được quà. “Buổi thì chai dầu, buổi thì gói chè. Họ chia sẻ rất nhiều về các triệu chứng bệnh mà chúng tôi thường mắc phải cùng công dụng đặc biệt của hồng sâm. Họ cũng nói sẽ tổ chức cả tháng, thuê địa điểm nhà hàng sang trọng rồi mời cả giám đốc bên Hàn Quốc về nên chúng tôi đều tin tưởng” - bà H chia sẻ.
Trong khi đó, bà N.T.T (69 tuổi) - hàng xóm của bà H cũng dành dụm số tiền 3,6 triệu đồng tích góp lâu nay để mua sản phẩm hồng sâm. Bà T cho biết, để khuyến khích người mua, công ty vừa bán vừa có quà tặng kèm theo như mua 1 hộp linh chi có giá 3 triệu đồng sẽ được tặng một hộp sâm hươu. Hoặc mua hàng lần đầu sẽ được khuyến mãi 100%, ví như mua một 1 linh chi giá 3 triệu lần đầu thì sẽ được trả lại 3 triệu.
Chỉ đến khi người mua tin tưởng, mất cảnh giác, công ty sẽ bán lấy tiền với giá thành “cắt cổ” như 1 củ sâm có giá 3 triệu đồng, 2 hộp hồng sâm 5 gói nhỏ có giá 600 nghìn đồng.
|
Người tham gia của các “hội nghị bán hàng” chỉ là phụ nữ lớn tuổi. Ảnh: PV |
Theo bà T, hội thảo trong 2 ngày có cả trăm người dự và có ít nhất khoảng 80 người mua sản phẩm hồng sâm với giá trị đều ở mức khoảng gần 4 triệu đồng/người. “Tôi có chút tiền tích góp được còn đỡ, có người còn đi vay mượn nhau vì cứ nghĩ mua hàng là sẽ được tặng quà, mất đi đâu mà thiệt. Bây giờ, nhiều người cho vay tiền cũng chẳng đòi được”, bà T chia sẻ.
Đến và đi như “cơn gió”
Bà Nguyễn Thị Đậm ở Gò Vấp cũng là một nạn nhân của chiêu trò lừa bán hồng sâm. Hai ngày cuối tháng 10 vừa qua, bà cũng tham dự chương trình hội nghị khách hàng tại một trung tâm tiệc cưới trên đường Phạm Văn Hai, Phường 3, Tân Bình, TPHCM. Bỏ gần 4 triệu để mua các sản phẩm được quảng cáo là sâm Hàn Quốc, tuy nhiên, khi mang sản phẩm về nhà, bà Đậm cảm thấy đầy hoang mang.
Bởi sản phẩm hồng sâm bà mua được toàn chữ nước ngoài, bà Đậm hoàn toàn không biết cách dùng, hay liều lượng sử dụng. Bà Đậm tâm sự: “Tôi bị ung thư vú mấy năm nay. Hôm trước, có người mời dự chương trình này được tặng quà nên tôi đến dự. Thấy người ta nói hồng sâm công dụng chữa bệnh tốt với được khuyến mãi nên mình mới mua. Cứ nghĩ họ sẽ trả lại tiền như đã hứa mà chẳng thấy đâu. 3,8 triệu đồng mua sâm là con gái đưa tôi trả tiền thuê nhà, giờ tôi chẳng biết ăn nói sao với con gái. Tôi chẳng ăn, chẳng ngủ kể từ hôm mua sâm về đến nay”.
Hơn nữa, khi người dùng liên hệ với Công ty TNHH Dược phẩm Kiều Ngân - đơn vị được cho là đã tổ chức bán hàng tại Trung tâm tiệc cưới T.U (đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TPHCM), để hỏi cách sử dụng và mua thêm về sản phẩm hồng sâm, người phụ trách nhanh chóng hứa hẹn sẽ cho người liên hệ lại để hướng dẫn nhưng sau đó cũng “mất hút”.
Ngày 28.10, bà Huỳnh Thanh Nhàn - Chủ tịch UBND phường 17 (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Chính quyền đã tổ chức rà soát và nắm thông tin một nhà hàng trên địa bàn phường có cho Công ty Kiều Ngân thuê địa điểm tổ chức hội nghị trong 2 lần. Lần đầu cách đây 6 tháng, lần mới đây vào ngày 14.10. Phía đơn vị cho thuê địa điểm cũng không nắm rõ cụ thể, chỉ biết công ty này thuê để giới thiệu sản phẩm thôi. UBND phường cũng không được xin ý kiến khi họ tổ chức”.
Trong khi đó, ngày 31.10, trả lời PV, đại diện Công ty TNHH Dược phẩm Kiều Ngân cho rằng “phản ánh của người dân là hơi quá” và việc đội giá sản phẩm là do phải trang trải kinh phí tổ chức sự kiện. Đồng thời, phía Công ty Kiều Ngân cho biết đơn vị đã hỏi ý kiến người dân trước khi bán hàng và đây là việc “thuận mua vừa bán”.
Trước đó, ngày 29.10, nhận được tin các đối tượng tiếp tục tổ chức bán hồng sâm với chiêu thức tương tự trên đường Phạm Văn Hai (quận 3, TP.Hồ Chí Minh), PV Lao Động đã trực tiếp tới ghi nhận. Tuy nhiên, khi thấy có người lạ mặt, không giống với nhóm mục tiêu là phụ nữ lớn tuổi, các đối tượng ngay lập tức “cuốn gói” và rời khỏi địa điểm bán hàng. Và kết thúc hội nghị chỉ vừa mới sôi động ít phút trước thôi là sự sững sờ, bức xúc của người dân. Bởi thứ sản phẩm họ cầm trên tay không có hoá đơn, không có chỉ định, với mức giá gấp 2 - 3 là thị trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi thực hiện thành công nhiều “phi vụ” bán hàng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nhóm đối tượng bán sâm đang tiếp tục mở rộng thị trường trong các tỉnh phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Trong khi đó, thị trường hồng sâm ngoại vẫn đang tồn tại như một “mê hồn trận”. Ở đó, PV Lao Động đã tận thấy hồng sâm được bày bán tràn lan, thiếu chỉ định và tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ với sức khoẻ người tiêu dùng...
* Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với các sản phẩm từ nhân sâm của Bộ Y tế (ban hành năm 2015): Sản phẩm từ nhân sâm phải có màu sắc, mùi, vị của thành phần nhân sâm (ginsenosid) đặc trưng và không có tạp chất ngoại lai; sản phẩm cũng phải đáp ứng hàng loạt chỉ tiêu về độ ẩm, tro, dung môi... Đặc biệt doanh nghiệp phải công bố rõ định lượng ginsenosid - nhân sâm trong sản phẩm, hàm lượng này không có định mức bắt buộc. Đồng thời, tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ nhân sâm sau khi hoàn tất đăng ký bản công bố hợp quy và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo Lao Động