Kế hoạch tuần lễ nghỉ Tết của gia đình Lê Trang (32 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) thoạt nghe có vẻ rất “nên thơ”. Bay vào Sài Gòn từ 27 Tết, thăm một vài người bà con, sau đó đi miệt vườn miền Tây và điểm đến cuối cùng là mũi Cà Mau.
Cả nhà dự định chơi đến hết Tết mới về Hà Nội. Còn gì thú vị bằng "đổi gió” Tết bằng chuyến du xuân phương Nam, bồng bềnh trên sông nước miệt vườn trong lành, được ngắm chợ nổi luôn nhộn nhịp, đi dưới vườn cây trĩu quả và gặp gỡ, trò chuyện với những người dân quê chân chất, cởi mở.
|
Tết đến là niềm vui và những nỗi lo tiền bạc. Ảnh minh họa. |
Nhưng để có được chuyến du xuân đó, vợ chồng chị Trang phải tích cực cày cuốc, tích cóp cả mấy tháng trời. Vợ chồng chị đều là dân công sở, lương cố định, không buôn bán Tết để có khoản thu nhập thêm nên giải pháp duy nhất là tiết kiệm triệt để.
Trước Tết nguyên đán một tháng, chị Trang săn vé máy bay giá rẻ cho cả gia đình 4 người về quê ăn Tết. Quê chồng chị ở miền Tây, nên Tết năm nào vợ chồng chị cũng phải tốn một khoản kha khá để đi lại.
Vé máy bay hết hơn 10 triệu đồng, tiền xe ô tô từ sân bay về quê chồng hết khoảng 2 triệu đồng nữa. Như vậy riêng tiền đi lại đã “ngốn” khoảng 13 triệu đồng. “Chưa kể tiền, quà cáp biếu các cụ, ông bà nhà chồng, mừng tuổi các cháu. Cả năm mới về quê được một lần vào dịp Tết, không có quà, tiền biếu không được. Có năm mua quà biếu rải khắp nội ngoại đã hết 6 triệu đồng. Tính sơ sơ mỗi lần về quê ăn Tết tốn kém không dưới 20 triệu đồng. Không có 20 triệu thì đừng mong xong cái Tết”, chị Trang thở dài.
Tương tự cảnh quê xa như thế, chị Nguyễn Thị Ngọc (29 tuổi, Vĩnh Phúc) cũng cho hay việc chi tiêu Tết của vợ chồng chị tiết kiệm cũng phải hết ít nhất 15 triệu đồng. Trong đó, tiền biếu bố mẹ đôi bên nội ngoại hết 10 triệu đồng, mừng tuổi các cụ cao tuổi hết 3 triệu đồng. Ngày Tết nhà xe tăng giá nên tiền tàu xe hết thêm 1 triệu đồng nữa.
“Vợ chồng trẻ làm việc trên thành phố, lâu lâu mới về quê một lần nên phải có tiền biếu “ra tấm ra món” một chút. Cũng may mắn là ở quê thịt lợn, gà, gạo có sẵn. Mình chỉ cần mua thêm chút hoa quả thắp hương”, chị Ngọc cho biết.
“Không về quê xa cũng hết mấy chục triệu để lo một cái Tết”
Mặc dù không phải về quê nội ngoại xa xôi nhưng không ít cặp vợ chồng trẻ tại thành phố cũng khẳng định dù kiếm được hay không kiếm được thì chi tiêu cái Tết Nguyên đán của họ tốn không dưới hai mươi triệu đồng. Anh Minh Khang (Q. Hà Đông, Hà Nội) đã cho chúng tôi xem bản danh sách chi tiêu Tết của vợ chồng anh.
|
Chi tiêu Tết của vợ chồng anh Khang không dưới 20 triệu đồng. Ảnh: NVCC |
Biếu tiền Tết nội ngoại: 10 triệu.
Mừng tuổi bốn cụ đôi bên nội ngoại: 1 triệu.
Mừng tuổi bố mẹ: 2 triệu.
Mừng tuổi các cháu, cô dì, chú bác: 3 triệu.
Mua sắm quần áo cho cả nhà: 2 – 3 triệu.
Bánh kẹo biếu: 1 triệu.
Mua đào, quất hai bên nội ngoại: 2 triệu
Phát sinh, tiêu vặt Tết: 2 triệu đồng
Anh Khang cho biết đã thành thông lệ, năm nào anh cũng mua cây đào, quất để biếu bố mẹ đôi bên nội ngoại. “Là dân trồng đào, phải có cây đào và cây quất biếu để bố mẹ hai bên trang trí nhà cửa cho đàng hoàng và nở mày nở mặt với xóm làng”, anh Khang nói.
Với mức chi tiêu như thế, năm nào vợ chồng anh Khang làm ăn được thì Tết “tiêu không cần suy nghĩ”. Nhưng năm nào làm ăn khó khăn thì Tết khá đau đầu, thậm chí còn xảy ra lục đục, cãi cọ vì vợ muốn tiết kiệm để tháng sau Tết có đồng chi tiêu trong khi anh lại thích…Tết “hoành tráng”.
Chị Nguyễn Thị Loan (giáo viên, Vĩnh Phúc) đã từng phát khóc vì “cảm giác 3 ngày Tết tiêu hết số tiền tiết kiệm cả năm trời mới có”. “Nói chung, Tết rất nhiều khoản phải chi. Tuy nhiên, sau mấy năm chi tiêu cái Tết ở nhà chồng, tôi ngẫm ra mình nên liệu cơm gắp mắm. Coi tháng Tết chỉ hơn tháng bình thường trong năm một chút, bàn bạc với bố mẹ và chồng chỉ làm Tết nhẹ nhàng, đơn giản cho bớt nặng gánh. Đi làm công ăn lương, sau Tết cả tháng mới đến kỳ nhận lương. Nếu tiêu hết tiền thì ra Tết sống bằng…niềm tin”, chị Loan giãi bày.
Theo Thu Hà/Em Đẹp