Vào ngày đầu tiên, những người thu hoạch sẽ cắt những cây sậy trên sông này. Và trong 8 ngày tiếp theo, sau khi làm khô, đốt và lọc, lau sậy sẽ tạo ra một trong những loại muối đắt nhất thế giới. Chỉ một muỗng canh muối sậy sông có giá khoảng 1 USD ở Kenya, gấp 22 lần so với giá 4 xu mà người dân địa phương phải trả cho cùng một lượng muối biển tương đương. Vậy các nhà sản xuất làm muối từ lau sậy sông như thế nào? Và tại sao nó lại đắt như vậy?
Muối sậy sông, hay chumvi ya kienyeji, được làm từ sậy của cây muchua mọc dọc theo sông Nzoia. Sau khi muối được chiết xuất, nó thường được bán với số lượng nhỏ cho các đầu bếp và chủ khách sạn sang trọng ở Kenya và nước ngoài. Người mua mô tả độ mặn của nó rất mạnh và giống vị umami.
Ngày nay, chỉ có cộng đồng Bukusu ở làng Webuye tiếp tục quy trình truyền thống làm loại muối quý hiếm này bằng cách thủ công.
Andrew Wanyonyi Sikanga, một thợ làm muối lâu năm, và các con trai của ông thường thu hoạch lau sậy mọc dọc theo bờ sông. Trước khi họ ra ngoài thu hoạch, Andrew bắt đầu buổi sáng bằng một lời cầu nguyện. Họ cầu nguyện để được bảo vệ khỏi những nguy hiểm mà họ có thể gặp phải ở sông, như rắn và cá sấu. Để tránh tiếp xúc với chúng, Andrew và các con trai cần thu hoạch từ sáng sớm.
Nếu cây sậy không cao ít nhất 2 mét và những bông hoa trên đỉnh không bị héo và gần khô, thì nồng độ muối sẽ rất thấp. Những người thợ làm muối sẽ đi hái sậy chín, cẩn thận không nhổ cây hoặc cắt quá gần rễ. Bằng cách đó, lau sậy có thể mọc lại nhanh hơn và rễ có thể tiếp tục lan sang các tảng đá khác.
Sau khi đi cắt sây, đầu tiên, người thợ phải lau khô lau sậy. Để sậy khô có thể mất bốn ngày khi trời nắng, nhưng điều kiện thời tiết nhiều mây có thể tốn nhiều thời gian hơn. Để bắt đầu chế biến, người thợ phải đốt lau sậy từ một đến ba ngày. Sau khi tất cả lau sậy biến thành tro, người thợ làm muối đặt chúng vào một cái chậu lớn có lỗ thoát nước. Sau đó, từ từ thêm nước. Nước lọc qua tro và lỗ, từng giọt đọng lại ở đáy. Người thợ đổ những giọt đó qua một bộ lọc khác và vào một cái chảo nhôm.
Tiếp theo, đặt chảo trên ngọn lửa lớn, cho đến khi chất lỏng bay hơi hết. Cuối cùng, sau một ngày làm việc, người thợ mới thu được một thứ chất keo mặn của muối. Ngày hôm sau, người thợ gói hồ vào lá chuối và đặt chúng dưới tro nóng để làm khô. Sau ba giờ, muối bắt đầu khô cứng lại.
Quá trình từ cây sậy để thành muối mất ít nhất tám ngày. Người dân Kenya sẽ bán muối trong mỗi bọc lá chuối. Và đây là truyền thống lâu đời của người dân nơi đây. Người ta tin rằng truyền thống đã bắt đầu vào thế kỷ 17 khi người Bukusu di cư về phía đông từ Congo. Vào thời điểm đó, các khu vực ở phía tây Kenya đã bị cắt khỏi các tuyến đường muối. Vì vậy, họ bắt đầu tìm cách chiết xuất muối từ những cây thủy sinh này.
Trên thực tế, muối sậy sông Kenya đã giành được danh hiệu cho muối bản địa độc đáo nhất tại một triển lãm ẩm thực quốc tế tại Ý vào năm 2014.
Theo Huy Nguyễn/Dân Việt