Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, ông Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm CEO của LVMH - vừa vượt CEO Tesla Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới.
Người đứng sau đế chế hàng xa xỉ sở hữu khối tài sản 186,2 tỷ USD, tăng 1,5 tỷ USD so với ngày 7/12. Còn tài sản ròng của tỷ phú xe điện thu hẹp còn 185 tỷ USD.
LVMH là tập đoàn mẹ của 75 công ty lớn, bao gồm các nhãn hiệu thời trang xa xỉ Louis Vuitton, Christian Dior, Bulgari và Fendi, hãng rượu Veuve Clicquot, đồng hồ Hublot và TAG Heuer. Hồ sơ chỉ ra gia đình ông Arnault kiểm soát 48% cổ phần LVMH.
Nhìn xa trông rộng
Sinh thời, tỷ phú Steve Jobs - nhà sáng lập Apple - từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với CEO LVMH. “Bernard ạ, tôi không biết 50 năm nữa có ai còn dùng iPhone hay không, nhưng chắc chắn mọi người vẫn sẽ uống rượu Dom Perígnon của ông”, nhà sáng tạo công nghệ nói với tỷ phú đồ xa xỉ.
Ông Lloyd Blankfein - cựu CEO Goldman Sachs - cho rằng sự thành công của ông Arnault đến từ khả năng tiên đoán nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ toàn cầu.
“Bernard là một người nhìn xa trông rộng. Ông ấy thấy trước được sự gia tăng của cải trên phạm vi toàn cầu”, CNBC dẫn lời ông Blankfein khẳng định.
Bernard là một người nhìn xa trông rộng. Ông ấy thấy trước được sự gia tăng của cải trên phạm vi toàn cầu
Ông Lloyd Blankfein - cựu CEO Goldman Sachs
Còn chuyên gia thương hiệu Allen Adamson thuộc hãng tư vấn Metaforce đánh giá ông Arnault có biệt tài dự đoán chính xác các xu hướng tiêu dùng trên thế giới và đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.
Ông Arnault sinh năm 1949 tại thị trấn Roubaix thuộc miền bắc nước Pháp. Ông từng theo học ngành kỹ thuật tại Đại học Ecole Polytechnique trước khi về làm việc tại công ty xây dựng gia đình.
Năm 27 tuổi, ông thuyết phục cha bán mảng xây dựng của công ty để tập trung kinh doanh bất động sản. Ông cũng muốn thâm nhập thị trường Mỹ.
“Thời đó nước Pháp rất bảo thủ. Những người trẻ không dám nghĩ lớn như vậy. Việc một cậu nhóc mới ngoài 20 đưa ra những quyết định hệ trọng là cực kỳ hiếm hoi”, CNBC dẫn lời CEO Louis Vuitton Michael Burke cho biết.
Năm 1984, ông mua Boussac Saint-Freres, một công ty dệt may sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior và trung tâm mua sắm Le Bon Marche.
|
Năm 1984, ông Arnault mua Boussac Saint-Freres, một công ty dệt may sở hữu cổ phần tại nhà mốt cao cấp Christian Dior. Ảnh: New York Times.
|
Boussac có quy mô lớn gấp 20 lần doanh nghiệp gia đình ông. Ông Arnault bỏ 15 triệu USD tiền túi và huy động thêm 80 triệu USD để mua Boussa, sau đó bán phần lớn tài sản công ty, chỉ giữ lại Christian Dior và Le Bon Marche.
Năm 1987, nhà mốt Louis Vuitton sáp nhập với Moët Hennessy, trở thành LVMH. Ông Arnault là người hòa giải mối hiềm khích giữa CEO Alain Chevalier của Moët Hennessy và Chủ tịch Louis Vuitton Henri Racamier.
Trong năm 1988 và 1989, ông Arnault chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm 43,5% cổ phần LVMH. Tháng 1/1989, ông được bầu làm chủ tịch tập đoàn sau hàng loạt tranh chấp và kiện tụng.
Giới chuyên gia nhận định đây là một trong những thương vụ cam go nhất trong lịch sử doanh nghiệp Pháp. Ở tuổi 40, Bernard Arnault trở thành nỗi sợ hãi của mọi đối thủ kinh doanh.
Hàng loạt thương vụ thâu tóm
Tham vọng của ông Arnault được thể hiện rõ qua các thương vụ thâu tóm của LVMH. Tập đoàn này lần lượt mua Celine, Berluti, Kenzo, Guerlain, Marc Jacobs, Sephora, Emilio Pucci, Fendi, DKNY, Hublot, Tag Heuer...
Năm 2010, LVMH mua 17% cổ phần 17% Hermes với giá 2 tỷ euro. Năm 2011, đến lượt Bulgari bị thâu tóm với giá 5,2 tỷ USD.
Năm 2017, LVMH chi tới 7,1 tỷ USD để mua toàn bộ cổ phần nhà mốt Christian Dior Couture. Đế chế hàng xa xỉ LVMH càng ngày càng rộng lớn và thành công. LVMH đạt doanh thu kỷ lục 64,2 tỷ euro vào năm 2021, tăng 44% so với năm 2020.
Tỷ phú 70 tuổi từng bị chỉ trích khi đưa quá nhiều thương hiệu xa xỉ vào chung một mái nhà. "Hồi thập niên 1990, tôi có ý tưởng về một tập đoàn hàng xa xỉ và lập tức bị chỉ trích dữ dội. Nhiều người nói với tôi rằng điều đó thật vô lý. Nhưng tôi đã thành công. 10 năm qua, nhiều đối thủ tìm cách bắt chước chúng tôi”, ông tự hào.
Khi mua một thương hiệu, ông Arnault đặt mục tiêu cải tiến nó, điển hình là thương vụ thâu tóm Bulgari năm 2011. “Chúng tôi có khả năng tuyển dụng những người giỏi nhất và cung cấp cho Bulgari các tài năng hàng đầu”, ông giải thích.
|
Trong năm 1988 và 1989, Arnault chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm 43,5% cổ phần LVMH. Ảnh: Reuters.
|
Anh Antoine Arnault, con trai của CEO LVMH, mô tả nền tảng thành công của cha là "khả năng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nhà thiết kế tài năng".
“Nhiều người nghĩ ông ấy sở hữu tư duy chiến lược sắc bén để xây dựng một đế chế. Nhưng điểm mạnh lớn nhất của ông ấy là khả năng trao đổi với các chuyên gia sáng tạo và tạo điều kiện cho họ phát triển”, anh khẳng định.
Và nguyên tắc hàng đầu của ông Arnault khi làm việc với các nhà thiết kế là yêu cầu họ phải tư duy khác biệt, làm những thứ mà ông không đồng ý và thuyết phục ông chấp nhận điều đó.
“Ông ấy điều khiển các nhà thiết kế như những quân cờ. Ông ấy luôn biết cần dùng ai để phá vỡ những rào cản. Thời trang là ngành công nghiệp của sự thay đổi và ông ấy hiểu rõ điều đó”, Tổng biên tập Vogue Anna Wintour đánh giá.
Theo Thảo Phương/Zing