Dư luận những ngày qua đang xôn xao trước thông tin Tập đoàn Phúc Lộc thi công trình dự án khu du lịch tâm linh Lũng Cú tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Được biết, dự án này do UBND tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư và khởi công công trình cho Tập đoàn Phúc Lộc vào ngày 22/6/2016. Tổng diện tích quy hoạch dự án là hơn 56 ha, bao gồm khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng phật. Tập đoàn Phúc Lộc dự kiến đầu tư hơn 800 tỷ đồng vào dự án này.
|
Dự án khu sinh thái tâm linh Lũng Cú được thi công hoành tráng dưới chân cột cờ Lũng Cú. Đứng từ xa có thể dễ dàng quan sát thấy ngọn núi đá vôi bị "xẻ" toang hoác. |
Cùng với thông tin Tập đoàn Phúc Lộc thi công dự án khu sinh thái tâm linh Lũng Cú, dư luận đang muốn biết về chân dung ông chủ của Tập đoàn Phúc Lộc là người như thế nào?.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, Tập đoàn Phúc Lộc có địa chỉ tại xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Tường còn là Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông Cienco 8.
Tập đoàn Phúc Lộc được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Ninh Bình với số vốn điều lệ 2.650 tỷ đồng. Tập đoàn này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ cảng, thi công san lấp đến kinh doanh bất động sản.
|
Ông Lương Minh Tường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc. (Ảnh: Nhà đầu tư). |
Liên quan đến doanh nhân Lương Minh Tường, báo Nhà đầu tư cho biết, năm 2005, Công ty TNHH Phúc Lộc có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông sáng lập là Lương Minh Tường (98% vốn điều lệ) và Lương Minh Tuyên (2% vốn điều lệ).
Năm 2015, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Phúc Lộc thay đổi, ông Lương Minh Tường không còn là cổ đông sáng lập. Thay vào đó là Tập đoàn Phúc Lộc với tỷ lệ sở hữu 99%, đồng thời vốn điều lệ tăng lên con số 250 tỉ đồng.
Đến giữa năm 2016, ông Lương Minh Tường có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ này cho ý kiến về việc tăng vốn điều lệ từ 589,9 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng với hình thức tăng vốn điều lệ là các cổ đông chính thực hiện góp vốn theo nhu cầu tăng vốn từng đợt.
"Lý do của việc tăng vốn khủng này là để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, trong đó có việc tham gia đầu tư các dự án theo hình thức BOT, PPP, kinh doanh bất động sản; đầu tư máy móc; xây dựng cải tạo các trụ sở làm việc.
Trong trường hợp Bộ GTVT không tham gia góp vốn, HĐQT Cienco 8 muốn cổ đông nhà nước đồng ý việc các cổ đông chính gồm Tập đoàn Phúc Lộc, ông Lương Minh Tường và bà Đinh Thị Hương Giang góp toàn bộ số vốn điều lệ tăng thêm.
Lộ trình tăng vốn sẽ do HĐQT Cienco 8 quyết định phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động và nhu cầu vốn tại Tổng công ty.
Hiện nhóm đông gồm Tập đoàn Phúc Lộc, ông Lương Minh Tường và bà Đinh Thị Hương Giang đang chiếm cổ phần chi phối (78,51% vốn điều lệ); Nhà nước chiếm khoảng 18% vốn điều lệ", thông tin được báo Nhà đầu tư viết.
Liên quan đến thông tin dự án khu du lịch tâm linh dưới cột cờ Lũng Cú, một lãnh đạo UBND xã Lũng Cú cho báo giới biết, hiện hạng mục chùa đã dựng được 6 đến 7 tòa nhà, cơ bản đã xong. Ngoài ra, con đường rộng 33m, dài 1,7km đi qua cánh đồng vào chùa cũng đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong…
Vị lãnh đạo xã Lũng Cú cho hay, dự án được UBND tỉnh cho phép quy hoạch điểm mỏ khai thác vật liệu ngay tại chỗ.
|
Toàn cảnh dự án khu sinh thái tâm linh Lũng Cú "xẻ" núi đá vôi toang hoác. |
Trong khi đó, một đại diện của Đồn biên phòng Lũng Cú cho hay, dự án này gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía của cột cờ Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh cột cờ Lũng Cú. Ba hạng mục đều tựa lưng vào núi, quay mặt vào cột cờ quốc gia và mở đường đi tới cột cờ. Như vậy, ba hạng mục của dự án du lịch đã ôm lấy ba mặt của núi Rồng nơi có cột cờ Lũng Cú. Mặt thứ 4 chính là công trình bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú nằm ở phía nam.
Bảo Ngân