Ngay từ khi còn nhỏ, CEO công ty Hootsuite Ryan Holmes đã đi lau cửa kính thuê để kiếm tiền. Năm học trung học, anh tự tiết kiệm tiền mua trang thiết bị, mượn gia đình cánh đồng bỏ trống sau nhà để mở cơ sở kinh doanh dịch vụ bắn súng sơn.
|
Ryan Holmes – CEO công ty Hootsuite. |
Khi đang theo học tại Đại học Victoria, Ryan Holmes bỏ ngang bởi anh quá nôn nóng khởi nghiệp. Năm 1998, anh mở cửa hàng Pizza, chính thức theo đuổi nghiệp kinh doanh.
“Tôi đã vay 20.000 USD (khoảng 456 triệu VNĐ) từ thẻ tín dụng để thuê nhà và mua trang thiết bị. Ban đầu, do không có tiền, tôi kiêm nhiều vị trí, từ bảo vệ, tiếp nhận đơn hàng, đầu bếp, thu ngân, dọn vệ sinh, tiếp thị. Mỗi ngày trôi qua đều mệt nhoài nhưng cùng với đó là cảm giác phấn khích khi được theo đuổi ước mơ của mình” - Holmes chia sẻ.
Năm 2000, khi nhận thức được tầm quan trọng của lập trình, Holmes đã tự học mã hóa trên máy tính. Sau đó, anh thành lập trang web kinh doanh các dịch vụ kỹ thuật số với tên gọi Invoke.
Lúc này, Holmes nhận ra các khách hàng của mình đang nỗ lực tối ưu hóa các mạng xã hội như Facebook hay Twitter để tiếp thị cho các sản phẩm của công ty họ. Năm 2008, anh tạo ra một công cụ giúp họ thực hiện điều đó. 1 năm sau, phần mềm này được giới doanh nhân tin dùng, tạo tiền đề cho Holmes thành lập công ty riêng, lấy tên là Hootsuite.
|
Văn phòng làm việc của Hootsuite được thiết kế mở, giúp cách nhân viên dễ dàng giao tiếp với nhau. |
Ngày nay, Hootsuite là một công ty cung cấp giải pháp quản trị mạng xã hội, nơi có tới 16 triệu lượt khách hàng. Đây cũng là sự lựa chọn hàng đầu của 80% trên tổng số 1000 công ty lớn nhất Hoa Kỳ. Hiện tại, Hootsuite được định giá khoảng 1 tỷ USD trên thị trường.
Holmes hiện đang quản lý 1.000 nhân viên. Anh cho biết, người làm lãnh đạo nên nỗ lực giao tiếp với nhân viên, để họ thực sự ‘tâm phục khẩu phục’ thay vì tỏ ra xa cách vì thứ bậc phân cấp nơi công sở.
“Bạn cần tìm ra cách giao tiếp hiệu quả với nhân viên của mình. Hãy cố gắng trình bày đơn giản, dễ hiểu và khéo léo thuyết phục họ nghe theo quan điểm của bản thân. Đó chính là điều tôi luôn tâm niệm để mỗi nhân viên cảm thấy mình được trân trọng. Từ đó, họ sẽ hết mình cống hiến với công việc” – Holmes cho biết.
Dưới đây là 1 số chiến lược Holmes đã đúc kết trong quá trình giao tiếp với nhân viên tại Hootsuite và các doanh nghiệp khác nơi anh quản lý.
Bắt đầu với câu hỏi ‘Tại sao’?
“Tôi thường bắt chuyện với nhân viên bằng câu hỏi ‘Tại sao’. Tôi hỏi họ ‘Vì sao chúng ta phải thực hiện dự án này? Vì sao bạn lại phản ứng theo cách đó? Vì sao bạn chưa hài lòng?’” – Holmes cho biết.
Anh chia sẻ thêm: “Thứ nhất, đó là câu hỏi mở, giúp tôi kéo dài cuộc trò chuyện. Hơn nữa, tôi cũng sẽ hiểu được lối suy nghĩ, tâm tính của từng nhân viên bởi khi trả lời, họ không chỉ lý giải nguyên nhân, mà còn trình bày về cách thức thực hiện, rất cụ thể, rõ ràng”.
Thường xuyên kết nối với nhân viên
“Tôi thường xuyên giao tiếp với nhân viên. Bạn không thể gửi thông điệp hoặc thuyết phục một người khi cả hai đã lâu không còn kết nối. Hơn nữa, công ty ngày một phát triển, việc kiểm tra tiến độ làm việc của từng bộ phận thực sự rất quan trọng. Trong các buổi họp, tôi thường thống kê, đánh giá những thành tựu của Hootsuite, cũng như những gì chúng tôi làm chưa tốt. Từ đó, mỗi nhân viên có thể nắm được định hướng phát triển và mục tiêu của công ty trong từng giai đoạn”- Ryan Holmes cho biết.
Tạo cơ hội trò chuyện trực tiếp
“Ngày nay, công nghệ phát triển, chúng ta có nhiều kênh để giao tiếp hàng ngày như email, mạng xã hội. Điều này thực sự rất thuận tiện, nhưng tôi không khuyến khích.
Đối với tôi, những ý tưởng nên được trình bày trực tiếp. Chúng tôi sẽ cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc để góp phần hoàn thiện chúng và lên kế hoạch triển khai phù hợp. Khi đó, mỗi người sẽ cảm thấy những đóng góp của mình cho công ty được trân trọng. Họ cũng đặt nhiều niềm tin hơn vào các thành viên trong ban lãnh đạo và cống hiến hết mình hơn” – Holmes chia sẻ.
Theo Linh Lê/Dân Việt