Cây sả đã gắn bó với bà con người Mường khoảng 20 năm nay. Khi đó, giá củ sả lên cao, lại dễ bán, nên bà con nhiều nơi rủ nhau bỏ cây ngô chuyển sang trồng sả. Trồng sả nhanh được thu hoạch lại không có sâu bệnh. Bà con chỉ cần dọn sạch cỏ rồi cắm cây sả xuống, 6 tháng sau đã bắt đầu có thu.
Vòng đời cây sả kéo dài khoảng 3-4 năm, bà con cứ có đất trồng sả là có ăn. Lúc cao điểm cả tỉnh Hòa Bình trồng tới cả nghìn hecta sả.
Từ việc cây sả chỉ trồng ở những quả đồi đất đẹp, dần dần loài cây này đã lan dần vào các diện tích rừng tái sinh. Bà con không ngần ngại cạo trọc quả đồi từng được coi là rừng để trồng sả. Nhà nhà đua nhau trồng sả, chẳng mấy chốc cây sả đã phủ kín các triền đồi của các xã vùng cao.
|
Một bao sả 50kg, chưa đổi được 10kg gạo.
|
Khi diện tích tăng cao cũng là lúc giá sả đi xuống, mọi năm giá sả xuống còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn 2.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện tại, bà con cho biết không đủ trả công cho người thu hoạch.
Anh Triệu Văn Quyền ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất, thành phố Hòa Bình chia sẻ, năm nay giá sả xuống thấp quá, chẳng buồn thu hoạch nên anh đã phá đi để trồng cây khác.
Người dân sống ở các xã Dân Chủ, Thống Nhất... của thành phố Hòa Bình đa phần dựa vào cây sả, cây ngô là chính. Năm nay cả 2 loại cây chủ lực này đều mất giá khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Cuộc sống của gia đình anh Triệu Tiến Vinh ở xóm Đồng Khụ, xã Thống Nhất chủ yếu trông vào cây sả. Năm nay, giá sả xuống quá thấp khiến gia đình anh lao đao. "Với đà này tôi chắc phải đi tìm việc khác, chứ trông vào cây sả thì đói nhăn răng" - anh Vinh buồn bã cho biết.
Cây sả từng được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân ở các huyện Mai Châu, Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, khi diện tích sả phát triển đến đâu thì rừng bị phá đến đó. Hơn nữa, cây sả ăn rất hại đất. Bà con trồng sả gần như không bón phân gì, cây sả sống được đến đâu bà con thu đến đó. Sau nhiều năm khai thác cạn kiệt, nên nhiều đồi đất, giờ trồng sả cũng không lên nổi.
Bà con thu sả bán cho tư thương, họ chuyển đi miền Nam để ép dầu sả. Tuy nhiên, việc dầu sả có tiêu thụ được hay không lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi thương lái Trung Quốc ngừng mua dầu sả, thì đồng nghĩa với việc người trồng sả gặp nhiều khó khăn.
Củ sả tươi cũng chỉ làm gia vị, do vậy, mức tiêu thụ nội địa có giới hạn. Giờ đây, thị trường Trung Quốc đang có nhiều biến động, nên giá sả càng xuống thấp.
Theo Thuần Việt / Dân Việt