Forbes vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới 2021 với 6 doanh nhân người Việt góp mặt trong nhóm những người giàu sở hữu khối tài sản ròng từ 1 tỷ USD trở lên. Đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Danh sách tỷ phú USD của Việt Nam được Forbes nhắc tên. (Ảnh chụp màn hình)
Họ là những "thuyền trưởng" chèo lái các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam vượt qua khó khăn để đạt thành quả tốt nhất trên thương trường. Đằng sau sự thành công ngày hôm nay của 6 tỷ phú vừa được Forbes vinh danh là cả hành trình dài lập nghiệp, khiến không ít người trầm trồ thán phục.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng – Từ startup bán mì gói đến tỷ phú USD
Hơn một lần được gọi tên trong danh sách top những người giàu nhất thế giới, năm 2021, ông chủ tập đoàn đa ngành Vingroup tiếp tục được Tạp chí Forbes (Mỹ) vinh danh là người giàu nhất tại Việt Nam với khối tài sản theo tính toán của Forbes là 7,3 tỷ USD. Theo xếp hạng của Forbes, ông Vượng là người giàu thứ 344 trên thế giới, cao hơn thứ hạng trong năm trước.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội trong một gia đình truyền thống, cha ông làm việc trong không quân Việt Nam, mẹ ông mở quán trà đá vỉa hè. Ông là con cả trong gia đình có 3 anh chị em. Sau khi tốt nghiêp THPT, nhờ đạt thành tích xuất sắc, ông được chọn sang du học ở Moskva (Nga) tại Trường Mỏ địa chất và theo học ngành kinh tế địa chất. Đây cũng được xem là bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông.
Từ trái qua: Ông Phạm Nhật Vượng, ông Pilipchuk và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine - Đoàn Đức tại một sự kiện ở Kharkov. Ảnh tư liệu
Năm 1993, ông Phạm Nhật Vượng quyết định vay 10,000 USD từ bạn bè để mở công ty Technocom và nhà hàng Thăng Long tại Ukraina. Ngày 8/8/1993, thương hiệu mỳ ăn liền Mivina ra đời. Dưới sự dẫn dắt của ông Vượng, chỉ trong vòng 3 năm, Technocom từ một công ty nhỏ bé vươn lên thành một tập đoàn hùng mạnh với thương hiệu Mivina nổi tiếng tại Ukraina.
Năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng bán lại Technocom cho Nestle với giá 150 triệu đô.
Khi về nước, ông bắt tay vào đầu tư du lịch và bất động sản. Ông thực hiện 2 chiến lược là Vinpearl và Vincom. Ông đã nhanh chóng thành công với hàng loạt các dự án như Vincom Center Bà Triệu, Vincom Center HCM, Vinpearl Nha Trang...
Năm 2007, Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán và hiện là một trong 5 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Từ 2010 đến nay, ông Phạm Nhật Vượng dốc toàn tâm đầu tư cho Việt Nam với việc phát triển hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị, nghỉ dưỡng mang thương hiệu của Vingroup (Royal city, Time city, Vinhomes Riverside, Vinpearl Nha Trang, Vinpearl Phú Quốc…).
Tháng 8 năm 2009, ông Phạm Nhật Vượng được bầu làm Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. (Ảnh tư liệu)
Tháng 10/2018, ông Phạm Nhật Vượng ra mắt dòng xe hơi mang thương hiệu Vinfast. Ông chủ Vinfast mang tham vọng lớn đưa ô tô thương hiệu “made in Việt Nam” vươn ra thị trường thế giới trong những năm tiếp theo
Cuối năm 2018, Vingroup đã công bố ra mắt 4 mẫu điện thoại thông minh thương hiệu V smart.
Tháng 12/ 2019, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce (bán lẻ) và Công ty VinEco (nông nghiệp) của Tập đoàn Vingroup cùng Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding (tiêu dùng) sáp nhập để trở thành tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.
Theo Forbes, vốn hóa thị trường của Vingroup đạt trên 14 tỷ USD, trong khi tài sản của vị tỷ phú này ước tính thường xuyên trên 6 tỷ USD. Ông Vượng cũng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và nằm trong top 300 người giàu nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes.
CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo – Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam
Xếp thứ 2 tiếp tục là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo. Đây là lần thứ 5 góp mặt trên bảng xếp hạng này của bà Thảo với tài sản 2,8 tỷ USD. Bà Thảo hiện giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, Phó Chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.
Trước đó, hồi tháng 3/2019 bà Thảo từng được tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới với xếp hạng thứ 1.008 cùng khối tài sản 2,3 tỷ USD. CEO Vietjet cũng trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á được Forbes vinh danh.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành triệu phú đô la khi mới 21 tuổi. (Ảnh minh hoạ)
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội. Bà may mắn có cơ hội được đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính năm 17 tuổi. Bà Thảo nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng không chỉ với thành tích học tập xuất sắc mà còn có tài kinh doanh thiên bẩm.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo dấn thân vào thương trường khi còn là sinh viên năm thứ 2. Lúc này, thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã “chớp thời cơ” bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, vốn liếng của bà Thảo lúc bấy giờ chỉ là một chữ tín và sức lao động chăm chỉ đến phi thường của bản thân. Đối với bà Thảo, việc kinh bắt đầu lúc 5h sáng và kết thúc lúc 2h sáng hôm sau là điều bình thường.
Chỉ bằng niềm tin mãnh liệt và sức lao động cần cù, sau 3 năm bà Thảo đã có 1 triệu USD đầu tiên (thời đó là rất lớn). Trở thành triệu phú đô la đầu tiên khi mới 21 tuổi.
Trở về Việt Nam, bà Thảo khá kín tiếng và phải đến khi trở thành Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, rồi sau đó lọt vào danh sách tỷ phú đô la của Forbes, bà mới thực sự được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, từ trước khi Vietjet Air cất cánh, bà Thảo đã là một nữ doanh nhân cực kỳ năng động trên thương trường.
Từ năm 2005 và 2006, bà Thảo đã tham gia sáng lập và điều hành 2 ngân hàng tư nhân là VIB và Techcombank. Đến năm 2008, bà Thảo đầu tư vào HDBank và trở thành Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị ngân hàng này.
Bên cạnh ngân hàng, bà Thảo còn để lại dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản, là thương vụ thâu tóm khu nghỉ dưỡng Furama Resort Danang, qua đó trở thành nữ doanh nhân Việt đầu tiên đủ tiềm lực và bản lĩnh thâu tóm một dự án 5 sao của "Tây".
Để xây dựng Vietjet Air tăng trưởng thần tộc như hiện nay, bà Thảo đã gặp rất nhiều khó khăn khi mới bắt đầu. Bà còn phải đứng trước áp lực cạnh tranh của các ông lớn như Vietnam Airlines và con mắt nghi ngờ của thị trường.
Muốn có được giấy pháp đầu tư Vietjet vào năm 2007, bà Thảo đã phải mất tới 10 năm nghiên cứu các mô hình hàng không giá rẻ như Southwest, Ryan Air hay AirAsia. Nhưng khi bắt tay vào hoạt động thì lại gặp khó khăn khi giá dầu lúc đó tăng cao, buộc kế hoạch phải hoãn lại. Đến năm 2010, Vietjet Air nhận được thỏa thuận liên doanh với AirAsia nhưng lại gặp vướng mắc khiến việc liên doanh không thành.
Không từ bỏ giấc mơ của mình, bà đã tự mở hãng hàng không tư nhân lấy tên Vietjet Air, định hướng phát triển theo mô hình bay giá rẻ với mục tiêu trở thành một Emirate của châu Á.
CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo. (Ảnh tư liệu)
Dưới bàn tay lãnh đạo tài tình của bà, Vietjet Air đã tăng trưởng thần tốc. Năm 2012, một năm sau khi cất cánh, Vietjet Air nắm khoảng 8% thị phần thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên 41%, ngang ngửa với Vietnam Airlines khi đó là 42%. Và từ năm 2017, Vietjet Air chính thức vượt qua Vietnam Airlines để giữ thị phần lớn nhất.
Kết quả kinh doanh của Vietjet Air cũng ấn tượng, với doanh thu tăng hàng chục nghìn tỷ mỗi năm trong giai đoạn 2014-2018 và lợi nhuận vượt 5.000 tỷ đồng năm 2017 và 2018. Năm 2020 vừa qua, dù thị trường hàng không toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, Vietjet Air của bà Thảo vẫn đủ sức xoay sở để có lợi nhuận.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh: Tỷ phú USD kín tiếng ngành ngân hàng Việt
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank lần thứ ba góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes. Tài sản của ông hiện là 1,6 tỷ USD, đứng thứ 1931 thế giới.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 tại Hà Nội, nguyên quán ở Thừa Thiên - Huế. Ông Hùng Anh có bằng kỹ sư điện tử tại đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Trong thời sang sống tại Đông Âu, ông Hùng Anh quen biết ông Nguyễn Đăng Quang.
Tỷ phú Hồ Hùng Anh cùng tham gia với ông Nguyễn Đăng Quang trong việc điều hành Mansan Rus Trading tại Nga, tiền thân của tập đoàn hàng tiêu dùng Masan.
Trở về Việt Nam, ông Hồ Hùng Anh tiếp tục gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng Masan. Ông lần lượt giữ chức phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và Công ty Cổ phần Masan (tên cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư Masan). Đến tháng 4/2018, ông Hùng Anh từ bỏ mọi chức vụ tại Masan để tập trung cho Techcombank.
Ông Hồ Hùng Anh
Tỷ phú Hồ Hùng Anh bắt đầu tham gia đầu tư vào Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ năm 1995. Đến năm 2004, ông Hùng Anh là thành viên hội đồng quản trị của Techcombank. Tháng 5/2008, ông Hùng Anh chính thức đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT của Techcombank.
Từ những tư duy lãnh đạo có chủ kiến, ông đã đưa Techcombank phát triển thần tốc. Sau hơn 10 năm lãnh đạo, ông đã đưa Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam đạt mức lợi nhuận sau thuế đến 10.000 tỷ đồng. Tính đến năm 2018, lợi nhuận trước thuế mà Techcombank đạt được là 10.661 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này tăng 86% so với năm 2013, xếp thứ 2 trong các ngân hàng tại Việt Nam chỉ đứng sau ngân hàng Vietcombank.
Chính sự tăng trưởng đó đã giúp ngân hàng Techcombank được chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2018. Quá trình này đã giúp ngân hàng huy động được 923 triệu USD về Techcombank, cao thứ 2 trong năm chỉ sau sự kiện IPO của Vinhomes với 1,34 tỷ USD thu về.
Dù giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của Techcombank nhưng tỷ phú Hồ Hùng Anh chỉ nắm giữ 1,12% cổ phần tại ngân hàng này. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình ông lại nắm giữ tới 17% vốn điều lệ ngân hàng.
Khối tài sản của ông Hồ Hùng Anh không chỉ đến từ ngân hàng Techcombank mà còn từ công ty cổ phần tập đoàn Masan. Dù không còn nắm giữ chức vụ gì trong Masan nhưng ông Hùng Anh vẫn nắm giữ 48% cổ phần.
Chặng đường làm nên thành công của những người tỷ phú USD như ông Hồ Hùng Anh chưa bao giờ là dễ dàng, bằng phẳng cả. Tuy nhiên, tài năng, sự nhạy bén trong cách kinh doanh và quản lý, sự liều lĩnh dám làm dám chịu đã giúp ông có được thành công như ngày hôm nay. Dù vậy, tỷ phú Hồ Hùng Anh là một người kín tiếng, ít khi xuất hiện trước giới truyền thông.
Tỷ phú Trần Bá Dương: Từ tay trắng khởi nghiệp đến vị thế Thaco
Tỷ phú Trần Bá Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.931 thế giới. Tài sản của ông cũng tăng so với năm ngoái.
Ông Trần Bá Dương là người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco). Doanh nhân Trần Bá Dương sinh ngày 1/4/1960 tại Huế, nhưng lớn lên ở Đà Lạt.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó với 8 người con, bố mất sớm, ông Trần Bá Dương phải đi làm kiếm tiền từ sớm. Ông vừa theo đuổi việc học hành, vừa giúp đỡ mẹ làm đủ mọi công việc để mưu sinh với ý chí sẽ thay đổi cuộc sống trong tương lai.
Vượt lên hoàn cảnh gia đình, ông Dương vẫn thi đậu và tốt nghiệp đại học Bách Khoa TP. HCM chuyên ngành xe nâng cần trục năm 1982. Đây là tiền mở ra cánh cửa sự nghiệp gắn liền với cơ khí - ô tô của ông sau này.
Từ năm 1983 – 1987, ông làm kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Đến 1997, ông Dương quyết định nghỉ việc tại công ty ô tô Đồng Nai và tự thành lập xưởng sửa chữa ô tô của riêng mình.
Tỷ phú Trần Bá Dương. (Ảnh tư liệu)
Năm 1997 cũng chính là lúc Công ty ô tô Trường Hải được thành lập. Tên gọi của công ty được đặt theo tên con trai ông Dương: Trần Bá Trường Hải.
Ban đầu, Trường Hải chỉ buôn bán ô tô nhưng đến năm 2000, công ty bắt đầu lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA, để rồi những năm sau đó tiếp tục bắt tay với Mazda và Peugeot.
Sang năm 2001, Trường Hải chính thức tung ra sản phẩm đầu tiên của dòng xe tải nhẹ và đã được thị trường chấp nhận, đặt hàng rất lớn.
Tháng 3/2003 đánh dấu bước đi quan trọng và có phần "táo bạo" với ông Trần Bá Dương, khi ông cho khởi công xây dựng Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai. Khu liên hợp này được hoàn thành vào cuối năm 2004, lắp ráp các dòng xe tải, xe bus. Trong khoảng thời gian này, Trường Hải còn thành lập Công ty Tàu biển Chu Lai - Trường Hải với 2 chiếc tàu Truong Hai Star I và II để chủ động vận chuyển vật tư, thiết bị từ nước ngoài nhập về, để sản xuất và lắp ráp ô tô.
Vượt qua những khó khăn chồng chất ban đầu, đến thời điểm 2011, tỷ phú Trần Bá Dương đã đưa Thaco phát triển vững mạnh hơn với ô tô. Thaco đã xây dựng và phát triển bằng chiến lược khác biệt, tham gia thẳng chuỗi giá trị toàn cầu để khẳng định chất lượng, sự kiên định, quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Tỷ phú chia sẻ: “Làm công nghiệp đòi hỏi phải có đủ ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi, nuôi khát vọng ngay từ đầu. Với ngành công nghiệp ô tô, nguồn lực đổ vào cũng không nhỏ, nên phải tính toán dòng tiền, bởi nếu không bán được hàng, thì sản xuất ra làm gì, nhà máy làm gì còn giá trị nào”.
Đến nay, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương đã trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô và cơ khí là chủ lực, đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả nông nghiệp; đầu tư xây dựng, logistics và thương mại & dịch vụ.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang: Tỷ phú nước mắm, mì tôm
Năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang quay lại danh sách tỷ phú, sau khi vắng bóng năm ngoái. Ông Quang hiện sở hữu 1,2 tỷ USD, xếp thứ 2378 trên thế giới.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 ở Quảng Trị, là một trong những doanh nhân nổi danh từ các nước Đông Âu.
Ông Nguyên Đăng Quang là doanh nhân thành công nhưng ít ai biết ông xuất thân là tiến sỹ vật lý hạt nhân. Ông được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga
Nhờ tư duy tinh tế nhìn ra cơ hội, thay vì chỉ phục vụ cộng đồng Việt kiều với khoảng 200.000 người, ông Nguyễn Đăng Quang hướng tới thị trường toàn người dân nước Nga với hơn 150 triệu người. Kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng mỳ gói và tương ớt sang Nga lúc cao điểm nhất lên tới 100 triệu USD mỗi năm, còn ông Quang sau này được ca ngợi là nhân vật “dạy người Nga cách ăn mỳ gói”.
Thừa thắng xông lên, vị doanh nhân xây dựng một nhà máy sản xuất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng, đồng thời bổ sung thêm các sản phẩm nước tương, nước mắm.
Chủ tịch Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang. (Ảnh tư liệu)
Sau khi Việt Nam mở cửa, ngoại hối đổ về nhiều, các tập đoàn đa quốc gia nhất là từ Mỹ bắt đầu đua nhau vào Hà Nội và TP. HCM để mở văn phòng đại diện. Ông Quang cùng nhiều du học sinh Đông Âu khác cũng trở về, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp ở quê nhà.
Song song với việc buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu, ông Quang cùng người bạn là tỷ phú Hồ Hùng Anh đã sớm đầu tư vào ngân hàng Techcombank. Sau Techcombank, ông Quang bắt đầu tập trung phát triển Masan. Dù là người tiên phong đưa mỳ gói sang Nga, nhưng thời điểm bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, ông Quang đương nhiên không còn giữ lợi thế của người đến sớm khi gặp phải nhiều đối thủ đáng gờm như Acecook...
Đến năm 2002, ông đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên: Nước tương Chin-su và cũng chính là thời điểm đánh dấu sự có mặt của Masan ở Việt Nam.
Sản phẩm đầu tiên của Tập đoàn Masan tại Việt Nam không phải mỳ ăn liền mà là nước tương Chinsu, ra mắt năm 2002. Thương hiệu Chinsu còn phát triển thêm các sản phẩm mới bao gồm nước mắm, mì gói, hạt nêm. Lúc ấy, doanh thu của Masan chưa đến 500 tỷ đồng và chưa có bước phát triển nào nổi trội. Chưa kể thị trường mỳ ăn liền thời điểm đó không có phân khúc rõ ràng, mỳ gói Chinsu cũng trở nên mờ nhạt trong hằng hà sa số các thương hiệu khác.
Đến nay, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là một đế chế trong ngành tiêu dùng Việt. Doanh nghiệp này phát triển rất nhiều nhãn hiệu sản phẩm trong lĩnh vực mì tôm, nước mắm, tương ớt…
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Chủ tịch Masan nhắc đến cụm từ "keep going - tiếp tục đi tới". Ông khẳng định đây không phải là khẩu hiệu nói suông, không phải để marketing, cũng chẳng để tạo động lực lúc gặp khó khăn mà đó là “Masan Way - phương cách Masan”.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng nhiều lần tự nhắc nhở Masan không phải hoàn hảo, không thật sự giỏi nhất, cho nên cần phải “keep going” với nhiều người tài năng và tâm huyết. Tinh thần "keep going" là điều tất yếu để Masan vượt qua khó khăn cũng như thất bại.
Vua thép Trần Đình Long tái xuất “khẳng định vị thế”
Ông Trần Đình Long cũng tái xuất trong bảng xếp hạng của Forbes. Hiện tại, tỷ phú thép sở hữu 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1444 thế giới.
Tháng 3/2018, doanh nhân Trần Đình Long được tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes đưa vào danh sách “tỷ phú USD” với khối tài sản lên đến 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trên thế giới. Tuy nhiên sau đó, ông đã tụt khỏi bảng xếp hạng.
Tháng 5/2020, ông Long đã quay trở lại câu lạc bộ tỷ phú khi giá trị tài sản chạm mốc 1 tỷ USD cùng với đà phục hồi của cổ phiếu Hòa Phát. Khi đó, vị Chủ tịch Hòa Phát là người giàu thứ 5 tại Việt Nam.
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Lê Bình, Thanh Miện, Hải Dương. Ông tốt nghiệp hệ cử nhân tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành kinh tế năm 1986. Ông Long bắt đầu con đường kinh doanh từ năm 1992 với việc thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng.
Vua thép Trần Đình Long. (Ảnh tư liệu)
Năm 2007, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ra đời. Chỉ 1 năm sau khi ra đời, Hòa Phát lập kỷ lục với kết quả kinh doanh ấn tượng, đạt 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, vươn lên khẳng định vị thế doanh nghiệp thép số 1 trên thị trường.
Đầu năm 2016, ông Long tiếp tục đầu tư thêm vào lĩnh vực Nông nghiệp với việc cho ra đời Công ty Phát triển Nông Nghiệp Hòa Phát. Số vốn điều lệ của công ty này được công bố là 2.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mảng Bất động sản khu công nghiệp Hòa Phát khởi sắc, liên tiếp “đón sóng” nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước thuê đất làm nhà xưởng, đưa mảng bất động sản nhà ở, khu đô thị và kinh doanh hạ tầng KCN.
Năm 2017, Việt Nam bước lên ngôi “vương” về tiêu thụ thép tại khu vực các nước Đông Nam Á. Thép Hòa Phát dẫn đầu thị trường thép xây dựng với thị phần chiếm tới 27,5%. Nhờ sự tăng trưởng mang tính “bứt phá” ấy, giá cổ phiếu của tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh, giúp nâng tổng giá trị tài sản của ông Long lên trên 1 tỷ USD.
Năm 2018, Hòa Phát tiến hành triển khai dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 4 triệu tấn thép/năm, chế biến thép theo công nghệ lò cao khép kín.
Sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, năm 2019, ông Long bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như nội thất, điện lạnh, bất động sản…và đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Hoà Phát vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19. Theo số liệu của VSA, trong mảng thép xây dựng, năm 2020, HPG gia tăng thị phần mạnh mẽ từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,5%.
Ông Trần Đình Long là một doanh nhân giàu có nhưng không thích sự ồn ào. Ông rất ít xuất hiện trên mặt báo, ngay cả trên thương trường cũng khá kín tiếng. Ông Long được nhận xét là người có vẻ ngoài thân thiện, điềm tĩnh nhưng cách giải quyết công việc vô cùng quyết liệt, dứt khoát và có tầm nhìn.
Bài viết: Ngọc Anh - Nguyễn Vân