Hai cây mai cổ thụ nói trên thuộc sở hữu của anh Phan Hoàng (Đông Triều, Quảng Ninh) - người được giới chơi cây gọi vui là ông "vua" mai vàng Yên Tử với vườn mai độc đáo, quy tụ nhiều “cụ” mai có giá trị của núi rừng Yên Tử.
Theo anh Hoàng, cặp mai vàng Yên Tử "Tiên đồng - Ngọc nữ" có tuổi đời lên đến vài trăm năm, những cây già cỗi khi tưới nước vào cây, vỏ cây sẽ nổi lên màu đồng rất đẹp. Do đã sống nhiều năm trên núi đá nên cả hai cây có hình dáng rất đặt biệt, thân xù xì, nổi u cục nhưng lại uốn lượn rất đẹp nên anh Hoàng mới đặt tên là "Tiên đồng - Ngọc nữ".
Giải thích về cái tên này, anh Hoàng cho biết, gọi là "Tiên đồng" bởi thân cây lớn vững chãi như bờ vai của người đàn ông.
Cây “Ngọc nữ” lại rất dẻo dai, do sống dựa vào núi đá nhiều năm nên thân cây gấp khúc, uốn lượn rất đẹp, giống như người phụ nữ dựa vào người đàn ông. Vẻ đẹp thô ráp như vậy chỉ có thiên nhiên mới tạo được.
Chia sẻ về thú chơi mai, ông "vua" mai vàng Yên Tử cho biết, anh bắt đầu sưu tầm mai vàng Yên Tử cách đây 10 năm vì đây là loài cây của núi rừng Yên Tử - loài hoa linh thiêng gắn với quá trình tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Mai vàng Yên tử phát triển rất chậm nên việc ghép cành cũng phải mất hàng chục năm mới có một tác phẩm đẹp.
Hiện tại cặp đôi "Tiên đồng ngọc nữ" anh Hoàng chưa có ý định bán, khi hoàn thiện tay cành giá rất cao, có thể lên đến tiền tỷ.
"Tôi muốn nhân giống, giữ gìn nguồn gen quý hiếm của mai Yên Tử, loài hoa có giá trị kinh tế cũng như đời sống tâm linh", anh Hoàng tâm sự.
Theo Bạch Hiền/Đời sống & Pháp luật