Dịch vụ ghép đôi online hay công nghệ hẹn hò trực tuyến rất phổ biến ở giới trẻ rất nhiều nước như Anh, Mỹ, Úc, Trung Quốc,... nhưng vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, ngay cả ở vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, dịch vụ này cũng đã từng được báo chí nhắc đến rất nhiều với một doanh nghiệp nổi tiếng: VinaCyber JSC của Cao Toàn Mỹ, nhân vật đang gây nhiều chú ý trong vụ kiện tụng "tình - tiền" với hoa hậu Phương Nga.
|
Cao Toàn Mỹ trong vụ rắc rối với hoa hậu Phương Nga. |
Sau khi thành công với VNG - công ty game online tại Việt Nam (thành lập 2004), năm 2008 Cao Toàn Mỹ (1977) đã thoái phần lớn vốn của mình và thu về một khoản tiền có thể lên tới 5-10 triệu USD, theo mức giá mà VNG được đánh giá khoảng 100-200 triệu USD.
Năm 2006, Cao Toàn Mỹ đã lập và sở hữu hơn 95% VinaCyber. Đây là công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm khá lạ lẫm vào thời điểm đó như: Hẹn ăn trưa, Hẹn hò tốc độ nhằm kết nối các bạn nam nữ độc thân thu hút hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Cũng như các nước, "Hẹn hò tốc độ" tạo ra một mạng xã hội ảo nhắm tới nhóm đối tượng thanh niên nam nữ đang trong độ tuổi lao động, có việc làm ổn định nhưng có cuộc sống luôn bận rộn, thiếu thời gian giao lưu và có thể là bị chìm ở trong môi trường làm việc đồng giới.
Dịch vụ "Hẹn hò tốc độ" tạo ra 10 đến 15 cuộc hẹn với 3-6 phút cho mỗi cuộc hẹn giữa những người khác giới. Trong một cuộc hẹn với thời gian quy định, mỗi cá nhân sẽ phải tự thể hiện mình nhằm gây ấn tượng trước người đối diện và chọn cho mình đối tượng phù hợp.
Phần quan trọng nhất của sự kiện là hẹn hò. Địa điểm tổ chức "Hẹn hò tốc độ" thường là quán cafe không gian lãng mạn, yên tĩnh. Một sự kiện Hẹn hò tốc độ thường kéo dài từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, dịch vụ có thu phí này đã tổ chức thành công gần 50 sự kiện ở 3 tỉnh thành lớn nhất nước bao gồm TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với trên 50% là "dân văn phòng".
|
Dịch vụ "hẹn hò" của Cao Toàn Mỹ. |
Trên thực tế, loại hình hẹn hò này khá phổ biến của giới trẻ các nước như Anh, Mỹ, Úc, Trung Quốc. Tại Việt Nam, VinaCyber JSC là đơn vị đầu tiên chính thức tổ chức loại hình hẹn hò này theo kiểu dịch vụ.
Sau "Hẹn hò tốc độ", dịch vụ "Hẹn ăn trưa" với một trang web riêng cũng rất thành công với hơn 70 ngàn lượng người truy cập, được xếp thứ hạng mạng ảo có số thành viên tham gia đông nhất Việt Nam tại thời điểm đó.
Cũng như "Hẹn hò tốc độ", đối tượng mà "Hẹn ăn trưa" nhắm đến thường là nhân viên văn phòng bận rộn. Cho đến năm 2014, website henantrua vẫn khá đông đảo người tham gia truy cập. Song, hiện tại, nó đã tạm ngưng hoạt động không rõ lý do.
Ngoài 2 dịch vụ trên, công ty ông Mỹ còn lập website tuyển dụng trong lĩnh vực thời trang, điện ảnh, âm nhạc người mẫu, diễn viên. Tuy nhiên, hiện địa chỉ này cũng đã không còn hoạt động.
VinaCyber ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ năm 2013. Còn CTCP Tin học mạng ảo Vinac JSC (cũng do Cao Toàn Mỹ sở hữu) vẫn đang hoạt động bình thường và cung cấp các dịch vụ tương tự. Mặc dù vậy, Cao Toàn Mỹ đã chuyển giao chức vụ người đại diện pháp luật cho một người khác tên Nguyễn Sỹ Tiên (gần 70 tuổi) hồi đầu tháng 3/2017.
Hiện tại, tại Việt Nam có rất nhiều trang hẹn hò trực tuyến cho những người độc thân thành niên cùng giới và khác giới trao đổi yêu thương như: webhenho, docthan, henho, duyenso,... hay cả những app công nghệ như Zalo,... Trên Facebook cũng có rất nhiều trang tương tự.
Trên thế giới, có rất nhiều trang nổi tiếng với hàng trăm triệu người từ khắp nơi trên thế giới tham gia như match, Amoo, badoo,...
Theo H. Tú/Vietnamnet