Cảnh báo từ những trường hợp sập bẫy việc nhẹ, lương cao

Google News

Trong tháng 5 và 6/2022, trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã có hai trường hợp sập bẫy lừa "việc nhẹ, lương cao".

Thượng tá Lê Đồng Úy, Phó trưởng Công an thị xã, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm - tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã có thông báo gửi các xã, phường nội thị về thủ đoạn lừa đảo việc nhẹ, lương cao.

Theo thông báo này, trong tháng 5 và 6/2022, trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã có hai trường hợp sập bẫy lừa "việc nhẹ, lương cao". Trường hợp thứ nhất là Đoàn Văn T. (SN 2001, trú ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu). Thông qua mạng xã hội, T. bị một Facebook câu nhử "việc nhẹ" tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) với mức lương mỗi tháng 20 triệu đồng. Nhẹ dạ cả tin nên T. đi xe khách vào TP Hồ Chí Minh và được một số đối tượng lạ sử dụng ôtô, xe máy chở đến tỉnh Đồng Tháp rồi vượt biên sang Campuchia bằng đường sông.

Sau đó T. bị giam lỏng trong căn nhà ở thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng - Campuchia rồi bị ép buộc sử dụng mạng Internet trên máy tính thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thấy bất ổn nên T. đòi về Việt Nam thì nhóm người lạ yêu cầu gia đình T. trả tiền "chuộc" 70 triệu đồng. Trong lúc các cơ quan chức trách ở Việt Nam đang điều tra thì chiều 21/5, T. trở về nhà.

Canh bao tu nhung truong hop sap bay viec nhe, luong cao

 

Lực lượng chức năng thăm hỏi, động viên anh Puih Thái (thứ hai từ phải sang) vừa trở về từ Campuchia.

Trường hợp thứ hai là Nguyễn Thị Thu N. (SN 2006, trú ở thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu) được tài khoản Facebook "Kiều Duyên" giới thiệu "việc nhẹ, lương cao". Chiều 5/6, N. đi xe khách từ Phú Yên vào đến 537 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh thì được một số đối tượng lạ sử dụng ôtô, xe máy chở đến tỉnh Tây Ninh rồi vượt biên sang Campuchia bằng đường bộ giao cho một nhóm giam lỏng trong căn nhà không rõ địa chỉ.

Tại đó, N. bị ép buộc ký hợp đồng lao động, sử dụng mạng Internet trên máy tính thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các ứng dụng mua sắm qua mạng. Lo sợ nên N. tìm cách điện thoại cầu cứu gia đình thì bị nhóm người giam lỏng yêu cầu bồi thường hợp đồng 1.000USD. Đến ngày 17/6, N. được Cảnh sát Campuchia giải cứu, phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đưa về nhà.

Nguồn tin từ Công an tỉnh Phú Yên cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh này có 6 người dân "mất tích" nhiều ngày sau khi sập bẫy lừa "việc nhẹ, lương cao" và đã bị đưa sang Campuchia. Trong đó có 2 người ở thị xã Sông Cầu, 2 người ở huyện Tuy An, 2 người ở TP Tuy Hòa và huyện Tây Hòa. Đến thời điểm này 6 người đều trở về nhà, trong đó có 2 trường hợp được các cơ quan chức trách Việt Nam và Campuchia phối hợp giải cứu, đưa về gia đình; 1 trường hợp ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, gia đình nạn nhân đã phải nộp 69 triệu đồng tiền "chuộc" vào một tài khoản trong nước, đang được cơ quan Công an truy xét, 3 trường hợp tự trở về mà không phải nộp tiền "chuộc".

Theo Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, nạn nhân bị lừa đảo sang Campuchia bằng thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao" trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội Zalo, Facebook... hoặc bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu.

Sau khi đưa qua Campuchia trái phép bằng đường bộ, đường sông, nạn nhân bị giam lỏng, cưỡng ép sử dụng máy tính tổ chức đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, lừa đảo mua bán hàng hóa... trên không gian mạng… Khi nạn nhân kêu đòi về nhà, gia đình đăng tải thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội và báo chí thì bị ép buộc điện thoại cho người thân ở Việt Nam nộp tiền "chuộc", tiền phạt "vi phạm hợp đồng" từ 3.000 - 30.000 USD mới được cho về Việt Nam. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền "chuộc", đã bị các đối tượng lừa đảo đánh đập, ngược đãi, bán sang cho nhóm khác.

Những điểm cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản nạn nhân là người Việt Nam tập trung chủ yếu ở Bavet, tỉnh Svay Rieng; TP Poipet, tỉnh Banteay Meanchay, TP Shihanoukville, tỉnh Preah Shihanouk; làng Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal và TP Phnôm Pênh. Các đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của một số đối tượng người Việt ở Campuchia.

Khởi tố vụ án mua bán người

Ngày 6/7, Trung tá Đinh Công Thông, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án mua bán người trong vụ công dân xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị lừa đảo sang Campuchia làm việc.

Liên quan đến vụ án này, hiện Đồn Biên phòng Ia O đang hoàn tất hồ sơ, thủ tục để bàn giao đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001, trú thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) cho cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Đây được xác định là đối tượng chủ mưu lôi kéo, đưa 7 công dân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sang Campuchia làm việc.

Như Báo CAND đã phản ánh, sau thời gian lập chuyên án và theo dõi hoạt động môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép, đến khoảng 18h ngày 3/7, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, Cục PCMT&TP BĐBP giải cứu anh Puih Thái (SN 1994) và Puih Phú (SN 2006). Đây là 2/7 nạn nhân ở làng Kloong bị đối tượng Trần Quang Quyết thông qua mạng xã hội Facebook dụ dỗ sang Campuchia làm việc.

Tại đây, các nạn nhân sa bẫy lừa đảo phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập, bỏ đói… Khi các nạn nhân muốn về nước, các đối tượng đã buộc anh Puih Thái báo gia đình chuyển khoản 90 triệu đồng, các nạn nhân khác phải chuyển khoản 150 triệu chi phí bồi thường hợp đồng lao động.

Làm việc với cơ quan chức năng, bước đầu Quyết khai nhận môi giới 7 người sang Campuchia làm việc và được trả tiền công 700USD/người.

Hiện lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai vẫn đang tiếp tục đấu tranh, triệt phá đường dây lừa lao động sang Campuchia làm việc cũng như lên phương án giải cứu các nạn nhân còn lại. (Chí Hào)

Theo Hữu Toàn/Công an nhân dân