Bằng việc quảng cáo thủ tục cho vay nhanh chóng, gọn lẹ, không ít những ứng dụng cho vay trực tuyến đã kéo người vay "sập bẫy". Ảnh minh họa: VOV
Bằng việc sử dụng các website, ứng dụng điện thoại di động (App), các đối tượng trong đó có cả người nước ngoài đã tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản.
Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng, tiền vay sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của người vay một cách nhanh chóng cùng lời hứa hẹn "lãi suất thấp".
Thủ tục vay tiền online cũng vô cùng đơn giản, người vay chỉ cần cung cấp ảnh, CMND/CCCD hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu, đăng ký xe máy, bằng lái xe, thậm chí chỉ cần thẻ sinh viên, thẻ học sinh, hay đến cả… thẻ thư viện, bên cho vay tiền cũng chấp nhận.
Không những vậy, quá trình hoàn tất các thủ tục cho vay hết sức chóng vánh. Chỉ cần khoảng 30 phút là người vay có thể đã được nhận tiền. Còn lãi suất vay? Thoạt nghe qua cũng thấy dễ chấp nhận, bởi lãi suất bao giờ cũng thấp hơn 20%, nghĩa là dưới mức cho phép của Luật Tín dụng.
Tuy nhiên, khi mọi việc ký kết đã xong xuôi, đến lúc giao nhận tiền thì mới xuất hiện hàng loạt những chi phí “phát sinh” được đưa ra.
Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả tiền lãi suất và phí có thể lên đến 1.400%/năm.
Lãi suất cao vọt lên ngất ngưởng khiến người vay khiếp vía, nhưng tất cả trở thành “sự đã rồi”.
Trước thực trạng “tín dụng đen” trên mạng nở rộ, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tổ chức triển khai nhiều đợt truy quét, khởi tố, xử lý nghiêm minh nhiều băng nhóm “tín dụng đen”.
Theo lực lượng chức năng, một trong những đặc điểm chung dễ nhận thấy của hoạt động “ tín dụng đen” trực tuyến là vay tiền trực tuyến qua các app cho vay được quảng cáo đầy rẫy trên Internet, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… để người có nhu cầu vay tiền tự liên lạc.
Các ứng dụng này yêu cầu người vay tiền tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng…) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn; trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.
Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện, nhắn qua mạng gây sức ép, thậm chí đe dọa đến tính mạng, buộc người vay tiền phải trả hết các khoản lãi và gốc, với lãi suất rất cao.
Không ít người tiêu dùng phản ánh về hình thức nhắc nợ, đòi nợ kèm theo quấy rối, đe dọa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của người tiêu dùng. Thậm chí có hiện tượng quấy rối, đe dọa người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người tiêu dùng để gây áp lực thu hồi nợ. Một số vụ việc có dấu hiệu liên quan đến hoạt động đòi nợ biến tướng, có dấu hiệu của hoạt động “xã hội đen”.
Để tránh những hệ lụy xấu khi vay tiền các tổ chức tín dụng thông qua các app điện tử, bộ Công an nhấn mạnh, những người có nhu cầu vay tiền cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi giao dịch. Nếu thật sự cần thiết thì phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, có mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại đầy đủ, cụ thể. Ngoài ra phải xem xét thật kỹ các điều khoản để tránh bị sa bẫy tín dụng đen.
Trong trường hợp "sập bẫy" bởi những "chiêu trò" của tín dụng đen trực tuyến, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý và ngăn chặn những hệ lụy xấu có thể xảy ra.
Để hạn chế các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bộ Công thương cũng đã chủ động đăng tải các nội dung lưu ý, cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến. Bộ thường xuyên tổng hợp và phát hành các tin bài để lưu ý người tiêu dùng một số nội dung cần chú ý khi thực hiện giao dịch vay tiền trực tuyến.
Theo thông tin từ bộ Công thương, trong những tháng gần đây, số lượng khiếu nại, phản ánh về các giao dịch trực tuyến tại bộ Công Thương trong quý III/2020 đã giảm nhiều so với trước đó.
Tuy nhiên, Bộ này nhận định, do tác định tiêu cực của dịch COVID-19 ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhu cầu vay tiền của người dân có thể tăng cao và các hoạt động cho vay tiêu dùng còn dư địa phát triển mạnh, vì vậy, người tiêu dùng cần thận trọng trong các giao dịch tài chính.
Bộ Công Thương cho biết, sắp tới, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành hoàn thiện khung chính sách, cơ chế quản lý hoạt động của các mô hình cho vay trực tuyến để hạn chế vi phạm, biến tướng.
Theo Bạch Hiền/Đời sống & Pháp luật