Chỉ cần 1 cú click chuột tìm kiếm, hàng loạt các trang bán sâm bố chính đã xuất hiện. Tuy nhiên, điểm đáng nói là giá bán lại hoàn toàn khác biệt. Tùy từng nơi bán, giá sâm bố chính có sự chênh lệch khác biệt từ khoảng 250.000 đồng/kg đến 1.500.000 đồng/kg.
Tại nhiều địa phương sâm bố chính đã được quy hoạch thành vùng nguyên liệu chuyên canh đặc trưng.
Theo nhiều tiểu thương, giá bán sâm bố chính chênh lệch cao là do sự “thổi phồng” công dụng của người bán hàng. Sâm bố chính là loại sâm thường được trồng ở các địa phương miền Tây, Nam bộ. Trước đây, sâm bố chính chưa được khai thác củ nhiều mà chủ yếu được người dân trồng dưới dạng cây cảnh. Những năm gần đây, với cơn sốt thảo dược tự nhiên, sâm bố chính liên tục được săn đón. Nắm bắt nguồn cầu, nhiều nông dân đã trồng loại sâm này để thu lợi nhuận thay vì trồng rau củ ngắn ngày.
Cận cảnh củ sâm bố chính.
Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (chủ trang trại trồng sâm bố chính ở Thanh Hóa) cho biết: “Bản chất sâm bố chính (sâm báo) không quá khó trồng, thời gian thu hoạch ngắn chỉ khoảng 9 tháng và không quá cầu kỳ trong nguồn đất trồng, dinh dưỡng trồng do đó giá không quá đắt. Nếu mua theo giá nhập với số lượng lớn, sâm bố chính chỉ có giá khoảng 100.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg.
Sâm bố chính được bán theo hai hình thức củ tươi hoặc củ khô.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trên nhiều trang bán sâm bố chính, giá bán chênh lệch khá lớn từ 500.000 - 700.000 đồng/kg. Không chỉ củ mà cả lá và hoa của sâm bố chính cũng được rao bán với giá từ 300.000 - 800.000 đồng/kg củ tươi. Loại được phơi khô có giá đến cả triệu đồng/kg. Vùng trồng sâm bố chính cung ứng cho thị trường chủ yếu là vùng Tây Nam Bộ. Những năm gần đây, một số tỉnh phía Bắc cũng thử nghiệm trồng và đưa lại hiệu quả kinh tế lớn như Thanh Hóa, Tuyên Quang.
Theo lương y Nguyễn Thị Lý, Hội Đông y Hà Tĩnh, sâm bố chính có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với nhân sâm và các loại sâm khác. Sâm bố chính có tác dụng bồi bổ suy nhược cơ thể, hỗ trợ chữa ho ở trẻ em, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Tuy vậy, không phải ai cũng dùng được loại sâm này. Những người bị thấp huyết áp hoặc có tiền sử các bệnh về tim mạnh, phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng sâm bố chính.
Cả hoa, lá củ của sâm bố chính đều có công dụng, dược tính riêng.
Về giá tiền, sâm bố chính chỉ mới lên giá trong thời gian gần đây. Tuy vậy, giá thành sâm bố chính loại 1 cũng chỉ từ 120.000 - 180.000 đồng/kg chứ không thể có giá lên đến hơn 1.500.000 đồng/kg. Nguồn cung của sâm bố chính khá lớn nên người tiêu dùng không nên tin vào các quảng cáo thổi phồng công dụng mà mất tiền oan.
Không chỉ vậy, những người có thể trạng hàn hay lạnh bụng cũng không nên sử dụng sâm bố chính. Khi sử dụng sâm bố chính cần phải gia giảm thêm gừng hoặc các vị thuốc có tính nóng khác.
Hoa sâm bố chính trước đây được trồng như một loại cây cảnh trong nhà hoặc đường phố.
Người tiêu dùng cần chọn các cơ sở cung cấp sâm bố chính uy tín, sử dụng theo hướng dẫn của các y bác sĩ, theo dõi cẩn thận trong suốt quá trình sử dụng để tránh tiền mất, tật mang, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
Theo Hoàng An / Gia đình & Xã hội