Năm 2017, Bùi Minh Thắng vay 700 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM. Ngay sau đó, anh còn đi cầm sổ đất, giấy tờ nhà để vay thêm, rồi dồn tiền vào mô hình trồng nấm.
Chẳng mấy chốc, mô hình được nhân rộng từ 700m2 lên 3.000m2, chuyên sản xuất phôi nấm. Mỗi ngày, nông trại của anh cung cấp ra thị trường 70.000-80.000 túi phôi/tháng, với giá 5.000 đồng/túi phôi.
Giờ đây, nông trại nấm có thể kiếm được doanh thu ít nhất 300 triệu đồng/tháng. Đó là quả ngọt sau 13 năm theo đuổi đam mê khởi nghiệp của Thắng, khiến nhiều người khâm phục.
Ngỡ như trắng tay
Tốt nghiệp THPT năm 2009, Bùi Minh Thắng (31 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) được bố mẹ cho đi học tiếng Nhật để chuẩn bị đi du học. Tuy nhiên, sau 2 năm học tiếng, Thắng nhận ra nhu cầu thật sự của bản thân không phải ra nước ngoài học tập, mà là nghiên cứu trồng nông sản Việt, đặc biệt là nấm.
|
Anh Bùi Minh Thắng, chủ nông trại rộng 3.000m2, kiếm 300 triệu đồng/tháng nhờ trồng nấm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
|
Gia đình vốn làm nông, bố mẹ thấu hiểu nỗi vất vả của người làm nghề nên ra sức khuyên ngăn anh. Tuy nhiên, vì quá khao khát được phát triển mô hình làm nông hiện đại, một phần cũng vì muốn ở gần gia đình, Thắng đã thuyết phục và nhận được cái gật đầu miễn cưỡng của bố mẹ.
Sau một năm vừa học vừa nghiên cứu, chàng trai bắt đầu những bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp của mình với mô hình trồng nắm. Không có vốn, đất đai, anh Thắng bán vườn lan mình tự trồng, lấy 25 triệu đồng để mua phôi nấm, nguyên vật liệu thô sơ.
Thời điểm đó, vì không thể đầu tư máy móc nên mọi thứ còn đơn giản, thậm chí anh chỉ trồng nấm trong những chiếc thùng phuy sắt để tiết kiệm chi phí.
Không lâu sau, những khó khăn ập đến dù chàng trai đã tính toán vô cùng kỹ lưỡng.
"Mẻ nấm 100.000 phôi sau một thời gian chăm sóc đã không phát triển. Mất trắng ngay từ lần đầu khởi nghiệp, tôi cảm thấy rất hụt hẫng", chàng trai bộc bạch.
Tiếp đó, việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất dù cho ra sản phẩm chất lượng hơn, nhưng doanh thu lại không đủ để Thắng chi trả các khoản phí khác. Ngày qua ngày, Thắng rơi vào cảnh nợ nần, đặt chân đến "bờ vực" thất bại.
"Bệnh liều" khó… chữa
Hằng ngày, chàng trai tự nhốt mình trong phòng để suy nghĩ cách làm giàu và phân tích nguyên nhân của việc trồng nấm thất bại. Có những đêm, vì quá chán nản, Thắng khóc như một đứa trẻ. Ở thời khắc tưởng chừng như từ bỏ, Thắng bất ngờ được gia đình an ủi và động viên.
"Tôi như chợt tỉnh ra, ngẫm rằng mình phải cố gắng hơn để không từ bỏ ước mơ, sự kỳ vọng từ gia đình. Từ những bước đi ngô nghê, thất bại lúc đầu, tôi biến đó làm bài học để bước tiếp. Vấp ngã sẽ khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn!", chàng trai trải lòng.
|
Làm việc bằng cái tâm và sự nỗ lực kiên trì, anh Thắng đạt được thành quả là các đơn hàng từ khắp mọi nơi dần đổ về (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
|
Biết mình mắc "bệnh liều" khó chữa, anh Thắng loay hoay tìm cách khôi phục sản xuất ở nông trại nhỏ.
Nhờ nỗ lực, may mắn cũng đến với anh Thắng. Khách hàng, sản lượng nấm ngày càng tăng. Anh còn được tạo điều kiện vay vốn để phát triển mô hình, tăng diện tích từ 700m2 lên 2.000m2.
"Nấm từ nông trại dần có mặt tại các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM. Doanh thu từ việc bán nấm và phôi nấm, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng nông trại lên 3.000m2", anh Thắng chia sẻ.
Khác với kiểu trồng truyền thống, chàng trai còn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị như máy phun sương, lò hơi, áp suất, hấp phôi, nuôi cấy meo giống… để cải tiến quy trình trồng.
Sau hơn 13 năm theo đuổi khởi nghiệp, ngoài doanh thu "khủng", anh Thắng đã tạo cơ hội việc làm cho người dân lao động địa phương.
Để lan tỏa niềm đam mê nông sản Việt, ông chủ trẻ còn "mở cửa" để đón nhiều học sinh, sinh viên đến tham quan, học hỏi quy trình làm nấm. Đồng thời, anh còn tham gia vào công tác hướng dẫn người dân theo đuổi mô hình phát triển nông sản do địa phương tổ chức.
Trước đó, năm 2018, chàng trai đã liên kết với trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ TPHCM để nghiên cứu, mang những mẻ phôi nấm đầu tiên có mặt trên hải đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).
"Đối với tôi, sự thành công ở bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ đến với người kiên trì, cố gắng và ham học hỏi, có sự chuẩn bị", chàng trai 9X cho hay.
Sắp tới, anh Thắng dự định sẽ mở thêm nông trại rộng 1ha tại tỉnh Đắk Nông để phát triển mô hình sản xuất, tăng sản lượng phôi nấm cung cấp cho thị trường.
Anh Bùi Minh Thắng hiện là phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Hòa Phú (huyện Củ Chi). Trước đó, anh được trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng như Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM,…
Theo Nguyễn Vy / Dân Trí