Quất là loại cây cảnh được nhiều người dân miền Bắc chọn trưng bày trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau Tết nhiều gia đình thường vứt bỏ. Trên thực tế, nếu biết cách chăm thì cây quất có thể ra quả và sử dụng cho Tết năm sau.
Để cây quất được sống tốt khi trồng lại sau Tết, cần ngắt hết quả chưa rụng, và một nửa số lá còn trên cây. Điều này giúp hạn chế nhu cầu dinh dưỡng và lượng nước mà cây cần khi rễ chưa kịp bám vào đất trong môi trường mới.
Chuẩn bị đất trồng
Đất trồng cho quất phải là đất tơi, xốp, thoáng khí nhưng đủ ẩm, giàu dinh dưỡng. Đồng thời điều chỉnh độ pH đất từ 5-6 cho cây có điều kiện sinh trưởng tốt hơn.
Nếu trồng cây quất ở đất vườn thì nên lựa chọn chỗ đất cao, tránh nơi trũng ứ nước làm cây bị thối rễ. Nếu trồng cây trong chậu, chọn chậu lớn hơn tán cây, có lỗ thoát nước và nên thay chậu lớn hơn khi cây phát triển mạnh.
Bổ sung chất dinh dưỡng
Sau khi trồng khoảng 5 - 7 ngày, cần xới nhẹ đất quanh gốc, cách gốc khoảng 20 - 30 cm. Việc này giúp đất tơi xốp hơn và cây dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, khoảng 15 ngày sau khi trồng, cần bổ sung chất dinh dưỡng cho cây quất bằng cách bón phân quanh gốc. Có thể hòa phân bón vào nước rồi tưới gốc cây hoặc bón trực tiếp vào đất.
Phân bón nên sử dụng là NPK(12:5:10), phân chuồng hoại mục hoặc phân hữu cơ vi lượng PTS9. Liều lượng bón phụ thuộc vào kích thước của cây quất.
Tỉa cây, tạo dáng
Nhiều cây quất đã có sẵn dáng cây đẹp. Vì vậy, sau khi trồng lại chỉ cần tỉa bớt lá cây cho gọn lại. Nếu không thích thế cũ của cây quất, có thể trồng cho phát triển mạnh, lá xanh rồi cắt tỉa tạo thế mới.
|
Có thể trồng lại quất cho năm sau. Ảnh minh họa |
Khi cắt tỉa cần sử dụng dụng cụ chuyên dụng (dao, kéo) để tránh làm hỏng cành. Việc cắt tỉa cần tiến hành vào những ngày nắng ráo. Định kỳ khoảng 10-15 ngày bạn nên tỉa lá, cắt cành hoặc uốn cành một lần.
Phòng trừ sâu, bệnh
Trời ẩm ướt có thể khiến cây quất dễ nhiễm nấm gây hại. Ngoài ra, sâu rệp cũng có thể tấn công vào thân, lá, rễ. Vì vậy, hàng ngày cần quan sát kỹ để phát hiện kịp thời sâu bệnh và có biện pháp xử lý.
Đánh cây vào chậu
Khoảng cuối tháng 5 dương lịch, có thể đánh quất trồng vào chậu để chăm sóc tiếp, bước này cũng được coi là bước đảo quất để kích thích cây ra hoa. Trước khi đảo quất, tưới đủ ẩm, dùng đầm sắt xỉa xung quanh cách gốc cây 60 - 100cm rồi dùng cuốc moi hết đất xung quanh tạo rãnh sâu 40cm, rộng 20cm.
|
Ảnh minh họa |
Sau đó tỉa bỏ bớt đất đến khi đường kính bầu còn khoảng 40 - 60cm. Trong quá trình bỏ bớt đất, ta chặt bỏ các rễ quá to không quấn quanh bầu được, còn các loại rễ nhỏ, mềm dài đem quấn quanh bầu, dùng dây nilon buộc chặt rễ qua gốc. Dùng đầm sắt xỉa mạnh để cắt đứt phần đất cũng như rễ ở phía dưới bầu. Cuối cùng, chỉ cần nhấc cây vào cho vào chậu trồng.
Tạo quả cho cây
Nếu muốn trên tán chỉ có một loại quả chín: Để cây vừa đánh bầu vào nơi râm mát, tránh mưa to làm rã hỏng bầu, trong 10 - 20 ngày, khi lá héo rụng gần hết (80-90% lá rụng) đem trồng lại và chăm sóc bình thường, cây sẽ ra hoa kết quả đồng loạt vào tháng 7 - 8, chín vào tháng 1 - 2 dịp Tết Nguyên đán.
Nếu muốn trên tán vừa có quả chín, quả xanh, vừa có lộc hoa: Sau khi đánh bầu đảo quất cần để trong bóng mát 7 - 10 ngày sao cho tán cây héo rụng bớt 1/2 lá, đem trồng lại. Khi cây kết quả ở lứa hoa đầu và lứa hoa thứ hai (tháng 6 - 8), ta vặt bớt 1/2 lượng quả, cắt ngọn non, vặt 1/2 số lá bánh tẻ, bón thúc phân đạm và kali hoặc nước tăng trưởng Vườn sinh thái cây lại tiếp tục ra hoa, kết quả, phát lộc những lứa sau.
Hoàng Minh (tổng hợp)