Dưới đây là một số mẹo giúp người nội trợ sử dụng bếp ga hiệu quả:
1. Mua bếp ga chất lượng, tiết kiệm ga
Khi chọn mua bếp ga, bạn nên chọn loại bếp ga có hiệu suất đốt cao để tiết kiệm ga. Tuy nhiên, trên thị trường lại có nhiều loại bếp ga với nhiều hiệu suất đốt khác nhau như 53%, 49% và thậm chí là 30%.
Để nhận biết bếp ga có hiệu suất đốt cao, bạn hãy quan sát ngọn lửa của nó. Nếu ngọn lửa màu xanh dương thì hiệu suất đốt của bếp cao do lượng oxy cung cấp dồi dào, ít oxy hơn sẽ cho ngọn lửa màu xanh lá cây.
2. Đặt bếp ga tránh xa các vật liệu cháy nổ
|
Nên đặt bếp ga trên các vật liệu không bắt cháy như đá, xi măng. (Ảnh minh họa) |
Khi đặt bếp ga, bạn không nên đặt cạnh các vật liệu dễ cháy nổ khác như thiết bị điện, rèm cửa, cồn,... Hơn nữa, bạn cũng nên đặt bếp trên các vật liệu không bắt lửa như đá, xi măng,… tránh tuyệt đối đặt bếp trên các vật liệu làm bằng gỗ.
3. Chọn nồi phù hợp để đun nấu
Những chiếc nồi phù hợp sẽ giúp bạn tiết kiệm được một lượng ga đáng kể, bởi nồi dày thường phải tốn thêm thời gian đốt nóng lâu hơn. Các loại nồi nhôm, nồi inox đáy mỏng, vừa sẽ dễ hấp thụ nhiệt và giúp tiết kiệm ga khi nấu.
Hơn nữa, khi chọn lựa nồi chảo, bạn cần cân nhắc đến các loại nồi có cỡ tối thiểu lớn hơn kích cỡ đầu đốt của bếp đang dùng. Nồi quá nhỏ thì lửa sẽ tràn qua khỏi thành nồi gây hao phí lớn.
4. Không bật, tắt bếp nhiều lần
Bật, tắt bếp nhiều lần sẽ làm ga thoát ra ngoài càng nhiều. Hơn nữa, việc tắt mở bếp nhiều sẽ làm giảm tuổi thọ của bếp. Do đó, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng các thức ăn cần nấu trước khi mở bếp.
5. Không để ngọn lửa ở mức quá to
Khi để lửa quá to, lượng nhiệt thay vì tập trung vào đáy nồi lại bị phân tán ra xung quanh. Điều này không chỉ khiến thức ăn lâu chín hơn mà còn làm hao ga. Vì vậy, khi nấu ăn bạn nên điều chỉnh ngọn lửa sao cho phù hợp với kích cỡ của xoong nồi để tránh hao ga.
6. Khóa bình ga sau khi đun nấu
Theo nghiên cứu của các công ty sản xuất bếp ga thì van bình, van điều áp và dây dẫn là những điểm có nguy cơ dẫn đến rò rỉ, thất thoát ga cao nhất. Nếu dùng van bình, van điều áp và dây dẫn loại tốt (hàng chính hãng) sẽ tránh được thất thoát gần 3kg ga/tháng so với loại có chất lượng kém. Tuy nhiên, cách dùng tốt nhất vẫn là nên khóa bình ga sau khi dùng để vừa tránh thất thoát ga vừa đảm bảo an toàn cho gia đình.
7. Đun vừa đủ nước
Đun quá nhiều nước so với lượng thực phẩm cần đun nấu sẽ chỉ khiến thời gian đun nấu lâu hơn, gây tiêu tốn ga.
8. Thường xuyên vệ sinh bếp ga
Mỗi ngày sau khi nấu ăn xong, bạn nên chùi rửa bếp ga, để những vết bẩn không đọng lại làm bít các lỗ khí (đường dẫn ga). Trong khí đó, nếu các lỗ khí bị bít lại sẽ khiến một phần ga thất thoát ra ngoài, lâu ngày ngọn lửa sẽ nhỏ dần. Hơn nữa, vệ sinh bếp ga thường xuyên cũng là cách để giúp ngọn lửa không bị vàng, xoong nồi bị đen khi nấu ăn.
9. Rã đông thực phẩm trước khi nấu
Không rã đông thực phẩm trước khi nấu sẽ khiến thời gian đun nấu kéo dài, khiến lượng ga tiêu hao lớn. Bên cạnh đó, cách này còn khiến thực phẩm bị mất chất dinh dưỡng.
10. Tận dụng xoong còn nóng nấu tiếp
Sau khi nấu xong một món, bạn có thể tráng xoong, tận dụng xoong vẫn còn nóng và nấu luôn món mới. Ví dụ khi luộc trứng xong, bạn có thể dùng xoong đó để luộc rau. Như vậy, bạn sẽ không bị mất một lượng ga đáng kể để làm nóng một chiếc xoong mới.
11. Tập trung khi nấu
Một số người có thói quen vừa nấu ăn vừa làm việc khác và hầu hết đều quên cho tới khi nhớ ra thì một lượng ga đã tiêu hao uổng phí. Nguyên nhân là do lúc này món ăn đã quá lửa, nước cạn, thậm chí cháy nồi. Điều này vừa gây tốn ga và vừa ảnh hưởng tới dinh dưỡng của món ăn.
12. Không nấu cơm bằng bếp ga
Nấu cơm bếp ga không chỉ khiến cơm dễ bị cháy khét mà khi nấu lâu, lửa liu riu sẽ rất mất công và mất thời gian, gây tốn tiền ga.
Theo Hà Phương/Khám Phá