Các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé máy bay và phí dịch vụ khiến nhiều hành khách bất ngờ khi sở hữu tấm vé. Chưa kể, mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không, áp dụng cho các nhà khai thác hàng không và khách hàng sử dụng dịch vụ hàng không được Cục Hàng không đề xuất điều chỉnh theo hướng tăng lên nếu nhận được "cái gật đầu" từ phía Bộ Giao thông Vận tải chắc chắn giá vé máy bay nội địa sẽ tiếp tục đẩy lên cao.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietjet) |
Hãng hàng không Vietjet thực hiện tăng phí dịch vụ hệ thống từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng/chặng bay nội địa và tăng từ 120.000 đồng lên 160.000 đồng/chặng bay quốc tế kể từ 22/3.
Bên cạnh đó, Vietjet cũng điều chỉnh phí phụ thu dịch vụ, bao gồm dịch vụ chọn chỗ ngồi tăng từ 80.000 đồng lên 90.000 đồng; giá cước gửi hành lý đối với chặng bay quốc nội tăng từ 10.000-20.000 đồng/chặng; phí phụ thu đổi chuyến bay đối với trường hợp bị trễ chuyến đối với chặng bay quốc tế từ mức 735.000 đồng lên 1 triệu đồng/hành khách.
Jetstar Pacific Airlines cũng đã gửi thông báo tới các đại lý bán vé máy bay về việc điều chỉnh tăng phí quản lý hệ thống từ 100.000 lên 130.000 đồng/chặng kể từ ngày 15/3.
Trong thông báo tới các đại lý bán vé, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, giá vé máy bay trong nước hạng thương gia tăng từ 100.000-500.000 đồng/chặng, hạng phổ thông tăng từ 40.000-300.000 đồng/chặng. Thời gian điều chỉnh giá vé từ 1/4, áp dụng tùy theo từng chặng bay cụ thể.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines cũng vẫn duy trì khoảng 10 mức giá thấp trên mỗi đường bay nội địa và không tăng giá trên các đường bay địa phương đi Buôn Mê Thuột, Điện Biên… và đường bay trục lẻ (Thành phố Hồ Chí Minh-Hải Phòng/Vinh…). Các loại phụ thu và phí khác giữ nguyên.
Đại diện của Vietnam Airlines cho biết, việc rà soát, điều chỉnh bảng giá vé năm là hoạt động định kỳ thường xuyên của hãng, dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường và tuân thủ quy định.
Theo đại diện Jetstar Pacific, trong 3 năm 2014-2016 mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh, doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không, của ngành hàng không.
“Chi phí vận chuyển hàng không có tới hơn 80% là chi phi bằng ngoại tệ. Hiện nay, một số yếu tố chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã tăng và dự kiến sẽ tăng (giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, giá xăng đâu máy bay, thuế môi trường...) nên sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục bị giảm do cạnh tranh về giá vé (bán giá vé thấp nhiều và đang khó quản lý khi chưa có quy định giá sàn),” đại diện hãng Jetstar cho hay.
Theo Việt Hùng/Vietnamplus