Nhu cầu mua vàng cao kỷ lục
Trong báo cáo đưa ra mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu mua vàng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 khi căng thẳng địa chính trị dai dẳng đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn. Cụ thể, tổng khối lượng vàng được giao dịch trên toàn cầu năm ngoái đạt 4.899 tấn, cao hơn 158 tấn so với năm 2022.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc nghiên cứu các Ngân hàng Trung ương tại WGC, cho biết các yếu tố thúc đẩy nhu cầu vàng vào năm 2023 là chiến sự Nga - Ukraine, xung đột Israel - Hamas và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc.
Theo ông, những điều này có thể tiếp tục thúc đẩy giá vàng tăng cao vào năm 2024. WGC ước tính các sự kiện địa chính trị đã khiến giá vàng tăng thêm từ 3% đến 6% trong năm 2023.
Năm 2024, các cuộc bầu cử lớn diễn ra trên toàn cầu, bao gồm cả ở Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ, Nga... Do đó, giới chuyên gia dự báo rằng nhu cầu phòng ngừa rủi ro danh mục đầu tư của các nhà đầu tư có thể sẽ cao hơn bình thường.
Người dân chọn mua vàng tại Ấn Độ (Ảnh: India Today).
Giá vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.100 USD/ounce vào tháng 12 năm ngoái khi các Ngân hàng Trung ương cũng như các nhà đầu tư bán lẻ tăng cường mua vàng. Lượng mua của Ngân hàng Trung ương đã vượt 1.000 tấn trong 2 năm liên tiếp.
"2023 là năm cao thứ hai trong lịch sử mua vàng của ngân hàng trung ương, gần bằng mức cao kỷ lục vào năm 2022", ông Shaokai Fan chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
"Cá mập" liên tục gom vàng
Theo Hội đồng vàng thế giới, một yếu tố khác hỗ trợ thị trường vàng trong tương lai là động thái mua vào của các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương là nguồn cầu chính trên thị trường vàng toàn cầu trong vài năm qua và năm 2023 là một năm kỷ lục. Hội đồng vàng thế giới dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2024.
Ông John Reade, giám đốc chiến lược thị trường của WGC, cho biết hội đồng này rất ngạc nhiên trước sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 và tốc độ mua vào vẫn tiếp tục trong năm 2023.
Cũng trong báo cáo vừa công bố, WGC ước tính rằng nhu cầu của các ngân hàng trung ương đóng góp từ 10% trở lên vào hiệu suất của thị trường vàng năm 2023. Đồng thời, WGC cũng lưu ý rằng ngay cả khi năm 2024 vàng không đạt được mức giá cao tương tự, việc mua vào của xu hướng trên vẫn sẽ thúc đẩy giá tăng.
"Kỳ vọng của chúng tôi là việc mua ròng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong năm nay ", ông Reade chia sẻ.
Theo WGC, năm 2023 được xem là giai đoạn mua vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Nhờ đó, giá vàng đã củng cố sức mạnh và tạo ra các cơn sốt nóng trong nhiều thời điểm.
Trung Quốc mua vàng nhiều nhất thế giới
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là đơn vị mua vàng nhiều nhất với 225 tấn vào năm ngoái, nâng lượng dự trữ của nước này lên 2.235 tấn.
"Khi ngân hàng trung ương mua vào lượng lớn vàng, nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ để ý đến công cụ này. Họ có thể coi đây là công cụ đầu tư cá nhân", ông Shaokai Fan nói. Đầu tư của Trung Quốc vào vàng đã tăng 28% kể từ năm 2023 và đứng ở mức 280 tấn.
Khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc cũng khiến nhà đầu tư càng tìm đến vàng. Năm ngoái, "chúa chổm" China Evergrande, từng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã bị tòa án Hong Kong ra lệnh thanh lý sau khi công ty này không đạt được thỏa thuận để tái cơ cấu.
Trang sức in hình rồng tại một cửa hàng ở Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh: China Daily).
"Nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng về triển vọng của các tài sản khác. Vì thế, họ tìm đến vàng để bảo toàn giá trị danh mục đầu tư. Vàng thực sự đã hoạt động rất tốt so với các loại tài sản khác ở Trung Quốc", ông Fan chia sẻ.
Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy Trung Quốc đã soán ngôi Ấn Độ trở thành nước mua trang sức vàng lớn nhất thế giới vào năm 2023. Người dân Trung Quốc mua 603 tấn vàng trang sức vào năm 2023, tăng 10% so với năm 2022.
Ông Fan cũng cho rằng điều này phần lớn là do sự gia tăng các đám cưới bị hoãn lại sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch.
Còn nhiều triển vọng trong năm 2024
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, việc mua vàng trong năm nay khó có thể đạt được mức của năm 2023. "Nếu lạm phát giảm đáng kể, người tiêu dùng có thể bắt đầu cảm thấy giàu có hơn. Điều này có thể làm giảm nhu cầu mua vàng", WGC nhận định.
WGC cho biết nhiều nhà kinh tế hiện dự đoán rằng Mỹ sẽ hạ cánh mềm, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, WGC cũng lưu ý rằng trong lịch sử, môi trường hạ cánh mềm không quá hấp dẫn đối với thị trường vàng, bởi nó có thể khiến lợi nhuận của nhà đầu tư đi ngang hoặc giảm.
"Lần này, căng thẳng địa chính trị gia tăng trong năm bầu cử quan trọng đối với nhiều nền kinh tế lớn cùng với việc các Ngân hàng Trung ương tiếp tục mua vào có thể là động lực cho thị trường vàng", Hội đồng vàng thế giới nhận định.
Các chiến lược gia của Hội đồng vàng thế giới cho rằng khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ là không chắc chắn khi suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa được giải quyết.
"Điều này sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư nắm giữ các tài sản phòng ngừa rủi ro hiệu quả như vàng trong danh mục đầu tư của họ", WGC đánh giá.
Giá vàng có thể đạt được mức cao kỷ lục (Ảnh: Morning Star).
Chia sẻ với CNBC, ông John Reade dự đoán rằng giá vàng có thể sẽ vẫn ở mức giới hạn nhưng sẽ biến động trong năm tới. Nhà phân tích này kỳ vọng giá vàng sẽ phản ứng theo các đợt công bố dữ liệu kinh tế thường được sử dụng để "đoán" chính sách của Fed.
Theo ông Chris Gaffney, Chủ tịch thị trường thế giới tại công ty tài chính EverBank, động lực chính cho giá vàng trong ngắn hạn là kỳ vọng về lãi suất. Vàng có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn cho đến khi Fed thực sự có động thái cắt giảm lãi suất.
Nhiều nhà đầu tư dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách Fed sẽ chờ đến tháng 6 năm nay mới bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khi dữ liệu về lạm phát được công bố.
Cắt giảm lãi suất thường được coi là tin tốt cho thị trường vàng, bởi lợi nhuận từ gửi tiền mặt giảm đi thì người gửi tiết kiệm sẽ tìm đến các khoản đầu tư có lãi suất cao hơn. Còn lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Tuy nhiên, bà Chantelle Schieven, chuyên gia tại công ty nghiên cứu Capitalight Research, cho rằng việc Fed từ bỏ mục tiêu lạm phát và cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Sự thay đổi trong chính sách tiền tệ này sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư mới vào vàng, đẩy giá vàng cao hơn đáng kể.
Chuyên gia nhận định rằng các động lực hiện có trên thị trường có thể đẩy giá vàng lên cao hơn đáng kể và có thể đạt được mức cao kỷ lục. Bà Schieven dự đoán, giá vàng sẽ đạt mức cao nhất là 2.400 USD/ounce trong năm nay với mức giá trung bình là 2.170 USD/ounce.
Theo bà, trên thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và sự bất ổn về địa chính trị khiến nhà đầu tư chuyển sang tâm lý phòng thủ để bảo vệ tài sản của mình. Bên cạnh đó, nhu cầu của các Ngân hàng Trung ương tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho kim loại quý này. Bà kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai gần.
Theo Phương Liên/Dân Trí