Sau 15 năm vận hành ổn định, an toàn, có thời điuểm vượt công suất thiết kế đến nay, NMLD Dung Quất đã sản xuất hơn 83,8 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt 1,42 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 203,9 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận hơn 42,6 nghìn tỷ đồng. Nhà máy trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nguồn lực đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất.
Theo kế hoạch, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ thực hiện nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng mức đầu tư hơn 1,81 tỷ USD.
|
Lọc hóa dầu Bình Sơn |
Lọc hóa dầu Bình Sơn ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2023 này hơn 1.622 tỷ đồng, trong đó gần 955 tỷ đồng cho dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, còn lại là dành cho các dự án khác và mua sắm trang thiết bị.
Công ty cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, việc tiếp tục triển khai dự án theo các thông số đã được phê duyệt trước đây không còn hiệu quả và khả thi. Vì vậy, người đại diện phần vốn của Petrovietnam tại Lọc hóa dầu Bình Sơn đang thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 1,2 tỷ USD, trong đó phương án thu xếp vốn cơ sở gồm 40% vốn chủ sở hữu và 60% từ nguồn vốn vay.
Tuy nhiên, do dự án không có bảo lãnh của Chính phủ, các tổ chức tín dụng sẽ rất thận trọng và chặt chẽ trong việc thẩm định hiệu quả dự án, yêu cầu tỷ số dòng tiền trả nợ của BSR đạt ở mức cao; hạn chế tín dụng về số tiền cho vay tối đa (room) của một Tổ chức tín dụng trong nước đối với Lọc hóa dầu Bình Sơn (không quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng (TCTD), đối với nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không quá 25% vốn tự có của TCTD.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, còn có nhiều yếu tố rủi ro biến động của thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất ở mức cao ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Do đó, để thu xếp được vốn vay theo phương án cơ sở cho dự án hiện tại gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, phương án thu xếp vốn có thể phải thay đổi từ 40% vốn chủ sở hữu, 60% nguồn vốn vay thành 60% vốn chủ sở hữu, 40% nguồn vốn vay. Lúc đó, vốn chủ sở hữu cần thu xếp khoảng 15.485 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn chủ sở hữu cho dự án là 10.323 tỷ đồng đề xuất chuyển thành 15.485 tỷ đồng, tùy thuộc vào phương án thu xếp vốn chủ sở hữu cho dự án là 40% đến 60%.
Ngoài ra, theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nhu cầu vốn chủ sở hữu đầu tư cho các dự án khác và mua sắm tài sản cố định là 2.921 tỷ đồng.
Do đó, tổng nhu cầu vốn chủ sở hữu cho dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu và các dự án khác giai đoạn 2021 - 2025 có thể lên đến 18.406 tỷ đồng.
Với nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư trong những năm tiếp theo như trên, dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu là rất cấp thiết, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, BSR nhận định.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2022, theo Lọc hóa dầu Bình Sơn, là 14.836 tỷ. Nguồn vốn chủ sở hữu còn thiếu cần được bổ sung cho dự án gồm trích 30% lợi nhuận sau thuế năm 2022 cho quỹ đầu tư phát triển, tương ứng với số tiền là 4.451 tỷ đồng. Số dư quỹ đầu tư phát triển sau khi trích bổ sung là 10.047 tỷ đồng.
Đồng thời công ty muốn giữ lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối số tiền 7.881 tỷ đồng để bổ sung vốn chủ sở hữu dưới hình thức trích bổ sung quỹ đầu tư phát triển/chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chia cổ tức bằng tiền trong các năm tiếp theo, tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh trong các năm tiếp theo, phương án thu xếp vốn thực tế cho dự án nâng cấp Nâng cấp nhà máy và chiến lược phát triển công ty trong các năm tiếp theo.
Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7% (700 đồng/cp). Với khoảng hơn 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi khoảng 2.170 tỷ đồng để thanh toán cổ tức. BSR dự kiến niêm yết cổ phiếu BSR lên HoSE trong quý 3/2023 khi đã đáp ứng được các quy định hiện hành. .
Trần Thị Sánh